(Baonghean) - Bạn đã đi "cùng trời cuối đất", vậy mà không khỏi bức xúc khi về tham gia giao thông ở... làng. 

Bạn có thời gian học tập ở châu Âu, rồi nhiều lần trở lại theo diện công vụ hoặc du lịch, và không chỉ châu Âu mà có thể gọi nôm na là bạn đã đi "cùng trời cuối đất”, là người giàu trải nghiệm. Ấy vậy mà, kỳ vừa rồi về quê gặp nhau, kể về một vụ va chạm nhẹ vừa xảy ra trên đường làng vừa xảy ra ngay với người làng mà bạn không khỏi bức xúc, khó hiểu. 

Bạn kể, khi lái xe ô tô về đến đường làng, bạn đi đúng phần đường của mình, đúng luật, tốc độ rất chậm. Bất ngờ có xe máy từ trong đường ngõ phía ngược chiều phóng ra với tốc độ nhanh, ôm cua hết trọn mép đường rồi lượn ra quẹt vào thành xe của bạn rồi loạng quạng và dừng lại, xe và người vẫn chưa bị ngã. Bạn dừng xe rồi từ tốn xuống xe kiểm tra, hỏi han, thì người điều khiển xe máy lớn tiếng văng tục rồi lao vào giơ tay đòi đánh. Lúc đó có mấy người làng nhận ra bạn, vội chạy đến can, ôm người kia lùi ra, nhưng người kia vẫn không thôi giơ tay về phía bạn tiếp tục đòi gây sự. 

images1650388_20160804_trung_uy_cong_an_bi_danh_chet_vi_khong_cho_vuot_xe_3.jpgHiện trường vụ trung úy công an Đỗ Văn Hoan huyện Quốc Oai (Hà Nội) bị đánh chết vì bị cho là không nhường đường.

Rõ ràng, chưa có người chức trách đến xác định ai đúng ai sai, nhưng người đàn ông trung niên điều khiển xe máy cứ lao vào đòi đánh bạn tôi cứ như là bạn đi sai đường. Bạn nói, khi xảy ra va chạm giao thông, thì có thể có người đúng người sai, thậm chí có thể cả hai người cùng sai. Nhưng không có nghĩa cứ va chạm giao thông là giơ tay đòi xử nhau. Thậm chí, ngay cả khi người này đúng cũng không vì thế mà cho mình cái quyền được “ra tay”, giơ tay “xử” người sai bằng bạo lực. 

Bạn cho rằng, chuyện va chạm hoặc tai nạn giao thông phần lớn đều nằm ngoài ý muốn của người tham gia giao thông. Vì thế, trong tất cả các vụ va chạm thì mọi người đều có thể bình tĩnh, từ tốn để xem xét, giải quyết. Không việc gì mà cứ xảy ra va chạm giao thông là coi nhau như kẻ thù, như đối thủ trên sàn đấu.

Rồi bạn kể chuyện giao thông ở châu Âu. Ở châu Âu, nếu người đi sau xin vượt thì người đi trước sẵn sàng chuyển làn ngay để cho người đi sau vượt. Có một lần, bạn xin vượt đường nhưng người điều khiển phương tiện phía trước vẫn không chuyển làn, buộc bạn phải chuyển làn để vượt trước. Khi xe chạy lên trên mới biết người đi trước không chuyển làn là vì giao thông phía trước không cho phép. Ấy thế nhưng, người điều khiển phương tiện kia vẫn hạ kính cửa và vẫy tay chào bạn, vừa như thể là sự xin lỗi, chia sẻ với việc không thể cho phép bạn. 

Và, khi tham gia giao thông ở các nước châu Âu, hành động kéo cửa kính vẫy tay chào nhau, vẫy tay thay cho hành động xin lỗi hoặc thông cảm, giữa những người xa lạ với nhau... là khá phổ biến. Cái vẫy tay đầy thiện chí, đầy thân thiện, giữa những người chưa từng quen biết nhau, và có thể không bao giờ gặp nhau trên đường đời, nhưng cũng đem lại cảm giác dễ chịu, giúp cho người điều khiển phương tiện giao thông có cảm giác thoải mái, và từ đó tham gia giao thông được tỉnh táo hơn, phấn chấn hơn. Dĩ nhiên là sẽ góp phần tạo ra cảm giác an toàn hơn.

Mới đây, khi đọc tin một trung úy công an bị đánh đến chết chỉ vì không nhường đường ở thủ đô Hà Nội, tôi không khỏi sững sờ. Thì ra không chỉ ở làng bạn tôi có chuyện giơ tay, mà chuyện này có ở nhiều nơi. Tại sao khi tham gia giao thông, chúng ta không luôn luôn sẵn sàng tư thế vẫy tay thân thiện khi chẳng may xảy ra va chạm, mà nhiều người luôn sẵn sàng tư thế giơ tay, đánh đấm, gây gổ nhỉ?

Đức Dương

TIN LIÊN QUAN