Chị Hải cho biết: Hiện nay, trên 300 gốc cam Xã Đoài của gia đình chị đã bắt đầu cho thu hoạch với giá bán tại vườn 25.000 đồng/kg. Ngoài một số thương lái ở địa phương thì còn có các thương lái từ Quỳ Hợp, Anh Sơn cũng đánh xe vào tận vườn để mua. Ước tính, năm nay 2 ha cam của gia đình đạt sản lượng 60 tấn, sau khi trừ chi phí gia đình có nguồn thu gần 1 tỷ đồng.
Vườn cam của gia đình chị Vi Thị Yến, bản Tân Hương xã Yên Khê có 400 gốc thì có 200 gốc trồng giống cam BH. Theo chia sẻ của chị Yến, giống BH không kén đất, cây sinh trưởng phát triển nhanh, sức kháng bệnh tốt, năng suất cao, ít hạt, mọng nước, thời gian cho thu hoạch vào khoảng tháng 9. Năm nay, do mưa liên tiếp nên cam bị rụng khá nhiều, riêng gia đình chị bị thiệt hại khoảng 1 tấn. Tuy nhiên, giá cả thì vẫn ổn định như năm trước. Cũng theo chia sẻ của chị Yến, với 200 gốc cam BH, năm nay ước tính đạt sản lượng khoảng 7 tấn. Với giá bán tại vườn 25.000 đồng/kg, thì vụ cam sớm, gia đình chị có thu nhập xấp xỉ 170 triệu đồng.
Hiện tại, Con Cuông có 360 ha cam, có 120 ha cho thu hoạch. Trong đó Yên Khê là địa phương có diện tích cam lớn nhất huyện với 257,96 ha. Ông Vi Văn Đậu – Chủ tịch UBND xã Yên Khê cho biết: Toàn xã hiện có khoảng 77 ha cam đang cho thu hoạch. Ngoài các giống cam như Vân Du, Xã Đoài ruột vàng thì trong 5- 6 năm trở lại đây, nhiều hộ dân còn trồng thêm giống BH. Với việc đưa 2 loại giống chín sớm và chín muộn vào trồng, nên mùa thu hoạch cam Con Cuông bắt đầu từ cuối tháng 9 năm trước đến tháng 2, tháng 3 năm sau.
Thực hiện đề án phát triển thương hiệu cam Con Cuông, huyện Con Cuông cũng đã có nhiều cơ chế hỗ trợ cho các hộ dân để đầu tư phát triển cây cam. Theo quy hoạch của địa phương đến năm 2020 sẽ phát triển được trên 450 ha cam quy hoạch chủ yếu tại các xã: Yên Khê, Chi Khê, Môn Sơn, Lục Dạ, Bồng Khê, Đôn Phục, Mậu Đức và Thạch Ngàn. Huyện cũng đã thành lập HTX trồng cam và xây dựng chỉ dẫn địa lý từ đó bảo vệ vùng sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập cho người dân.