(Baonghean.vn)-Câu hỏi về đạo đức con người, trách nhiệm với cộng đồng khi đặt lên bàn cân cạnh lợi nhuận và giá trị vật chất ấy cứ quanh quẩn trong tâm trí mình.
Hồi mình đi du học nước ngoài, mỗi lần Tết đến là mỗi lần nhớ nhà ghê gớm. Nhớ từ ông bà, bố mẹ, anh chị em, nhớ từ miếng bánh chưng, nồi thịt kho tàu của mẹ, mẻ mứt dừa bà sên nhớ đi…Dù ở nước ngoài không thiếu các khu chợ bán đồ châu Á nhưng bao giờ mình cũng ngóng đồ ăn Tết mẹ gửi từ Việt Nam sang.
Để rồi mấy anh chị em lại quây quần bên mâm cỗ, và bàn trà tiếp bạn ngày Tết không bao giờ thiếu đĩa bò khô cay vắt thêm chanh cho dịu bớt vị cay, nóng của gia vị tẩm rất đậm đà… Giờ đã khác xưa rồi, không còn đau đáu những cái Tết tha hương nhớ nhung khắc khoải nữa.
Ấy thế nhưng người ở nhà cũng không khỏi băn khoăn những nỗi niềm lo lắng mỗi khi Tết đến xuân về, ấy là nỗi lo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Cả tháng nay, các phương tiện truyền thông đại chúng liên tục đưa tin về những vụ việc phát hiện, lưu giữ khối lượng thực phẩm bẩn khổng lồ mà các thương lái chuẩn bị cho “vụ” Tết.
Nào thịt ôi, nào nội tạng động vật thối, nào hoa quả ngâm thuốc diệt cỏ,…những tin tức khiến người tiêu dùng không thể không lo ngại. Bởi, ngày Tết là ngày lễ đoàn viên, là ngày mà chúng ta dành dụm, vun vén tất cả những gì tốt đẹp nhất, sung túc nhất để đón một năm mới với những hy vọng mới.
Ngày Tết cũng là dịp để gặp mặt bạn bè và những người thân trong gia đình, các món quà bánh, thức đồ ăn uống để thết bạn trong ngày Tết vừa thể hiện sự viên mãn trong cuộc sống của gia chủ, vừa bày tỏ lòng hiếu khách theo đúng truyền thống của người Việt Nam. Những tưởng ngày lễ lớn nhất, trọng đại nhất của người Việt mình sẽ nằm ngoài guồng quay của cuộc sống mà xu hướng đề cao vật chất đang nổi lên như một vấn nạn…
Nhưng có lẽ những ai vẫn ôm nỗi niềm đó sẽ không khỏi thất vọng trước tư duy chạy theo lợi nhuận, bất chấp các giá trị nhân văn và truyền thống của một số người trong xã hội hiện nay. Tết Nguyên đán đang đến rất gần, thay vì nghe mẹ và bà hào hứng bàn tính chuyện mua sắm cho ngày Tết như năm nào, mình lại nghe thấy rất nhiều tiếng thở dài sau mỗi bản tin về tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm cuối năm đáng báo động.
Bất giác nghĩ về những năm tháng đi xa, mong mỏi biết bao những thức đồ ăn của quê nhà, để rồi hết mực nâng niu, trân quý dù chỉ là một chiếc bánh, một hộp mứt,…Không chỉ là một món đồ ăn, gói ghém trong đó là giá trị tinh thần lớn lao của tình yêu, tình thương, gói cả mùi, cả màu, cả âm thanh đất trời và con người quê hương mà những kẻ đi xa hằng ôm nỗi niềm nhung nhớ. Và hơn cả những giá trị đương thời đó, những thức đồ ngày Tết mang theo một bề dày lịch sử, truyền thống dân tộc, nâng tầm lên thành một giá trị tâm linh.
Mình tự hỏi những người mờ mắt vì chút lợi nhuận mà làm ngơ trước giá trị thực sự của các thức đồ ngày Tết, hay nói rộng hơn là bất chấp sự an toàn của cộng đồng, xem thường giá trị nhân văn, không biết họ nghĩ gì khi làm biến dạng, xấu xí đi những nét văn hoá truyền thống tốt đẹp mà cha ông ta truyền lại?
Không biết họ có nặng lòng chút nào không khi con, cháu họ ngây thơ kể câu chuyện “Sự tích bánh chưng, bánh dày” trong khi họ đang tiếp tay cho thịt bẩn, gạo giả “tung hoành” trên thị trường, “leo” cả lên bàn thờ gia tiên như một sự quay lưng bội bạc với các thế hệ đi trước?
Câu hỏi về đạo đức con người, trách nhiệm với cộng đồng khi đặt lên bàn cân cạnh lợi nhuận và giá trị vật chất ấy cứ quanh quẩn trong tâm trí mình. Nó khiến lòng mình khi thì quặn lên lo sợ trước một thứ ung nhọt, khi thì xót xa như một nỗi nhớ, một vết thương…
Hải Triều