(Baonghean) - Ngày cuối tuần mát trời, nhiều người đi dạo phố vui chơi, thưởng thức những thú vui của riêng mình hay cả gia đình. Nhưng chắc không mấy ai biết có những chuyện, nếu đem ra so sánh với những hành động rất đỗi bình thường đó lại là cả “một trời cách biệt”.

Đó là, khi một người ở phố khoan khoái thưởng thức mùi vị thơm ngon của bát phở hạng trung bình trong buổi sáng mùa thu mát mẻ là đã tiêu tốn một tạ muối của diêm dân. Vì mấy ngày này, giá muối xuống quá thấp, người làm muối ở các xã ven biển thuộc các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước (Bình Định) rơi nước mắt bán cho thương lái 100 cân muối mới được 50 nghìn đồng...
 
Lại nói chuyện người phố, ăn bát phở sáng xong, làm thêm một ly cà phê đen bình dân ngồi xổm trên vỉa hè, dù giá rất rẻ nhưng cũng tương đương với 100 cân chanh của nông dân thu được sau gần nửa năm trời chăm bẵm. Bởi giá chanh mua tận vườn ở Đồng Tháp hiện là 6 - 8 nghìn đồng một sọt nặng 40 kg... Rồi, người phố ai kiêng khem để giữ dáng, ăn một chiếc bánh mì không loại bán rong vỉa hè thì cũng tương đương với 3 - 4 cân khoai lang của nông dân Vĩnh Long...
 
Nói là “không mấy ai biết” sự cách biệt đầy xa xót đó vì ở phố, người ta vẫn phải bỏ ra số tiền gấp cả 10 lần giá gốc để có được những thứ nêu trên. Như 1 kg muối là 6 nghìn đồng, 1 kg chanh là 2 - 3 chục nghìn đồng chứ đâu có rẻ. Thậm chí, có nơi nông dân đổ dưa hấu cho bò ăn thì ở phố, người ta vẫn phải mua cả chục nghìn đồng 1 cân... Thế mới biết là đầu, cuối của vòng đời nông sản đều “tang thương” như nhau, chỉ có thương lái ở giữa là “ăn dày, hưởng hết”. Nghịch lý này “xưa như trái đất”, diễn ra đã bao năm nay chưa thể nào khắc phục nổi. Còn vì sao lại thế thì không rõ lắm. Có thể là không giải quyết được mà cũng có thể là không quan tâm giải quyết. Thế nên, theo công bố mới nhất, thu nhập bình quân cả nước hiện là 1 nghìn 600 đô la Mỹ một người trong một năm, thì ở khu vực nông thôn, mỗi nông dân chỉ đạt 200 USD thôi. Thua tới 8 lần. Nghe thật đắng lòng.
 
Từ đây mới thấy rõ ra một điều là hình như mối liên kết “bốn nhà” là Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông từng được kỳ vọng sẽ giúp nông nghiệp bứt phá, nông thôn đổi mới, nông dân đổi đời chưa phát huy tác dụng như mong muốn. Thế nên, việc gần đây một số siêu thị lớn, có tên tuổi, uy tín cao trên thương trường như Big C, Saigon Co.op, Co.opMart, Lottemart... đã tìm đến người nông dân để ký kết, thỏa thuận hợp tác đưa nông sản vào hệ thống siêu thị của họ nhằm tránh mua phải hàng trôi nổi không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm từ bên ngoài vào, đã thổi một luồng sinh khí mới cho việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
 
Đơn cử như trong 6 tháng đầu năm 2015, Saigon Co.op thông qua đối tác NTUC Fair Price Singapore đã xuất khẩu các mặt hàng nông sản gồm dừa tươi, khoai lang, thanh long... và các loại nông sản khác sang đảo quốc sư tử với tổng giá trị xuất khẩu tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2014, bước đầu tạo đà hội nhập thuận lợi giúp hàng nông sản Việt vươn ra khu vực. Tỷ lệ hàng nông sản Việt trong các siêu thị lớn chiếm tới 70%, giúp tiêu thụ cả nghìn tấn nông sản mỗi ngày.
 
Từ đây mới thấy, sau liên kết “bốn nhà” thì cần có thêm một sự hợp tác khác thiết thực và hiệu quả hơn. Đó chính là cái bắt tay giữa nông dân và siêu thị, giữa điểm đầu và điểm cuối của chu trình nuôi, trồng và tiêu thụ sản phẩm, không qua khâu trung gian. Đem lại lợi ích cho cả người nuôi, trồng, người bán lẫn người tiêu dùng, cần có thêm nhiều những cái bắt tay đem lại hiệu quả thiết thực như thế.
 
Duy Hương