(Baonghean) Con cái là chủ đề muôn thưở của các ông bố bà mẹ. Khi thấy một nhóm các bố mẹ ngồi với nhau, khả năng 50% họ đang tán dương, ca ngợi con mình giỏi giang, ngoan ngoãn và 50% còn lại là đang chê bai con người khác. Nói tóm lại, với bậc làm cha mẹ, con mình bao giờ cũng phải là số một. Vậy thì những cái nhất, cái giỏi, cái ngoan trong suy nghĩ của các bố mẹ là gì?


Tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu tất nhiên là con mình phải học giỏi. Nhưng nào phải đứa trẻ nào cũng được trời phú cho khả năng ấy? Cực chẳng đã, nhiều bậc làm cha mẹ phải chạy vạy, xin xỏ khắp mọi nơi để con em mình được học trường chuyên, lớp chọn mà không cần biết nguyện vọng và khả năng của chúng là gì, liệu môi trường kiểu mẫu mà họ tìm cách nhồi chúng vào bằng được ấy có phù hợp hay không? Cuộc chạy đua cứ kéo dài mãi cho đến bậc đại học và thậm chí là sau đại học, mà con em chúng ta là những con ngựa đua giỏi giang có, yếu kém có, nhưng điều đó có hề gì khi bậc làm cha mẹ là những tay lơ ngựa đầy tiểu xảo và tham vọng, sẵn sàng làm mọi trò cờ gian bạc bịp che mắt người xem. Đến cuối đường đua, con em chúng ta sẽ khoác lên mình những lớp sơn hào nhoáng như đi du học, học trường này trường nọ (tất nhiên là theo lối cửa sau), tất cả những điều đó đều phải trả giá: tiền bạc, nhân phẩm và quan trọng hơn cả là sự tôn trọng dành cho cha mẹ và nhận thức đúng đắn về bản thân của bọn trẻ. Từng ấy cái mất để đổi lấy những mỹ danh vô giá trị, sự sĩ diện hão huyền của bậc làm cha mẹ, canh bạc này liệu ta mất nhiều hơn hay được nhiều hơn?


Đã là cha mẹ, hiển nhiên ai cũng mong muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con em mình. Thế nhưng một lúc nào đó, xin hãy dừng lại và nghĩ xem những điều ta làm là vì ai, vì tương lai, hạnh phúc của con cái hay vì sự sĩ diện, muốn "nở mày nở mặt" với thiên hạ của bản thân? Có lúc nào ta tự vấn bản thân, xem những mong mỏi, yêu cầu của ta với bọn trẻ có đang biến cuộc sống của chúng trở thành gánh nặng, ngăn cấm chúng sống và phát triển một cách tự nhiên, biết hài lòng với những gì chúng có? Thậm chí, chính chúng ta, có khi nào thấy mệt mỏi vì áp lực phải sống như thế này mới là hạnh phúc, làm như thế kia mới là giỏi giang để thiên hạ nhìn vào khen ngợi đãi bôi? Mà những lời thị phi đàm tiếu ấy cũng chỉ là lời nói gió bay, tam sao thất bản, nào phải bia đá ngàn năm hiển hách vẻ vang gì?


Thực ra, con người ai cũng ít nhiều xem trọng chữ danh, mà danh chỉ có giá trị khi được số đông thừa nhận. Vậy nên mới sinh ra sự đời trái khoáy, kẻ không có nhưng vẫn luồn lách để được mang tiếng rằng có, hoặc giả như kẻ có ít thì tìm cách khuếch trương, phóng đại lên rằng nhiều. Nhưng những giá trị chuẩn mực của xã hội chẳng phải cũng là đúc kết từ các cá nhân mà ra đó sao? Có những giá trị "phổ biến", được xã hội biết đến nhiều hơn nhưng không có nghĩa là những giá trị khác là dư thừa, kém cỏi. Nếu như chính bản thân còn chối bỏ, lấp liếm bản ngã, khả năng, sở thích của mình thì liệu có ai sẽ thừa nhận, tôn vinh và trân trọng ta?

Thế nên trước khi học cách thích ứng với những tiêu chuẩn của xã hội, hãy học cách yêu quý. những giá trị của bản thân và sống đúng với con người mình, chứ đừng trở thành một con rối diễn trò mua vui cho người đời trong thoáng chốc. Một việc hết sức tự nhiên và đơn giản thế thôi mà sao chúng ta không chịu nhìn ra, cứ mãi chạy theo những hư danh vụt đến vụt đi, để rồi khi bừng tỉnh cơn mê mới thấy tiếc nhớ những tháng năm thanh xuân uổng phí. Thế hệ ta đã vậy, thì xin đừng ép uổng con em mình đi vào vết xe đổ năm xưa, đào tạo chúng thành những diễn viên của tấn trò đời phù phiếm... vì cuộc đời này có trả cát-sê bao giờ?


Hải triều (Email từ Paris)