(Baonghean) - Lâu nay, gia đình bác Vi Quang Phùng ở bản Nhẵn, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương được bà con trong bản gọi với cái tên trìu mến là “gia đình của những người siêng” hay “gia đình gương mẫu”, tất cả mọi người trong gia đình đều là những tấm gương sáng để bà con dân bản làm theo.
 
Đang là mùa khô, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương - vùng đất được xem là “chảo rang Đông Dương” cũng bắt đầu bước vào những ngày tháng nắng nóng. Dòng sông Lam trước đây cạn rốc vào mùa khô nay đã trở thành lòng hồ Thủy điện Khe Bố, nước trong xanh, cùng với những cánh rừng ven sông và Quốc lộ 7 vẽ nên một bức tranh thủy mặc mà không phải vùng đất nào cũng có được. Đang mải mê ngắm nhìn cảnh vật ở bản Nhẵn, chúng tôi tò mò khi thấy một người đàn ông tuổi lục tuần đang tẩn mẩn lấy từng nắm rau cho cá ăn trong hệ thống lồng sắt ở dưới mép sông Lam. Ông là Vi Quang Phùng, năm nay 64 tuổi, nguyên là Phó Chủ tịch MTTQ huyện Tương Dương - một đảng viên gương mẫu, quyết tâm mang cá lồng ngược ngàn để tìm hướng thoát nghèo cho bà con dân bản. 
images956815_a5_b_c_vi_quang_ph_ng_dang_ki_m_tra_c_c_l_ng_c__tr_n_s_ng_lam.jpgBác Vi Quang Phùng kiểm tra lồng cá trên sông Lam.
 
Giọng nói sang sảng, chậm rãi theo đúng chất của đồng bào Thái, ông Phùng tâm sự, trong những ngày làm cán bộ mặt trận ở huyện, ông cùng anh em được đi rất nhiều nơi, tham quan, học hỏi nhiều mô hình kinh tế hay, nhưng với suy nghĩ của một người con dân tộc Thái “nếu muốn người khác làm theo thì mình phải làm trước đã”, chính vì vậy, những ngày trước khi về hưu, ông luôn ấp ủ phải làm một điều gì đó để biến thành mô hình cho dân học theo. Cách đây ít năm, ông đi công tác ở tỉnh Quảng Ninh, thấy nhiều gia đình ở đây thành công với nghề nuôi cá lồng nước ngọt, nghĩ đến hình ảnh dòng sông Lam chảy ngay trước nhà mình sẽ biến thành biển nước mênh mông khi Nhà máy Thủy điện Khe Bố tích nước, ông nghĩ tới việc sẽ áp dụng mô hình này cho bà con. Sau khi nhận quyết định nghỉ hưu, ông cố gắng đọc thêm sách, báo nói về nghề nuôi cá lồng và chuẩn bị để chờ đợi nhà máy thủy điện tích nước.
 
Trong thời gian này, ông thuê thợ cơ khí chế tạo 5 chiếc lồng sắt cỡ lớn bằng thép, đồng thời đặt mua loại lưới chuyên dụng của Khoa Nông - Lâm - Ngư, Trường Đại học Vinh. Mặc dù việc chế tạo lồng nuôi cá đã hoàn thành cách đây hơn 1 năm nhưng ông chưa nuôi cá ngay mà phải chờ đợi để các loại mùn hữu cơ, các loại lá cây phân hủy lắng xuống rồi mới đưa lồng cá xuống nước, bắt đầu nuôi cá. 5 chiếc lồng được ông phân chia 2 chiếc cho đứa cháu ruột nhà ở sát mép sông và chia cho người anh của mình 1 lồng với mục tiêu để những người này biết được kỹ thuật nuôi cá mới và làm gương cho các gia đình khác trong bản. Đầu năm 2014, được sự giúp đỡ của các cán bộ phòng Nông nghiệp huyện, họ quyết định thả cá trắm giống. Sự kiện này đối với bà con bản Nhẵn là một điều hết sức bất ngờ, bởi lâu nay, những người dân sống cạnh sông Lam của bản chỉ biết dùng lưới hay dùng kích điện bắt cá về bán chứ không thấy ai đóng lồng nuôi cá trên sông bao giờ.
Cụ ông Vi Văn Tưởng (102 tuổi) - cụ bà Kha Thị Ấn (97 tuổi) vẫn hăng say làm việc nhà.
 
Từ ngày thả cá giống, đều đặn vào buổi sáng và chiều, ông Phùng và các thành viên khác trong gia đình thay nhau cho cá ăn, kiểm tra các lồng cá. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, đến nay, các lồng cá đều phát triển rất tốt, chắc chắn sẽ mang lại thu nhập trong thời gian tới. Mô hình nuôi cá lồng trên sông Lam của ông được UBND huyện Tương Dương hết sức ủng hộ. Đồng chí Trịnh Minh Châu, Chủ tịch UBND huyện nhiều lần đến kiểm tra, tìm hiểu và mời các đoàn công tác của Sở NN&PTNT đến giúp đỡ ông Phùng, đồng thời xem đây là một hướng đi mới cho bà con vùng lòng hồ thủy điện.
 
Nếu như ông Phùng say sưa với mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện thì bà Lộc Thị Bình, vợ của ông cũng là người tiên phong trong các mô hình trồng rau sạch. Bà Bình là người nổi tiếng giỏi dang của xã Thạch Giám, được học hành bài bản và giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Thạch Giám 9 năm liền cho đến khi về hưu, từng được vinh danh là tấm gương tiêu biểu trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của huyện Tương Dương. Khi đang còn công tác, bà Bình rất say sưa và trăn trở trong việc tìm hướng đi cho người dân thoát nghèo. Khi xã Thạch Giám được Trường Đại học Vinh và một số cơ quan khác hỗ trợ mô hình, hỗ trợ kỹ thuật trồng rau sạch, bà đã vận động bà con trong xã phải tích cực trồng rau, cố gắng xây dựng nên thương hiệu rau sạch Thạch Giám ở huyện Tương Dương.
 
Năm 2012, được nghỉ hưu, các diện tích đất rẫy bằng phẳng được bà cải tạo để trồng các loại rau như cải, cà chua, đậu, cà. Được chăm bón đúng cách, các vườn rau đều cho năng suất cao. Khi trồng được rau, bà không ngần ngại kê một chiếc bàn ngay trước cửa nhà để bán cho những người có nhu cầu. Rau sản xuất đến đâu bán hết đến đó vì mọi người đều biết rõ đây là rau sạch, được trồng theo đúng kỹ thuật mà các nhà khoa học chuyển giao. Từ việc làm của bà Bình, nhiều hộ dân khác trong bản cũng mạnh dạn làm theo, trồng rau trên đất rẫy và sát mép sông. Đến nay, rau sạch Thạch Giám đã có tiếng ở Tương Dương và Kỳ Sơn. Nhiều gia đình ở Thành phố Vinh cũng đặt hàng theo xe khách gửi xuống để sử dụng. 
 
Sau những lời tâm sự mộc mạc, chân thành trên bờ sông Lam, hai vợ chồng ông Phùng mời chúng tôi lên nhà uống nước. Trong căn nhà sàn khang trang sát Quốc lộ 7, chúng tôi bất ngờ khi được ông Phùng giới thiệu bố mẹ mình đang ngồi phẻ ngô trước hiên. Cụ ông Vi Văn Tưởng năm nay đã 102 tuổi, cụ bà Kha Thị Ấn cũng đã 97 tuổi. Cụ Tưởng được bầu là già làng uy tín của bản Nhẵn, dịp Tết 2014, cụ được đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh gửi thư và quà chúc thọ. Dù tuổi đã cao nhưng hai cụ rất minh mẫn. Hàng tuần, cụ Tưởng vẫn đều đặn nhờ người đưa qua sông, mang các tờ báo Nhân Dân, báo Nghệ An cũng như các tạp chí của Đảng sang cho con cháu và người dân ở bên kia sông đọc và học tập. 
 
Nói về gia đình ông Vi Quang Phùng, ông Lô Văn Thịnh, Trưởng bản Nhẵn cho biết, khi thấy hai vợ chồng đảng viên Vi Quang Phùng - Lộc Thị Bình dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn hăng say làm kinh tế, đã có rất nhiều người dân trong bản cũng học và làm theo. Trong các buổi họp dân, chúng tôi luôn nêu cách làm của gia đình ông Phùng, xem đó là tấm gương, là động lực giúp bà con dân bản làm theo. Nhiều người trong bản còn gọi nhà ông Phùng là “gia đình của những người siêng năng”, “gia đình đảng viên gương mẫu”,… 
 
Chia tay đại gia đình ông Vi Quang Phùng khi mặt trời đã xuống núi, những làn khói bếp bảng lảng bay lên bên các nhà sàn cạnh mép sông, chúng tôi nhớ lại lời tâm sự của hai vợ chồng ông, rằng với điều kiện lương hưu và kinh tế gia đình hiện có thì ông bà không cần phải quá vất vả, lao lực để nuôi 2 con ăn học nhưng mình là đảng viên, phải làm việc, phải noi gương cho bà con dân bản thoát nghèo. Khi mình làm mô hình và thành công thì nhiều người trong bản nói với nhau rằng “gia đình đảng viên Phùng dù đã có lương hưu của Nhà nước nhưng vẫn đi trồng rừng, nuôi bò, nuôi cá, trồng rau mang bán nên bà con ta cũng phải cố gắng mà làm theo”.
 
Bài, ảnh: Nguyên Khoa