Qua kết quả thi tốt nghiệp THPT, một lần nữa các phương tiện thông tin đại chúng, các tác giả lại tốn không biết bao nhiêu giấy mực bàn về vấn đề giáo dục. Các bài viết hoặc đi sâu vào tìm hiểu nguyên nhân từ một môn học; hệ thống chương trình, công tác quản lý, góc cạnh đạo đức... với mong muốn tìm ra một giải pháp cứu nguy cho nền giáo dục nước nhà. Trong bài viết này với tư cách là phụ huynh, giảng viên tôi xin đề cập đến một khía cạnh ít người bàn đến: Học đường ngày hôm nay đã tạo nên được niềm khát vọng, nỗi đam mê của học sinh đối với các môn học trong chương trình chưa?

Với những gì mắt thấy, tai nghe, điều tôi thấy rõ nhất việc học của các em hiện nay là cả gánh nặng, áp lực đến từ mọi phía. Trước hết, đó là căn bệnh thành tích của nhà trường, phụ huynh và một phần là của học sinh. Kế theo đó là gánh nặng của chương trình. Nhìn vào lượng kiến thức con mình đang mang tải, chính tôi cũng xót xa ái ngại. Nhưng nặng nề nhất vẫn là áp lực từ kết quả các kỳ thi bởi tất cả đều được đánh giá qua nó. Thi học sinh giỏi, thi tốt nghiệp, thi đại học... Và để đạt được những kết quả theo mong muốn của nhà trường, của gia đình và của chính các em học sinh thì không có con đường nào khác là phải lựa chọn môn học ưu tiên, môn học kém ưu tiên hơn. Đó sẽ là một quy luật tất yếu của quá khứ, hiện tại và cả trong tương lai.

Vậy, chúng ta phải làm thế nào để học sinh sẽ học tốt nhất những môn ưu tiên trên cơ sở nắm những kiến thức cơ bản nhất của các môn học không ưu tiên. Có lẽ, con đường duy nhất là giáo viên phải truyền thụ cho được khát vọng, niềm đam mê vào chính môn học mình đang giảng dạy cho các em học sinh.

Qua kinh nghiệm bản thân, vào thời kỳ 1977 - 1980, chúng tôi là những học sinh chuyên Toán của Trường Phan Bội Châu (lúc bấy giờ là Nghệ - Tĩnh). Xác định rõ trách nhiệm cần phải đạt kết quả cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia nên đã dành trọn thời gian ngoài giờ lên lớp giải bài tập các môn Toán, Lý, Hoá.

Thế nhưng chúng tôi luôn chờ đợi, mong mỏi giờ học các môn Văn, Sử, Địa... bởi giáo viên các môn học đó bằng sự đam mê, vốn kiến thức của mình đã cho chúng tôi những giờ vừa học vừa "giải lao" vô cùng bổ ích. Có thể nói, gần như tất cả những kiến thức cơ bản nhất đều có thể nắm vững ngay trong giờ học, trở thành vấn đề luôn được bàn luận trong lúc giải lao sau khi giải xong các bài tập khó.

Cũng không thể ngờ, 27 năm đã trôi qua, nhiều bài tập Toán, Lý, Hoá chúng tôi gần như chưa chịu quên, và còn đọng lại không ít bài giảng của thầy, cô dạy Sử, dạy Văn... Có một số trong chúng tôi làm thơ (có thể được đăng hay không đăng báo), viết báo, tạp chí và thậm chí là Tổng biên tập tạp chí của ngành...

Tất cả những kết quả đó, chính là nhờ niềm đam mê mà các thầy cô giáo đã truyền thụ cho chúng tôi!


Nguyễn Văn Long - (Ban Tôn giáo Tỉnh uỷ)