(Baonghean) - Sau khi kiện toàn, Chính phủ mới đã phát đi thông điệp là quyết tâm tăng cường chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, xây dựng một Chính phủ liêm chính phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Đó là điều mà người dân nào cũng mong muốn. Nhưng muốn đạt được sự liêm chính thì việc đầu tiên cần làm là xử lý nghiêm những hành vi không liêm chính.

Sở dĩ phải đặt vấn đề như vậy là vì việc xử lý những cán bộ, công chức có sai phạm ở ta còn chưa nghiêm minh; chưa tương xứng mức độ vi phạm cũng như hậu quả gây ra. Đặc biệt là với cán bộ. Những người có chức dù lớn hay bé khi mắc sai phạm thường là chỉ bị nhắc nhở, phê bình.

Nặng hơn chút là khiển trách, cảnh cáo. Nặng hơn nữa là luân chuyển công tác. Rất ít người bị cách chức, đuổi việc hay bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cho dù, hậu quả để lại có không ít việc rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận. 

Sự việc quá quen thuộc, đến đỗi người ta coi việc luân chuyển, thuyên chuyển cán bộ như là một hình thức kỷ luật thay cho các quy định của pháp luật về các mức độ sai phạm. Đơn cử như việc khi rừng bị lâm tặc tàn phá, để xảy ra sự việc có phần trách nhiệm không nhỏ của đội ngũ kiểm lâm và chính quyền sở tại; nhưng cán bộ có thẩm quyền của huyện khi tuyên bố rất mạnh mẽ rằng huyện sẽ chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát mạnh hơn nữa về công tác bảo vệ rừng, đã đề nghị luân chuyển các cán bộ kiểm lâm địa bàn.

Nói vậy hoàn toàn không ổn vì kiểm tra, giám sát nếu phát hiện sai phạm thì phải xử lý theo quy định của pháp luật chứ không phải luân chuyển là xong. Còn nếu như không chỉ ra được sai phạm thì không dễ gì để luân chuyển được người ta.

Thêm một việc khiến dư luận rất bức xúc đó là khi trả lời, giải thích trước công luận về cách thức xử lý, hầu hết những lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có cá nhân sai phạm đều nói rằng việc xử lý cán bộ đúng quy định, quy trình.

images1655763_bna_57aed3274fbd3.jpgTranh minh họa

Chính vì thế mà có một số lãnh đạo đơn vị, cơ quan có cá nhân sai phạm dựa vào tiền lệ đó để mà bao che, “du di” cho cấp dưới của mình. Phải nói thẳng ra rằng, các biện pháp chế tài kiểu “cảnh cáo”, “khiển trách” và cả việc “luân chuyển công tác” không đủ sức răn đe, phòng ngừa sai phạm. Thậm chí, trong một số trường hợp, việc luân chuyển còn là tiếp tay cho sai phạm. Một số vụ việc mà Trung ương Đảng đang chỉ đạo làm rõ đã phần nào chứng minh điều đó.

Để chấm dứt việc này, cần phải thống nhất cao với nhau là luân chuyển không phải là một hình thức kỷ luật. Càng không phải là một chế tài để xử lý các hành vi, việc làm vi phạm pháp luật. Đừng cố tình hiểu sai, đừng đánh tráo khái niệm để né tránh trách nhiệm, bao che, dung dưỡng cho sai phạm. 

Duy Hương

TIN LIÊN QUAN