(Baonghean) - Theo quy định tại Thông tư 51/2013 về sửa đổi Thông tư số 26/TT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hướng dẫn Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng nông thôn mới thì một số công trình xây dựng hạ tầng ở khu vực nông thôn có quy mô nhỏ (đến 3 tỷ đồng), kỹ thuật đơn giản được áp dụng cơ chế đặc thù, có mẫu thiết kế điển hình thì không cần lập hồ sơ báo cáo kỹ thuật mà giao hẳn cho người dân, cộng đồng làm. UBND cấp huyện phê duyệt các công trình được áp dụng cơ chế đặc thù như trên. Quy định này nhằm mục đích tạo điều kiện cho người dân tham gia nhiều hơn vào xây dựng NTM. Các công trình này cũng không quá khắt khe về mặt kỹ thuật, lao động địa phương có thể làm được dưới sự tư vấn, giám sát của cán bộ kỹ thuật cấp xã.
 
Trên thực tế, qua quá trình triển khai, Thông tư số 51 sửa đổi Thông tư số 26 được áp dụng đã chứng tỏ sự phù hợp với thực tiễn nông thôn, góp phần “gỡ khó” và đẩy nhanh tiến độ thi công cho nhiều công trình giao thông nông thôn, bê tông hóa kênh mương thủy lợi. Tại xóm 13, xã Diễn Yên (Diễn Châu) nhờ sự tham gia của người dân nên tiến độ làm đường rất nhanh, chỉ trong vòng 2 tháng, người dân ngoài góp tiền, còn tham gia làm trực tiếp để giám sát vật tư, nguyên liệu nên sau khi làm xong hàng chục km đường mà không có ý kiến nào phàn nàn về chất lượng.
 
Tuy nhiên mới đây, theo Thông tư 28/TT của Bộ Tài chính quy định tất cả các công trình xây dựng hạ tầng thiết yếu ở nông thôn đều phải làm hồ sơ kỹ thuật, thủ tục đầu tư và phải làm từ thủ tục đấu thầu. Nếu không làm đầy đủ hồ sơ thủ tục thì không thể thanh, quyết toán vì Kho bạc không có cơ sở chi tiền. Đây là quy định nhằm hạn chế các thất thoát liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, nhưng áp dụng vào lĩnh vực xây dựng Nông thôn mới là chưa phù hợp. Chúng ta đều biết khi làm thủ tục hồ sơ đầu tư một công trình có nguồn gốc từ ngân sách thì đương nhiên phải có dự toán, hồ sơ thiết kế công trình, qua đấu thầu, khi thi công có các bên liên quan, chủ đầu tư tư vấn, tư vấn giám sát. Thế nhưng, kèm theo sự chặt chẽ về quy trình thì mất không ít thời gian và chi phí; từ khi thi công cho đến thanh, quyết toán phải nhiều thủ tục…
 
Với lý do đảm bảo an toàn, không ít các địa phương vẫn thích chọn phương án đề nghị dự án có hồ sơ thiết kế thay vì giao cho người dân làm gây ra không ít vướng mắc khi quyết toán các công trình ở cơ sở, nhất là các dự án được Nhà nước hỗ trợ một phần vốn. Ông Nguyễn Hồ Lâm, Phó Chánh Văn phòng Ban điều phối NTM tỉnh cho biết, một trong những mục đích khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 28 “quản chặt” các công trình dự án có nguồn gốc từ trái phiếu Chính phủ, vốn vay ODA...
 
Tuy nhiên, thực tế khi triển khai, các cấp tài chính lại mở rộng ra các dự án đầu tư khác khiến chồng chéo với Thông tư số 51 sửa đổi Thông tư 26 của Bộ NN&PTNT. Để tháo gỡ vướng mắc trên, một trong những giải pháp là phải sửa đổi Thông tư 28 của Bộ Tài chính theo hướng quy định rõ các công trình hạ tầng ở nông thôn, có quy mô vốn ở mức độ nhất định, nguồn vốn chủ yếu do dân đóng góp thì nên theo Thông tư số 51 sửa đổi Thông tư 26 Bộ NN&PTNT, không cần qua thủ tục làm hồ sơ thiết kế, dự toán và đấu thầu, để cho cộng đồng dân cư tổ chức thi công, giám sát; chỉ các công trình có nguồn vốn lớn, có yêu cầu cao về mặt an toàn kỹ thuật, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách chủ yếu thì mới phải làm thủ tục hồ sơ đầu tư chặt chẽ theo Thông tư 28. Nếu quy định này sớm được sửa đổi sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính mà còn tháo gỡ vướng mắc qua đó thúc đẩy tiến độ xây dựng NTM ở các địa phương.
 
Phương Hà