(Baonghean) - Từ ngày có mạng xã hội, không ít người, đặc biệt là lớp trẻ vướng vào cái hội chứng sống ảo trên mạng. Nghĩa là lên mạng khoác cho mình một kiểu sống khác hẳn ở ngoài đời thật và thường là “hoành tráng” hơn ở đời thật gấp bội lần. Nhưng không chỉ có lớp trẻ mà người lớn hẳn hoi cũng đang sống ảo. Có điều không phải ở trên mạng mà ở ngay giữa đời thật.

Hẳn mọi người chưa quên chuyện mới xảy ra cách đây vài hôm. Một cán bộ  hải quan thuộc Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh bị bắt tạm giam cùng hơn 60 phong bì chứa 1 tỉ đồng nghi là tiền nhận hối lộ.

Chuyện đó không khiến nhiều người bất ngờ vì đã quá quen thuộc. Chỉ bất ngờ là trước đó chừng một, hai tháng tại kỳ họp HĐND thành phố, cơ quan chức năng đã hùng hồn tuyên bố là không phát hiện tham ô, tham nhũng hay nhận hối lộ. Thế mà, cái người vừa bị bắt nói trên chỉ trong vòng năm ngày đã có chừng đó tiền bôi trơn. Không nhũng nhiễu doanh nghiệp thì làm sao mà có chừng đó tiền trong thời gian ngắn như vậy.

Dĩ nhiên, không phải một mình anh ta mà chắc hẳn phải có cả một ê kíp thì mới trọt lọt được. Đề cập chuyện này, báo chí không nói rõ người có lượng phong bì “khủng” đó có phải là đảng viên hay không, nhưng cách đây chưa lâu, Tổng cục Hải quan đã phát động 100% tổ chức cơ sở Đảng trong toàn ngành ký cam kết không cán bộ nào tiêu cực, không vi phạm kỷ luật lao động. Ấy vậy mà…

Nhưng ký là một chuyện còn thực hiện hay không là chuyện khác. Thật ra, cái chuyện ký cam kết ở ta đã diễn ra khá phổ biến như cảnh sát giao thông ở một tỉnh ký cam kết là 100% không nhận hối lộ, 100% bác sĩ một bệnh viện cam kết không nhận hoa hồng kê đơn thuốc. Rồi không ít cơ quan, đơn vị cũng tiến hành ký cam kết thế này, thế nọ. Nhưng rồi những chuyện nhiễu nhương, tiêu cực theo kiểu “làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền” vẫn không hề giảm.

Thế mới biết cái sự cam kết đó chỉ thuần túy hình thức, hô hào suông. Là không làm thật. Là ảo. Ấy vậy mà người ta vẫn tiến hành làm vậy, thế nghĩa là người ta vẫn tin cách làm đó sẽ đem lại hiệu quả. Dĩ nhiên là không thể đoan chắc được là người ta tin thật hay cố tình tin là như vậy. Nếu vậy thì không khác gì sống ảo, tin vào những thứ không có thật hoặc biết là không thật nhưng vẫn cố mà tin.

images1442170_bi_m_2.jpgTranh biếm họa, nguồn: Internet

Một kiểu sống ảo thứ hai, cũng đang rất phổ biến trong xã hội ta. Đó là cố tình chạy chọt, xin xỏ hay ngụy tạo thành tích để được ban tặng danh hiệu này, danh hiệu nọ. Để rồi vênh vang trống dong, cờ mở tổ chức lễ đón nhận rùm beng để buộc mọi người phải công nhận là mình hay, mình giỏi.  Mà thực chất là không xứng đáng được như vậy. Thế nên mới có chuyện UBND tỉnh Cà Mau vừa chỉ đạo Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh này dừng đề nghị Bộ Nội vụ khen thưởng cho Sở Tư pháp tỉnh về thành tích cải cách thủ tục hành chính là vì thấy không đúng quy trình và thực chất là không đáng được khen thưởng. Hay chuyện hàng trăm học sinh vì nghèo khó phải bỏ học mưu sinh nhưng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng vẫn hùng hồn báo cáo thị xã có đến 99% trẻ em đến trường để được khen thưởng.

Nhưng đó là những chuyện ảo tưởng lẻ tẻ. Cái thứ ảo to lớn, rộng khắp hơn mà ai ai cũng thấy đó là nhiều thôn, xóm, khu phố treo biển làng, khu phố văn hóa nhưng tệ nạn xã hội vẫn diễn ra từng ngày, cuộc sống người dân luôn bất an với nạn buôn bán ma túy, mại dâm, côn đồ, đâm chém, cướp giật...Người ta nghĩ chỉ việc gắn vào một tấm biển thế là thành ra con người, khu phố, làng, xóm văn hóa và dương dương tự đắc với cái danh hiệu đó. Cả nước có 22 triệu gia đình thì có đến 19 triệu hộ đạt chuẩn văn hóa vậy là nước ta gần đạt chuẩn nước văn hóa. Thế mà nhìn rộng ra xã hội thử xem, không giây phút nào mà không có những chuyện, những việc phản văn hóa. Mà như lời ông Phó Thủ tướng phục trách lĩnh vực này thì “đời sống văn hóa còn rất nhiều vấn đề, đạo đức xã hội, nếp sống văn minh còn nhiều chuyện nhức nhối...”.

Như thế đủ biết thực chất của cái danh hiệu văn hóa đó là như thế nào. Thật ra, không chỉ ở lĩnh vực văn hóa mà còn ở không ít lĩnh vực khác người ta cứ thoải mái phong tặng cho nhau những danh hiệu xuất sắc, tiêu biểu, trong sạch, vững mạnh… nhưng khi xảy ra chuyện thì mới biết là không sạch, không mạnh. Nhưng rồi không thấy ai rút kinh nghiệm mà hằng năm vẫn cứ diễn đều đều. Người trao tươi cười, phấn khởi người nhận cũng phấn khởi tươi cười, không một chút ngượng ngập cứ như là họ thật sự xứng đáng vậy. Mà có khi là họ nghĩ thật sự xứng đáng được như vậy thật.

Rõ ra là không ít nơi, không ít người  đang sống ảo ở ngay trong đời thật.

                                                                                                                                                    Bụt Sơn

TIN LIÊN QUAN