(Baonghean) - Theo số liệu điều tra của Hội Ung thư Việt Nam, những năm 1990 số người mắc bệnh ung thư ở nước ta còn thấp, khoảng 70.000 người trong một năm. Đến thời kỳ 2010 - 2015, mỗi năm có khoảng 150.000 người mắc bệnh ung thư (tăng gấp đôi thời kỳ trước đó). Dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 200.000 người mắc bệnh ung thư mỗi năm, là một trong những nước có tốc độ mắc bệnh ung thư nhanh nhất.
 
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 80% nguyên nhân sinh ra bệnh ung thư là từ môi trường bên ngoài, trong đó thủ phạm chính là thuốc lá và thực phẩm không an toàn. Một đại biểu Quốc hội đã phát biểu trên nghị trường: “Chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa ngắn như ngày nay”. Không có một lời cảnh báo nào đau xót hơn.
 
 
Vấn nạn thực phẩm bẩn kéo dài hàng chục năm nay, chẳng những không ngăn chặn được mà ngày càng nguy hiểm hơn. Ban đầu chỉ là các loại rau xanh phun thuốc trừ sâu, các loại hoa quả bảo quản bằng hóa chất. Ngày nay, thực phẩm bẩn có ở khắp mọi nơi, ở đâu bán thực phẩm là ở đó có chất độc hại. Các loại hóa chất như: thuốc tăng trọng, thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản, thuốc chống ẩm mốc… được dùng tràn lan không đúng liều lượng đã đầu độc các loại thực phẩm mà con người ăn hàng ngày. Công nghệ chế biến, tiêu thụ thực phẩm bẩn đạt đến độ tinh vi khó phát hiện. Nội tạng động vật hôi thối được dùng hóa chất để biến thành thực phẩm tươi sống. Thịt bò thối rỉ nước sau khi tẩm hóa chất biến thành thịt bò tươi rói. Thịt lợn chết được dùng chất phụ gia để chế biến thành giò chả, dăm bông, xúc xích, nhân bánh. Từ các lò giết mổ gia súc đến các cơ sở chế biến thực phẩm đều bẩn đến mức không thể bẩn hơn.
 
Chợ Bình Phú, Thạch Thất (huyện Thường Tín - Hà Nội) là thủ phủ của thịt lợn chết. Các loại lợn chết được đưa về đây bán với giá “siêu rẻ”, đem áp chảo, rán, quay, chế biến thành các loại thực phẩm khô bán khắp các chợ. Thôn Bình Lương, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm thuộc tỉnh Hưng Yên từ xưa nổi tiếng với nghề làm bóng bì (tức là bì lợn phơi khô đem nổ thành miếng giòn để nấu món bóng, một món ăn cổ truyền được nhiều người ưa thích). Bóng bì, mỡ nước, tóp mỡ của Bình Lương chiếm lĩnh thị trường trong nước. Nhưng ngày nay Bình Lương đã trở thành “làng mỡ bẩn”, các sản phẩm được chế biến trong môi trường ô uế bẩn thỉu, chở hàng xe tải đi bán khắp nơi. Ở Thạch Thất còn có chợ bán thịt lợn chết hoạt động vào ban đêm được gọi là “chợ âm phủ”. Trên địa bàn Nghệ An, các lực lượng chức năng đã phát hiện số lượng lớn măng tẩm chất vàng ô, hàng nghìn chai rượu ngoại giả, nhiều xe tải chở các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc.
 
Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn được triển khai bằng đội quân tổng lực. Ở cấp “vĩ mô” có đến 4 Bộ cùng quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học - Công nghệ, Tài nguyên - Môi trường). Đội quân thường trực có lực lượng quản lý thị trường, cảnh sát môi trường, hải quan, bộ đội biên phòng, chính quyền cơ sở. Chiến dịch “nói không với thực phẩm bẩn” được phát động với nhiều hình thức tuyên truyền rầm rộ. Người dân đối phó với thực phẩm bẩn bằng nhiều cách: vào siêu thị mua rau sạch, tự trồng rau xanh trong các hộp xốp, về các miền quê tìm mua thực phẩm sạch. Nhưng, chẳng khác gì cái vòi con bạch tuộc, thực phẩm bẩn cứ thò ra ở khắp mọi nơi. Người tiêu dùng chỉ biết tặc lưỡi: “Ăn cũng chết, không ăn cũng chết”.
 
Tại sao thực phẩm bẩn tràn ngập thị trường mà không ngăn chặn được? Vấn nạn nhức nhối này có nhiều nguyên nhân. Những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm thì chạy theo lợi nhuận, coi thường sức khỏe và sinh mạng của cộng đồng. Chính quyền cơ sở thì thờ ơ với việc kiểm soát thực phẩm bẩn, phó mặc các cơ quan chức năng. Phần lớn người tiêu dùng chủ quan với việc bảo vệ sức khỏe, coi thường tác hại của thực phẩm bẩn. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là động cơ lợi nhuận. Vì lợi nhuận, người ta sẵn sàng làm tất cả, bất chấp sức khỏe và mạng sống của cộng đồng. Vì lợi nhuận, người ta sẵn sàng bán những thứ độc hại nhất cho người tiêu dùng. Lợi nhuận đã che mờ lương tâm của những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn. 
 
Để ngăn chặn vấn nạn thực phẩm bẩn cần siết chặt mọi công đoạn quản lý liên quan đến bữa ăn hàng ngày của con người. Nhưng vấn đề cơ bản nhất vẫn là thức tỉnh lương tâm con người phải biết sống vì đồng loại. Muốn loại bỏ thực phẩm bẩn, trước hết phải có lương tâm “sạch”.
 
Trần Hồng Cơ