(Baonghean) - Thật ra, phí đường bộ tăng cao, trạm thu phí mọc lên nhiều, chủ xe không phải là người gánh chịu cuối cùng mà là dân. Vì bao nhiêu chí phí người ta cộng vào rồi bổ vào đầu người tiêu dùng. 

Hiểu một cách nôm na thì quá tải là quá giới hạn cho phép, quá sức chịu đựng. Hậu quả của nó là vô cùng tai hại. Cụ thể như xe chở quá tải thì rất nhanh hỏng, đường chịu quá tải thì mau xuống cấp. Thế nên có một dạo, cả nước dấy lên phong trào chống xe quá tải vì những con đường ngàn tỉ mới làm chưa sử dụng được bao lâu đã tan nát dưới những bánh xe tàn bạo.

Đích thân ông Bộ trưởng Bộ GT-VT và chủ tịch một số tỉnh đã phải ra đường chặn bắt xe quá tải để thúc đẩy các cơ quan chức năng hành động. Nhờ đó mà tình trạng xe quá tải đã giảm đi nhiều, không còn nóng bỏng như trước nữa. Liên quan đến chuyện quá tải và đường sá, hiện đang có một thực trạng cũng na ná vậy.

Đó là các nhà xe đơn lẻ và cả các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cả hành khách lẫn hàng hóa cũng đang lâm vào tình tạng “quá tải” tiền phí đường bộ. Bởi lẽ là bắt đầu từ đầu năm 2016 này, mức thu phí sử dụng đường bộ tại các trạm tăng kịch trần, trong đó xe dưới 12 chỗ có mức thu cao nhất là 52.000 đồng/lượt; xe tải trọng 18 tấn trở lên và xe container 40 feet có mức thu phí cao nhất là 200.000 đồng/lượt.

images1438326_02.jpgGiá vé qua cầu Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 chính thức tăng từ 6h sáng 1/1/2016 (ảnh: Thu Huyền)

Và đúng là “họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai”, phí tăng rất mạnh, đã đủ khổ lắm rồi lại cộng thêm các trạm thu phí theo diện BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) lại mọc lên như nấm sau mưa. Trở thành một mạng lưới bủa vây bốn phương, tám hướng hoạt động theo đúng kiểu “thu nhầm hơn bỏ sót” khiến các nhà xe mỗi làn qua trạm phải nghiến răng giữ bình tĩnh để không có những hành vi vượt qua giới hạn cho phép.

 Hãy nghe những người cầm lái ở vùng “trọng điểm” thu phí phía nam than thở trên báo để biết tình trạng quá tải phí đang ở mức nào: ông Nguyễn Văn Học (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) - chủ hai xe tải 1,25 tấn tính từ nhà ông ra thẳng ra quốc lộ 1 dài khoảng 7 km, nhưng phải đi qua trạm thu phí 3A (ĐT 768, ấp 1, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) rồi đến trạm thu phí 4A (đường Nhà máy Nước Thiện Tân, phường Tân Hòa, TP Biên Hòa) với giá vé mỗi trạm là 15.000 đồng.

Nếu ông cho xe đi ngược ĐT 768 hướng ra đường Đồng Khởi để ra ngã tư Tân Phong (thành phố Biên Hòa) phải vượt qua trạm thu phí 3B (ĐT 768, ấp Vàm, xã Thiện Tân) và 2A (đường Đồng Khởi - giữa phường Tân Phong và phường Trảng Dài), trong khi khoảng cách ở hai trạm này cũng trên 10 km.Còn ngược ĐT 768 đi thẳng đến phường Bửu Long (TP Biên Hòa) cũng phải vượt qua hai trạm thu phí 3B và 1A (ĐT 768) với chiều dài khoảng 17 km.

Ông Học tính toán, với hai xe tải nhẹ chở hàng đi về từ huyện Vĩnh Cửu đến TP Biên Hòa vài chục km, hàng tháng ông phải đóng gần 2 triệu đồng phí qua trạm. Ông Học nói: “Mỗi năm tôi phải đóng hơn 2 triệu đồng phí bảo trì đường bộ cho một đầu xe, tưởng sẽ giảm các khoản phí khác, ai ngờ nay vừa tăng trạm vừa tăng giá vé. Chính quyền nói hai trạm thu phí phải cách nhau 70 km, nhưng ở đây chỉ có 7 km đã có tới hai trạm.

Biểu giá mới theo Thông tư 51/2014/TT-BTC ngày 24/4/2014 của Bộ Tài chính (ảnh: Thu Huyền).

Bức xúc lắm!”. Nỗibức xúc đó không chỉ nằm gọn ở xứ Nam Bộ mà đã lan ra cả nước vì ở đâu cũng lâm vào tình cảnh một bên vặn vô lăng toát mồ hôi hột trên từng cung đường để kiếm tiền và chốc một lại phải dừng xe nộp phí và một bên ngồi ung dung ngồi rung đùi trong buồng thu phí chờ tiền đưa tận tay rồi mới ấn nút cho qua. Ai mà không bức xúc cho được.

Tức nước thì vỡ bờ, thế nên mới nảy ra chuyện ngày 4-1 vừa rồi  tại Trạm thu phí Quán Hàu do Công ty TNHH BOT đường tránh TP Đồng Hới (thuộc Tập đoàn Trường Thịnh) khai thác, ở Km 672+472 trên Quốc lộ 1 (thuộc xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), một số chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn đã đưa nhiều loại xe đến trạm để phản đối việc tăng thu phí đường bộ, gây ách tắc giao thông nhiều giờ liền.

Hành động đó chỉ mới như giọt nước chưa thể làm tràn ly, nhưng cũng là một dấu hiệu cảnh báo rất rõ ràng. Điều lạ là biết nhà xe bất bình, kể cả cư dân sống trong các khu vực có trạm thu phí phản đối vì phi lý song các cơ quan chủ quản lĩnh vực này vẫn “bình chân như vại” cho thu vì cầu, đường BOT đã làm xong rồi, không cho thu lấy gì hoàn vốn.

Dĩ nhiên là ngân sách nhà nước eo hẹp, muốn có nhiều dường đẹp, đường tốt thì phải huy động từ nhiều nguồn lực, trong đó có tư nhân và sau đó hoàn vốn bằng cách cho họ thu phí. Đó là một chủ trương đúng. Nhưng cần phải tính toán tiến hành sao cho hợp lý. Đừng biến việc đó như một miếng bánh béo bở mà thi nhau chia phần.

Thật ra, phí đường bộ tăng cao, trạm thu phí mọc lên nhiều, chủ xe không phải là người gánh chịu cuối cùng mà là dân. Vì bao nhiêu chí phí người ta cộng vào rồi bổ vào đầu người tiêu dùng. Giá thành vận tải sẽ cao lên và giá hàng hóa cũng theo đó mà tăng cao. Giá vé xe cũng sẽ tăng theo luôn.

 “Trăm dâu đổ đầu tằm”, cuối cùng là dân phải nai lưng ra gánh chịu tất cả. Mà không chỉ ở mỗi lĩnh vực này, thời gian gần đây nhiều thứ thiết yếu như  viện phí, học phí, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… đều tăng. Có cảm giác người ta coi dân như “chùm khế ngọt” để “trèo hái mỗi ngày”.

Như trên đã nói, trước đây, khi xe qua tải hoành hành  khiến đường quá tải thì người có trọng trách thân chinh ra đường chặn bắt để giảm tải. Nay các loại phí, nhất là phí đường bộ đang hoành hành khiến dân tình hết sức bất bình vẫn chưa thấy ai “giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha” mà ra tay nghĩa hiệp.

 Dân đang rất mong chờ người có trọng trách thân chinh đứng ra làm cái việc “giảm tải” tương tự. Vì hiện tại, các loại phí đang làm cho sức dân bị quá tải. Cần gấp rút có những hành động giảm tải sức dân.

Bụt Sơn

TIN LIÊN QUAN