(Baonghean) - Mối ràng buộc tình cảm và trách nhiệm giữa các thế hệ già và trẻ là một trong những điểm khác biệt giữa văn hoá phương Đông và văn hoá phương Tây. Nếu như người phương Tây đặt lợi ích cái tôi cá nhân ở trung tâm của xã hội, gắn kết với cộng đồng đơn thuần bằng nghĩa vụ, trách nhiệm thì người phương Đông chúng ta đặc biệt coi trọng chữ hiếu, chữ tình và chữ ơn, lấy đó làm chuẩn mực của xã hội. Ngày nay, với sự xâm nhập ồ ạt của các nền văn hoá ngoại lai, khoảng cách giữa thế hệ trẻ và những lớp người đi trước đang ngày một xa vời, khiến những giá trị đạo đức như lòng biết ơn và sự tri ân đối với bậc cha anh dần bị mai một.

Tôi còn nhớ những năm đầu thập kỷ chín mươi, như bao người trẻ của thời đại ấy, tôi kết hôn ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Cưới nhau về, hai vợ chồng hầu như chẳng có của nả gì, nghề nghiệp ổn định không mà nhà cửa lại càng không. Vợ chồng tôi dọn về ở chung với ông bà nội, thay nhau quán xuyến cửa hàng cho thuê băng đĩa của ông bà. Đến bây giờ, khi gia đình nhỏ của chúng tôi đã sung túc, đủ đầy, tôi vẫn thường kể cho các con của mình về quãng đời vất vả, lam lũ xưa, phần để chúng biết quý giá trị của sức lao động và đồng tiền, phần để truyền cho chúng lòng biết ơn và hiếu thuận với ông bà, người đã sinh thành, nuôi nấng và vun vén cho những bước đi đầu đời của cha mẹ chúng.

Thời đại của chúng tôi là thế, cũng là phản ánh chân thực nhất nếp sống, lối quan niệm truyền thống của người Á Đông. Ở phương Tây, quan hệ giữa bố mẹ và con cái là một mối quan hệ hoàn toàn dân chủ và có kỳ hạn, bố mẹ có trách nhiệm với con cái đến tuổi trưởng thành, sau 18 tuổi, bố mẹ không còn nghĩa vụ nuôi và dạy, cũng không còn quyền hạn quyết định, chi phối cuộc đời của các con nữa. Kể từ đây, bố mẹ và con cái là những công dân bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, liên hệ giữa họ có chăng là mối quan hệ máu mủ và ít nhiều tình cảm ruột thịt mà thôi. Vì đã là nghĩa vụ nên bậc làm con đối với công sinh thành, nuôi dưỡng của bố mẹ làm gì có khái niệm đền ơn đáp nghĩa?

Một điều tôi thấy khó hiểu ở các nước phương Tây là vấn đề phúc lợi xã hội cho người hưu trí. Bài toán đặt ra là: Với sự phát triển vượt bậc của y học, tuổi thọ con người đang được kéo dài, trở thành gánh nặng cho hệ thống phúc lợi được chi trả bởi Nhà nước và tiền thuế của dân số trong độ tuổi lao động. Giới trẻ ở các nước phương Tây tỏ ra bất mãn vì phải đóng thuế cao hơn để đảm bảo một chế độ an sinh ổn định cho dân số ngày một già đi. Ngạc nhiên, tôi hỏi một người bạn nước ngoài: “Tại sao việc phụng dưỡng người già lại thuộc hoàn toàn trách nhiệm của phúc lợi xã hội, trong khi con cái họ vẫn có việc làm, kiếm ra tiền và chu cấp được cho gia đình của mình? Nếu con cái đảm nhận (và chúng hoàn toàn có trách nhiệm phải làm thế, theo quan điểm rất Á Đông của tôi) việc nuôi dưỡng cha mẹ, thì vấn đề của phương Tây các anh chẳng hoá ra vô căn cứ hay sao?”. Người bạn nước ngoài của tôi trả lời, ngạc nhiên không kém: “Ngay đến chu cấp cho gia đình mình chúng tôi còn thiếu thốn thì làm sao có thể lo cho những người già, nếu không có sự can thiệp của nhà nước?”. Đáng ngạc nhiên và châm biếm là ở những nước mà thu nhập bình quân đầu người cũng như mức sống tốt hơn chúng ta rất nhiều, người ta lại sống chật vật đến nỗi phải quay lưng với những bậc sinh thành ra mình!? Tôi rất muốn hỏi lại người bạn kia rằng: Tại sao ở nước tôi cuộc sống của đại đa số người dân còn khó khăn, nhưng chữ ơn, chữ hiếu vẫn là những giá trị hàng đầu trong đạo lý làm người, tại sao chúng tôi làm được, còn các anh thì không? Một quan điểm, lối sống, lối nghĩ khác biệt giữa hai nền văn hoá thôi, nhưng cũng khiến tôi tự hào về đạo lý coi trọng tình nghĩa của người Việt mình. Có điều đó là tôi của mười, hai mươi năm về trước. Bây giờ, nếu gặp lại người bạn xưa, chắc tôi cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài im lặng cười trừ trước sự Tây hoá trong quan điểm của giới trẻ ngày nay về lối sống tri ân và đáp nghĩa đối với những thế hệ đi trước.

Thanh niên ngày nay năng động và tiếp cận sớm với xã hội bên ngoài. Việc làm ra tiền, tự chủ trong chi tiêu và không phụ thuộc vào trợ cấp của bố mẹ không còn là điều gì quá xa lạ. So với chúng tôi ngày xưa, giới trẻ bây giờ quả thật làm ra tiền và biết tiêu tiền sớm hơn nhiều lắm. Nhưng có phải vì thế mà họ coi nhẹ công dưỡng dục của bố mẹ không, khi nghĩ rằng đồng tiền họ làm ra có phần dễ dàng và thừa mứa? Nhiều bạn trẻ dương dương tự đắc ta đây hoàn toàn có khả năng tự thân vận động, mua cho mình những bộ đồ hàng hiệu, một chiếc xe đời mới, một chiếc điện thoại, máy tính đắt tiền mà không cần ngửa tay xin tiền bố mẹ. Nhưng xin hỏi, khoan nói đến những thứ phù phiếm và xa vời ấy, cơm họ ăn, nước họ uống hàng ngày là từ đâu mà có? Mái nhà, căn phòng và những tiện nghi họ đang hưởng thụ là ở đâu ra? Những kiến thức, bằng cấp họ sử dụng để kiếm ra tiền, là ai đã tạo điều kiện cho họ được thụ hưởng nền giáo dục? Và cuối cùng, xin hãy soi gương mà tự hỏi, họ xinh đẹp, khoẻ mạnh như ngày hôm nay là nhờ công sinh thành, nuôi nấng, chăm bẵm của ai từ những ngày họ cất tiếng khóc bên nôi, bước những bước đi đầu tiên cho đến khi lớn mạnh, trưởng thành? Ở một tầm nhìn xa hơn nữa, thay vì chê bai sự lạc hậu, lỗi thời của bậc cha ông mình, xin hãy nhớ cho rằng trong lạc hậu và thiếu thốn ấy, cha ông họ đã chiến đấu bằng mồ hôi, máu và nước mắt để họ được sống trên đất nước hoà bình, tươi đẹp, hiện đại như ngày hôm nay.

Bấy nhiêu điều tưởng chừng nhỏ bé và đơn giản nhưng là bao nhiêu điều mà thiếu đi bậc cha chú, không biết giới trẻ có thể tự thân vận động được hay không? Tôi nói không phải để phê bình sự năng động, xông xáo của thanh niên ngày nay trên con đường đi tìm chính mình, mà để cảnh tỉnh họ rằng, chúng ta không thể tồn tại mà không có sự chở che, bao bọc ít nhiều từ những người đi trước. Vì thế nên tạo hoá mới sinh ra thời gian để ta biết có trước có sau, lại sinh ra đất trời để ta biết có trên có dưới, quên đi trật tự tự nhiên ấy là chối bỏ quá khứ, chối bỏ lịch sử và nền móng để xây dựng ngày hôm nay và ngày mai tươi đẹp hơn.

Einstein đã chỉ ra sai lầm của học thuyết của Newton để sáng tạo ra học thuyết mới của chính mình, làm tiền đề cho sự phát triển lâu dài của vật lý. Nhưng nếu không có Newton, chắc gì Einstein đã thấy được cái sai ấy mà tránh, mà nghĩ khác đi, nghĩ xa hơn, rộng hơn? Cũng như thanh niên ngày hôm nay giỏi giang, năng nổ trên đường chạy nước rút của thế giới hiện đại, nhưng nếu không có chúng tôi bước những bước gian khổ đầu tiên, các em thử nghĩ xem giờ này liệu các em đã rời khỏi vạch xuất phát hay chưa?


Hải Triều (Mail từ Paris)