(Baonghean) - Ở huyện Con Cuông, những năm gần đây người dân các xã Yên Khê, Lục Dạ, Môn Sơn, Bồng Khê, Chi Khê tận dụng rất tốt thế mạnh để phát triển kinh tế, nhất là việc đầu tư phát triển diện tích trồng cam. Thương hiệu cam Con Cuông nhờ vậy không ngừng khẳng định vị thế trên thị trường nông sản.
Những ngày này nếu ai có dịp lên huyện Con Cuông sẽ thấy, từ Quốc lộ 7A rẽ vào xã Yên Khê, hai bên đường người dân bày bán rất nhiều cam. Khách dừng chân sẽ được mời dùng thử cam mà không phải trả tiền nếu không ưng ý mua. Người bán cũng rất thoải mái khi khách muốn vào thăm vườn cam của họ. Ở đó khách hàng có thể lựa chọn những trái cam ngon nhất, ưng ý nhất.
Nhiều người hẳn sẽ bất ngờ khi biết rằng, làm nên những trái cam có vị ngọt đậm ấy là những người nông dân vốn xưa nay chỉ quen với việc nương rẫy. Trong số đó có rất nhiều hộ dân thuộc đồng bào dân tộc Thái.
Từ khi huyện Con Cuông có chủ trương đổi mới mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ, ông Lô Văn Tý và nhiều hộ dân khác ở bản Tân Hương xã Yên Khê bắt tay vào thực hiện mô hình trồng cam. Với một vùng đất đồi thoải rộng lớn, thổ nhưỡng rất thích hợp lại nằm ở tiểu vùng khí hậu ôn hòa, cây cam nhanh chóng khẳng định vị trí “độc tôn” của mình trên đất Yên Khê.
Riêng gia đình ông Lô Văn Tý trồng hơn 1 ha, vụ thu hoạch năm 2015 đã mang về cho gia đình ông gần 500 triệu đồng. Trên đà thắng lợi, đầu năm nay ông Tý thuê xe, máy đào ao nhằm chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng. Không nói con số cụ thể, nhưng ông Tý cho hay vụ cam năm nay hứa hẹn mang lại một năm thắng lợi cho gia đình.
Được xác định là một trong những loại cây trồng chủ lực, đến nay toàn huyện Con Cuông có 255 ha cam trồng tập trung nhiều ở các xã Yên Khê, Chi Khê, Bồng Khê. Riêng xã Yên Khê chiếm tỷ lệ diện tích nhiều nhất với 192 ha. Thực tế cho thấy, không phải ngẫu nhiên mà lãnh đạo huyện Con Cuông chủ trương đẩy mạnh phát triển quy mô và diện tích trồng cam. Vùng Yên Khê trước đây đã nổi danh với sản phẩm cam quả của Nông trường Bãi Phủ. Cam Con Cuông đã được chứng minh bằng chất lượng trong thực tiễn. Sau một thời gian gián đoạn do những biến động khách quan, hiện nay cam Con Cuông đã “trở lại” và được sản xuất với quy trình kỹ thuật chuyên biệt hơn, tốt hơn.
Bà Phan Thị Tâm - hộ dân trồng cam ở bản Pha, xã Yên Khê cho biết: “Với hơn 1 ha gia đình trồng chủ yếu 2 giống cam là Vân Du và Valencia. Cam ngon nên không lo đầu ra, có bao nhiêu thương lái vào vườn hái mua hết bấy nhiêu. Giá bán tại vườn là hơn 30.000 đồng/kg”.
Với sự hỗ trợ về kỹ thuật của địa phương, các hộ trồng cam ở Con Cuông đã chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác loại nông sản này. Đó là việc áp dụng mô hình trồng trọt an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, từ hệ thống nước tưới bằng công nghệ nhỏ giọt đến sử dụng các chế phẩm vi sinh, thuốc BVTV đều tuân thủ các quy trình kỹ thuật. Mục tiêu cao nhất là tạo ra sản phẩm ưu việt nhất đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Đặc biệt, nhiều hộ dân chủ động liên kết với nhau để đầu tư, phát triển diện tích trồng cam.
Theo đó, người nông dân có đất nhưng khó khăn về tài chính sẽ hợp tác với người có vốn để cùng trồng cam. Tổng diện tích cam sau khi trồng sẽ chia đôi, một nửa dành cho chủ có đất, số còn lại thuộc về người đầu tư. Sau khi kết thúc một vòng đời của cây cam với khoảng 15 năm, hoạt động hợp tác sẽ kết thúc.
Ông Nguyễn Khắc Sỹ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Con Cuông cho biết, bằng sự liên kết này, nhiều hộ nông dân đã tìm thấy cơ hội làm giàu cho mình, điều trước đây có nằm mơ họ cũng chưa dám nghĩ đến. Được biết năng suất bình quân của cam Con Cuông trong vụ thu hoạch năm nay đạt 20 tấn/ha, tổng sản lượng ước đạt 3.000 tấn. Với giá bình quân 20.000 đồng/kg, các hộ trồng cam sẽ có tổng doanh thu khoảng 60 tỷ đồng, hiệu quả hiện không có nông sản nào theo kịp.
Từ việc xác định cam là cây trồng chủ lực, UBND huyện Con Cuông đã xây dựng và thực hiện đề án phát triển cây trồng này. Theo đó, mục tiêu được huyện đặt ra là đến năm 2020 diện tích cam đạt 450 ha, quy hoạch chủ yếu tại các xã: Yên Khê, Chi Khê, Môn Sơn, Lục Dạ, Bồng Khê, Đôn Phục, Mậu Đức, Thạch Ngàn. Cùng với việc mở rộng quy mô diện tích trồng cam, huyện cũng từng bước phục hồi nhãn hiệu cam Con Cuông đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài các chính sách cụ thể dành cho hộ trồng cam, chính quyền địa phương sẽ gián tiếp hỗ trợ thông qua việc tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua các kênh truyền thông trực tiếp và gián tiếp.
Liên quan đến nội dung này, ông Vi Văn Sơn - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: Sau khi các đợt vận động, kêu gọi của lãnh đạo địa phương, tổ chức JICA (Nhật Bản) đã có đợt nghiên cứu, khảo sát thực tế tại vùng trồng cam xã Yên Khê. Bước đầu tổ chức này đã đầu tư, hỗ trợ 5 hộ trồng cam của xã thực hiện chuỗi giá trị từ canh tác, trồng trọt đến sản xuất sản phẩm cuối cùng. Bằng việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, thân thiện với môi trường, dự kiến đến vụ thu hoạch cam năm 2017, tổ chức JICA sẽ cho ra đời sản phẩm nước cam ép, rượu cam. Nếu thành công đây có thể xem là bước đột phá trong quy trình sản xuất nông nghiệp của huyện Con Cuông.
Ông Vi Văn Sơn còn cho biết thêm, huyện đã xúc tiến kêu gọi nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia đầu tư, mở rộng diện tích trồng cam. Mới đây nhất, huyện đã làm việc với chủ trang trại cam Thiên Sơn (Yên Thành) để thực hiện dự án trồng 20 ha cam tại xã Môn Sơn. Thành công của dự án sẽ có ý nghĩa khuyến khích hộ nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát huy giá trị đặc hữu của địa phương.
Nhóm P.V