(Baonghean) - Trong khi các ban, ngành, lực lượng của tất cả các tỉnh, trong đó đặc biệt là các tỉnh được dự báo nằm trong quỹ đạo đổ bộ và bị ảnh hưởng của cơn bão số 8 (bão Sơn Tinh), đang trực tiếp cùng với nhân dân triển khai các biện pháp phòng, chống bão lụt, thì ngay trong khi cơn bão số 8 đổ bộ vào Hải Phòng, lãnh đạo thành phố này đã không thể liên lạc được với ông Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố này. Mặc dù, trước đó Ban Chỉ huy phòng, chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn TP. Hải Phòng đã có lệnh cho lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện của thành phố phải trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống bão, lụt ở địa phương mình. Trong cơn bão số 8, Hải Phòng là địa phương chịu hậu quả nặng nề nhất, và theo Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão Hải Phòng, lý do chính là do tâm lý chủ quan của cả chính quyền địa phương và người dân.

Bây giờ, cơn bão đã đi qua, vào trung tuần tháng này, ông Giám đốc Sở đã bị Hội đồng kỷ luật Sở thống nhất đề xuất TP. Hải Phòng kỷ luật với hình thức khiển trách về mặt chính quyền. Tuy nhiên, trong dư luận nhân dân thành phố này và cả nước, câu chuyện chắc không thể chỉ dừng lại ở một hình thức kỷ luật "nhẹ nhàng tình cảm" như thế.

Lâu nay, có không ít câu chuyện buồn về mối liên hệ, "liên lạc" giữa người dân với công chức, người dân với quan chức. Bây giờ là chuyện "mất liên lạc" giữa "quan" cấp trên với "quan" cấp dưới trong việc điều hành thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ đối với ngành, với địa phương, với nhân dân ngay trong hoàn cảnh rất đặc biệt - bão đổ bộ lên địa bàn. Câu chuyện trên gợi nhiều suy nghĩ đến hai vấn đề đang được cả xã hội quan tâm trong công tác cải cách hành chính hiện nay: thứ nhất về phẩm chất, đạo đức, tư cách của cán bộ (vấn đề chất lượng cán bộ), thứ hai, là đảm bảo sự thông suốt về lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương tới cơ sở. Giám đốc Sở không bám nhiệm vụ, không trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống bão lụt của ngành, đó là sự thiếu trách nhiệm thực thi chức năng, nhiệm vụ tương ứng với quyền lực và mệnh lệnh được giao, xa hơn đó là sự vô trách nhiệm, vô cảm đối với nhân dân khi thiên tai xuất hiện và đã được dự báo trước. Lãnh đạo tỉnh không liên lạc được với Giám đốc Sở để chỉ đạo, kiểm tra, nắm tình hình là hiện tượng thiếu thông suốt, bị tắc nghẽn trong hoạt động điều hành của cơ quan hành chính. Do đó, câu chuyện ông Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hải Phòng "mất liên lạc" trong bão số 8, chắc không nằm ngoài những vấn đề suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, trách nhiệm, phẩm chất cán bộ mà Nghị quyết T.Ư 4 về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đề cập đến.

Dù không có ý định tổng hợp những hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức… vi phạm đạo đức, tư cách trong thời gian gần đây, vì như thế dễ tạo ra cái nhìn đen tối về đội ngũ, vì thực ra vẫn là câu chuyện "con sâu làm rầu nồi canh". Nhưng thời gian gần đây, như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã từng nói, "sâu" xuất hiện nhiều quá, không nói cũng không đành. Chỉ nói riêng đội ngũ lãnh đạo sở của các tỉnh vi phạm về pháp luật, về đạo đức công vụ, người ta đã thấy rất nhiều chuyện như: Phó Giám đốc Sở GT&VT Hà Tĩnh bị phát hiện tham gia đánh bạc; Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắc Nông man khai trình độ học vấn; Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Bình Phước "qua mặt" UBND tỉnh bán rừng... Những ngày gần đây, một trong những vấn đề nóng mà các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương quan tâm lại là chuyện một thượng sỹ công an ở Tiên Lãng (Hải Phòng) có hành vi dâm ô, chuyện lãnh đạo phường Hàm Rồng (TP. Thanh Hóa) đánh bài tại trụ sở phường, xảy ra xích mích và đánh nhau, có kẻ phải đi viện...

Nhìn thực trạng báo chí phản ánh nhiều vụ việc cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, tư cách mà buồn. Nhưng cũng có thể suy nghĩ theo chiều hướng khác, rõ ràng là có buồn, nhưng cũng phải nhận thấy có những khía cạnh vui được. Vui, vì bản thân các vị lãnh đạo cấp cao nhất của đất nước, đến lãnh đạo các địa phương, và đông đảo các cơ quan báo chí, cùng với nhân dân, đã đồng tình phản ứng mạnh mẽ, đã không ngần ngại đưa ra công luận những vị cán bộ, công chức, viên chức vi phạm để phê phán, để luận tội, để ngăn ngừa kịp thời đối với các biểu hiện xem thường kỷ cương phép nước, coi thường pháp luật, thiếu trách nhiệm với chức vụ được giao và vô trách nhiệm, vô cảm với nhân dân. Và vui hơn, là phần lớn những đối tượng vi phạm nếu được đưa lên báo chí một cách chính xác đều lần lượt bị xem xét, kiểm tra, xử lý, cho dù có lúc, có nơi mới chỉ xử lý đúng người nhưng chưa đúng tội, chưa đủ tội.

Từ câu chuyện "mất liên lạc" nói trên, trở lại với Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ để thấy rằng trong 5 mục tiêu của Chương trình đề ra có 2 mục tiêu rất quan trọng mà các cấp, các ngành cần hết sức quan tâm và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện để góp phần thực hiện thành công Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ: "Mục tiêu số 3: Xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương tới cơ sở thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tăng tính dân chủ và pháp quyền trong hoạt động điều hành của Chính phủ và của các cơ quan hành chính nhà nước"; Mục tiêu số 5: "Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước".

Hy vọng, các cơ quan báo chí bên cạnh việc chú trọng phát hiện, biểu dương người tốt, việc tốt trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cần tiếp tục nâng cao sức chiến đấu, tinh thần đấu tranh, phê phán đối với các hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm và vô cảm với nhân dân, góp phần làm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng vững mạnh, việc điều hành trong các cơ quan hành chính ngày càng thông suốt. Và quan trọng là để cán bộ không "mất liên lạc" với nhân dân, các cấp, các ngành không "mất liên lạc" với nhau!


Ngô Kiên (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)