Ngày 9/10, huyện Con Cuông tổ chức hội thảo khoa học bàn giải pháp phát triển chuỗi giá trị cây cam giai đoạn 2015 - 2020.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 370 ha cam, diện tích cam trong kỳ kinh doanh hơn 120ha, so với năm 2015 diện tích cây cam trên địa bàn đã tăng 188,41ha; năng suất đạt 113 tấn/ha. Diện tích cam chủ yếu được trồng tại các xã Yên Khê, Bồng Khê, Chi Khê. Theo quy hoạch, đến năm 2020 toàn huyện sẽ có 400ha.
Tuy nhiên, việc sản xuất cam trên địa bàn huyện Con Cuông còn gặp nhiều khó khăn như: Một số diện tích cam trồng lâu năm đã bị thoái hóa, việc sản xuất và cung ứng cây giống tràn lan, không kiểm soát được chất lượng.
Việc trồng cam tự phát tràn lan ở nhiều vùng khác nhau, dẫn đến tình trạng năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp, gây tổn thất cho người trồng; tình trạng người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa theo quy chuẩn,…
Sản phẩm cam sau thu hoạch chưa đạt yêu cầu khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các nước tiên tiến, hạn chế cho việc xuất khẩu ra thị trường; Công nghệ bảo quản còn thấp. Bên cạnh đó chưa tạo được liên kết chuỗi trong sản xuất cam, việc quảng bá và xúc tiến thương mại chưa được nhiều, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của cây cam.
Đến nay, sản phẩm vẫn chưa được cấp nhãn hiệu. Một số nhà vườn đã áp dụng khoa học kỹ thuật trồng cam theo quy trình VietGAP, tuy nhiên so với diện tích toàn huyện thì vẫn còn hạn chế.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu các giải pháp để phát triển chuỗi giá trị cây cam như: Tăng cường quản lý nhà nước về quản lý quy hoạch vùng cam, hạn chế tối đa việc nông dân tự phát trồng cam tràn lan.
Cùng đó, quản lý đầu vào như giống, phân bón và xử lý tốt vấn đề đầu ra, tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyên sâu về khoa học kỹ thuật cho người trồng cam. Khuyến khích và có các chính sách hỗ trợ người dân áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến cam nhằm nâng giá trị kinh tế; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để quảng bá sản phẩm...