(Baonghean) - 12 giờ 49 phút, đó là thời điểm kết thúc của phiên họp thứ 3, phiên họp “chốt hạ” phương án cuối cùng. Có thể nói rằng hiếm cuộc họp nào mà lại căng thẳng, quyết liệt và “kỳ công” như là Hội đồng tiền lương quốc gia. Đã từ mấy năm nay, mỗi lần “ba bên” (đại diện phía doanh nghiệp, đại diện phía người lao động và đại diện cơ quan quản lý) “hội đàm” là mỗi lần “nảy lửa” tranh luận. Cũng nào có gì bí ẩn hay cao xa đâu, cái duy nhất kéo căng những cuộc tranh luận là tăng bao nhiêu cho… “vừa lòng nhau”, thế thôi. Phía đại diện người lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) thì tìm cách bẻ đường cong đồ thị theo hướng “nâng lên” còn phía đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) thì thuyết trình cố gắng vuốt sao cho “hạ bớt độ dốc” của nó. 

Còn nhớ mùa tăng lương trước, sau một chuỗi dài tranh biện mà theo cách nói dân gian là “cò kè bớt một thêm hai” thì  cuối cùng một điểm gặp trung gian khá mềm dẻo cũng phần nào thỏa mãn được hai phía với tỷ lệ tăng lương tối thiểu vùng so với năm 2014 là 14,3%.  Một mức tăng mà lúc bấy giờ dư luận đều đánh giá không quá tệ, nếu không nói là “rành thoáng”. Ấy vậy mà, theo một số tính toán được công bố thì với người lao động nó vẫn chỉ đáp ứng khoảng 78 - 85% mức sống tối thiểu của họ. Năm nay rõ là tình hình cũng “gay cấn” không kém, phiên họp thứ nhất có tính “thăm dò”, đến phiên họp thứ hai, sau bốn giờ tranh luận gay gắt, căng thẳng, phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia trong tháng 8 để quyết định mức tăng tối thiểu vùng năm 2016 đã kết thúc mà không đạt được kết quả nào. Phía Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất 3 phương án cụ thể, đó là: Phương án 1, mức đề xuất lương năm sau tăng 420-600 nghìn đồng/tháng so với năm nay. Phương án 2, lương tối thiểu vùng năm sau tăng từ 350.000 - 550.000 đồng/tháng. Phương án 3, mức lương tối thiểu năm 2016 tăng từ 375.000 -  520.000 đồng/tháng. Như vậy, với ba phương án được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất thì tỷ lệ tăng lương tối thiểu năm sau có mức tăng phổ biến 16 - 17,5% tùy theo vùng. Tuy nhiên sau những phân tích chi tiết, đại diện người lao động chốt lại đề xuất tăng 16,8% so với năm 2015. Phía “bên kia”,  đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì chỉ “ưng” khoảng 10%. Thậm chí, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đã lên tiếng “phản pháo” rằng: phương án tăng lương tối thiểu mà Liên đoàn Lao động Việt Nam đề ra là không có căn cứ thực tiễn, không phù hợp với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Vị đứng đầu cơ quan “đàm phán” đại diện cho phía người sử dụng lao động cũng không ngần ngại bộc bạch: “Nếu lương tối thiểu tăng lên không hợp lý sẽ thu hẹp sản xuất, giảm năng lực sản xuất và không tạo được thêm việc làm mới. Thậm chí, đẩy người lao động hiện đang có việc làm ra đường. Điều đó sẽ là vấn đề rất lớn. Bên nào cũng trình bày những lý lẽ khá thuyết phục, chỉ người lao động là lặng lẽ dõi theo từng diễn biến trong một tâm trạng có thể nói là “mong đợi ngậm ngùi”. 
 
Trước những diễn biến có phần khó khăn, với vai trò như một “người cầm còi”, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho báo chí biết: “Phương án đề xuất của hai bên đại diện trong hội đồng vẫn còn khoảng cách chênh lệch rất lớn. Với vai trò là chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, tôi sẽ nỗ lực điều hành  để hai bên có thể đàm phán rút ngắn khoảng cách. Nếu hai bên không thương lượng để đi đến một tỷ lệ chung cùng chấp nhận được, hội đồng sẽ lựa chọn một phương án để bỏ phiếu. Nếu kết quả bỏ phiếu không đạt, theo qui định, Chủ tịch Hội đồng sẽ có quyền quyết định phương án tăng lương để đề xuất Chính phủ phê duyệt”.
 
Lá phiếu đã được bỏ, con số 12,4% cũng đã được “chốt”, nhưng dư âm của nó vẫn còn là vấn đề không chỉ đơn thuần của những con số. Vậy thì tăng bao nhiêu là “đẹp”? Trước hết phải thừa nhận một thực tế rằng, lương tối thiểu không đảm bảo cuộc sống tối thiểu là câu chuyện đã có “thâm niên” với công nhân lao động và với cả xã hội lâu rồi. Người lao động đã hình thành hay nói cách khác là chấp nhận một cuộc sống khó khăn bằng sự dè sẻn trong chi tiêu. Việc tăng lương không chỉ đơn thuần là sự trả giá thỏa đáng với công sức mà người lao động bỏ ra, mà hơn thế là đảm bảo an sinh xã hội, góp phần tạo cầu tiêu dùng, một trong những biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế hiệu quả. Biết là biết vậy, nhưng không thể không nhìn nhận vấn đề cực kỳ hệ trọng này trong một bối cảnh thực trạng kinh tế không hoàn toàn sáng sủa để đưa ra quyết định thông minh nhất, hoặc cũng phải ít phiêu lưu nhất. Doanh nghiệp trả lương xứng đáng cho người lao động, nhưng ngược lại người lao động cũng cần phải có ý thức “nuôi” doanh nghiệp. Nếu quả thực việc tăng lương vượt lên trên sức chịu đựng của doanh nghiệp thì hậu quả còn lớn hơn nhiều. Doanh nghiệp “chết” thì làm sao người lao động “mạnh khỏe” được!  
 
Kinh tế chưa qua giai đoạn khó khăn, những diễn biến khó lường của tình hình thế giới không cho phép chúng ta lạc quan đến mức “cầu được ước thấy” mọi thứ cùng lúc được. Tăng lương là một cách bảo vệ người lao động, đúng rồi! Nhưng “giữ” doanh nghiệp cũng lại là một cách bảo vệ người lao động đấy thôi. Tăng lương thật khó, nhưng không thể vì thế mà lại kẻ một đường ngang đồ thị, vấn đề cần nhất lúc này là một sự hài hòa mà may mắn cuộc họp cuối cùng của ngày 3 tháng 9 vừa qua đã làm được. Không ai đối trọng với ai cả, mà tất cả chúng ta cùng đối trọng với khó khăn. Lúc cam go lại là lúc mà sự thông cảm, tinh thần chia sẻ cần phải được phát huy. Thôi thì người sử dụng lao động cùng người lao động nắm tay nhau vượt qua khó khăn cái đã. Về lâu về dài, khi doanh nghiệp trở lại với quỹ đạo tăng trưởng ổn định, việc tăng lương phải được xem như là một trong những động lực thúc đẩy năng suất lao động. Lúc ấy chắc sẽ không khó khăn đến mức phải “đo bò làm chuồng” thế này nữa!
 
Nguyễn Khắc An