(Baonghean) - Thời gian vừa qua, có nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra ở các trạm xá, bệnh viện địa phương, thậm chí ở các bệnh viện tuyến trên gây bức xúc cho người dân, làm dấy lên trong dư luận câu hỏi về chất lượng, trình độ của các y, bác sỹ trong các cơ quan y tế. Để làm sáng tỏ vấn đề này, một trong những nội dung cần lưu tâm là cần phân tích thực trạng nguồn nhân lực của ngành Y tế hiện nay, thậm chí lần theo đến tận nguồn cơn của vấn đề, xem xét lại hệ thống đào tạo của ngành Y tế.

Thực tế, nếu thống kê cụ thể các nhân viên y tế trong một bệnh viện, sẽ thấy số lượng bác sỹ, y tá đang còn quá ít so với nhu cầu của cộng đồng. Nguyên nhân là quy mô đào tạo của các trường ngành Y chậm được mở rộng và quy trình tuyển chọn hết sức khắt khe. Vẫn biết, đặc thù mỗi ngành nghề mỗi khác, có nghề nghiệp chủ yếu đòi hỏi va chạm, tiếp xúc với thực tế và kinh nghiệm thực hành, lại có những ngành nghề mà lý thuyết và kiến thức chuyên môn đóng một vai trò quan trọng, đơn cử như ngành Y. Với những nghề nghiệp như vậy, đòi hỏi người lao động phải qua đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu của công việc, nên việc tuyển sinh càng cần phải chặt chẽ, đúng quy trình.

Tuy nhiên, bất cập ở chỗ, khâu đào tạo và tuyển sinh của ngành Y tế chưa đặt ra những quy chuẩn xác đáng cho đầu vào và đầu ra của sinh viên và người lao động, dẫn đến tình trạng đầu vào khắt khe, sàng lọc quá mức cần thiết, còn đầu ra thì thiếu hụt, thu nạp chắp vá. Bước chân vào cánh cổng trường Y vẫn luôn là đích đến của nhiều sỹ tử, là bảo đảm chắc chắn cho trình độ học vấn và địa vị xã hội trong tương lai. Thế nhưng đạt được điều đó nào phải dễ. Nhiều học sinh khá, giỏi thừa đủ điểm đậu vào nhiều trường đại học danh giá mà vẫn phải nhìn cánh cổng trường Y khép lại trước mắt một cách tiếc nuối. Cao trào là những năm điểm sàn trường Y cao đến nỗi nhiều thí sinh đạt 26, 27 điểm vẫn phải ngậm ngùi học nguyện vọng hai, nguyện vọng ba hoặc chờ đến mùa thi sau. Trái ngược hoàn toàn với sự tranh đua quyết liệt ở trên, việc nâng cấp từ các lao động có bằng trung cấp, cao đẳng lên đại học để trở thành bác sỹ trong các bệnh viện lại đang quá dễ dãi, vậy nên trong đội ngũ y, bác sỹ luôn thừa những nhân viên y tế hạng hai, hạng ba. Thế nào là hạng hai, hạng ba? Xin thưa, những người này về năng lực, trí tuệ thực chất thì có nằm mơ cũng chẳng bao giờ dám nghĩ tới, cánh cổng một trường đại học hàng trung bình chứ đừng nói đến trường đại học y khoa. Vậy mà họ vẫn mang danh xưng bác sỹ với lớp vỏ bọc là các loại bằng chuyên tu, tại chức.

“Cứu một mạng người hơn xây bảy toà tháp”, làm mất một mạng người lại càng nghiêm trọng hơn, hệ thống y tế của ta đang cần nguồn nhân lực lớn nhưng có ích gì khi thu nạp, công nhận danh xưng bác sỹ một cách tràn lan, bừa bãi, không màng đến hậu quả khôn lường đối với sức khoẻ cộng đồng? Thực ra, bất cập trong khâu tuyển dụng là hệ quả của quy trình sàng lọc, đào tạo bất cân đối, chưa định lượng đúng mức nhu cầu về các dịch vụ sức khoẻ của cộng đồng. Do cung không đủ cầu nên mới phát sinh  nhiều kẽ hở để người lao động và nhà tuyển dụng luồn lách “ép duyên” chiếc áo bờ-lu trắng. Nhìn một cách khái quát, hệ thống giáo dục của ngành Y có thể xem như một chiếc phễu úp ngược, đầu vào quá nhỏ còn đầu ra thì lại quá lớn, khiến trình độ chuyên môn của đầu ra bị loãng và lẫn nhiều tạp chất. Như vậy, hệ thống giáo dục, đào tạo của chúng ta đang bài trừ, loại bỏ không thương tiếc những học sinh, sinh viên có khả năng, đam mê với nghề, để rồi sau đó lại chắp vá, bổ sung lỗ hổng nhân lực bằng những nguồn lao động kém chất lượng, thiếu trình độ chuyên môn hay thậm chí là qua đào tạo lệch pha. Kết quả, đội ngũ nhân viên y tế của chúng ta nhìn chung không những chất lượng kém mà số lượng thì vẫn không đủ để phục vụ cho nhu cầu sức khoẻ của cộng đồng. Để giải quyết bất cập về nguồn nhân lực của ngành Y, phải chăng đã đến lúc đánh giá lại hiệu suất của hệ thống đào tạo y tế, tính đến một giải pháp, quy trình mới nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày một tăng về số và chất của cộng đồng?

Ở Pháp, đất nước nổi tiếng về đào tạo y, bác sỹ, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, các sinh viên phải theo học 1 năm dự bị trước khi tham gia kỳ thi chọn chính thức vào các chuyên ngành y, dược, sản, nha khoa... Tỷ lệ đậu trung bình hàng năm của các chuyên ngành này lần lượt là 12-24%, 40%, 10% và 5%. Riêng năm 2010, có 49.050 thí sinh dự thi với chỉ tiêu đầu vào là 7400 sinh viên. Trong số các thí sinh không được chọn, có 62% học lại năm dự bị và thi lại vào năm tiếp theo, 18,6% chuyển ngành đào tạo và 19,4% chuyển sang các hệ cao đẳng, kỹ thuật nghề. Tổng kết lại, có khoảng 25% trên tổng số thí sinh được chọn vào học chính thức, con số này bao gồm các thí sinh thi một, hai và ba lần (Số liệu cung cấp bởi Tạp chí Sinh viên, Pháp). Như vậy, các tiêu chí lựa chọn của ngành Y ở nước Pháp cực kì khắt khe, nhưng số chỉ tiêu đầu vào của họ tăng vượt bậc hàng năm (57,4% vào năm 2010 so với năm 2009), nhằm đáp ứng nhu cầu ngày một cao về dịch vụ y tế của cộng đồng. Ngoài ra, bên cạnh các hệ đào tạo chuyên môn trình độ cao, đa khoa và tổng quát, họ cũng tổ chức nhiều hệ, khoa đào tạo chuyên biệt một chức năng, vị trí cụ thể trong dây chuyền nhân lực, cho phép chuyên biệt hoá và phân cấp các nhân viên y tế, giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lao động.

Ví dụ về hệ thống đào tạo ngành Y ở Pháp cho thấy, đã đến lúc chúng ta cần mở rộng, cải cách quy cách tổ chức của hệ thống đào tạo ngành Y của mình, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tạo việc làm cho người lao động nhưng vẫn đảm bảo tuyển dụng đúng người, đúng việc, đào tạo đúng người, đúng nghề. Sẽ là một cuộc cải cách lớn trong hệ thống giáo dục của ngành Y nói riêng và hệ thống giáo dục đào tạo nói chung, ta cần suy nghĩ, tính toán kỹ lưỡng quy mô cơi nới, tiên lượng những hệ quả liên quan đến giáo trình, nguồn nhân lực giảng dạy và cơ sở vật chất, trang thiết bị. Công cuộc cải cách này không phải ngày một ngày hai, nhưng là cấp thiết và không thể tránh khỏi trong tương lai, với đà phát triển của đất nước và mức sống ngày càng cao của xã hội.


Hải Triều (Mail từ Paris)