Đi dọc các trục đường vào vùng cam của xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, dễ dàng bắt gặp những vườn cam cây còi cọc vì sâu bệnh. Hậu quả là, quả cam cam kém chất lượng (người địa phương gọi là cam ngơ), rụng quả non, thậm chí lá rụng đầy gốc... đó là những biểu hiện đáng lo ngại tại nhiều vườn cam trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.
Gia đình ông Nguyễn Đình Công, đội 12, Công ty TNHH MTV Nông trường Xuân Thành có 1,5 ha cam kinh doanh. Ông Công lo lắng, mặc dù gia đình đầu tư chăm sóc mạnh, nhưng hầu hết cây nào cũng bị nhiễm sâu bệnh, rõ nét nhất là bộ lá bị sâu quăn lại, rụng hết. Hàng năm gia đình mua thuốc BVTV về phun nhưng không giảm. Tuy nhiên bản thân ông Hùng cũng không biết cây cam bị bệnh gì.
Mong muốn của người trồng cam là các cơ quan chuyên môn kịp thời xác định được bệnh của cây cam và cung ứng thuốc đặc hiệu để phun trừ, nếu không thì người trồng cam sẽ thất bại.
Theo ông Hoàng Minh - Công ty TNHH MTV nông nghiệp Xuân Thành: Hiện nay, hơn một nửa trong tổng số 1.000 ha cam của công ty đã bị bệnh. Nguyên nhân nhiều diện tích cam trên địa bàn Quỳ Hợp bị bệnh là do chất lượng cây giống kém, đất bị thoái hóa do lâu nay người dân sử dụng các loại phân bón và thuốc BVTV không được kiểm định.
Để nâng cao chất lượng vườn cam, theo ông Hoàng Minh cần mạnh dạn xóa bỏ những vườn cam bị nhiễm bệnh để xử lý, cải tạo lại, bằng cách sản xuất các loại cây ngắn ngày từ 2 – 3 năm, sau đó trở lại trồng cam.
Công ty TNHH MTV 1/5 Nghĩa Đàn những năm gần đây được người dân chuyển đổi từ cây cao su sang trồng cam với diện tích 54 ha.
Ông Nguyễn Tuấn Cường - Giám đốc công ty băn khoăn: Phần lớn diện tích cam của Công ty từ 1 - 3 năm tuổi, nhưng nhiều diện tích cam đã xuất hiện sâu bệnh, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây cam. Lo rằng tới đây người dân lại phá bỏ cây cam sang trồng cây khác.
Nguyên nhân dẫn đến cây cam bị bệnh, theo ông Cường có thể do cây cam giống không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, người trồng cam chưa có nhiều kinh nghiệm phòng trừ sâu bệnh.