(Baonghean) - Đêm, cả nhà mế Quang Thị Nguyệt ở bản Diềm Bày, xã Châu Quang (Quỳ Hợp) vẫn mải mê với thổ cẩm, người bên khung cửi, người quay sợi... Thi thoảng, mế Nguyệt lại chép miệng: "Trước đây, cả bản làm thổ cẩm đông vui lắm, giờ bị mai một, mế thấy buồn lòng quá…”.
 
 Trước đây, vào mùa dâu, ở Diềm Bày, cánh đồng bao la dâu xanh tốt, nhà nhà trồng dâu nuôi tằm, lấy kén. Ngày tằm nhả tơ, nhà này nhà kia đến xem, rộn ràng nói cười, hẹn nhau ngày đi chợ Đồng Nại ở xã Châu Quang, bán thổ cẩm. Các mặt hàng bà con làm ra chủ yếu là khăn quàng cổ, quần áo và vỏ chăn, bản lúc nào cũng thắm sắc màu thổ cẩm trong nhà, ngoài hiên, nhất là mùa hè. Thấy bà con đam mê với nghề, xã Châu Quang xây dựng bản Diềm Bày thành mô hình trồng dâu nuôi tằm, dệt thổ cẩm, và chuyển đổi một số diện tích đất trồng màu sang trồng dâu, mua một số máy kéo tơ. Bà con phấn khởi lắm. Nhưng một thời gian, công lao bỏ ra quá lớn, công việc quá vất vả, tỉ mẩn mà hiệu quả kinh tế lại thấp, thổ cẩm làm ra không có nguồn tiêu thụ nên dần dần cũng mai một. Mế Nguyệt vừa kể chuyện vừa đưa cặp mắt nhìn ra phía đồi cao trước mặt: "Từ khi bà con không trồng dâu nuôi tằm thì đường đi về phía dãy núi ấy cũng vắng dần bước chân. Khi xưa, sáng tối dân bản chăm lo cái nương dâu nhà mình...”. 
 
images956741_4a.jpgEm Sầm Thị Lê nối nghề dệt thổ cẩm của gia đình.
 
Cả bản Diềm Bày trước những năm 2009, luôn kẽo kẹt tiếng canh cửi đêm ngày, hễ bà con rảnh rỗi khi mô là bắt tay dệt thổ cẩm khi đó. Nhà nào cũng có một cái khung dệt. Không kể già trẻ, gái trai, ai cũng yêu nghề canh cửi. Người Thái ở Diềm Bày rất cầu kỳ trong mỗi sản phẩm của mình. Nên khi thấy nghề thổ cẩm dần mai một, mế Nguyệt rất buồn. Ông Sầm Quốc Văn (chồng mế) biết vợ yêu nghề dệt từ khi còn là con gái, ông động viên vợ, đêm đêm vợ chồng lại ngồi quấn sợi, dệt thổ cẩm. Mùa dâu đến, dân bản trồng lúa, ngô thì vợ chồng ông trồng dâu. Rồi cả 4 người con trai, gái của mế Nguyệt cũng tham gia những lúc rảnh rỗi. Mế được xem là người dệt giỏi giang, bàn tay khéo léo và yêu nghề dệt, mế lúc nào cũng trăn trở tìm cách để bảo tồn và phát triển nghề trên đất Diềm Bày. Mế còn hướng dẫn thiếu nữ Thái ở bản cách phối màu sắc và cách nhuộm màu như thế nào là đẹp. 
 
"Bây giờ ở bản, còn bao nhiêu người dệt thổ cẩm hả mế?", tôi hỏi. "Không nhiều, khoảng độ gần chục nhà thôi. Cũng như mế, làm để  phục vụ gia đình mình, ai mua thì bán hoặc một tháng đến chợ đôi ba lần. Ở Châu Quang, có chợ Đồng Nại, một tuần có 2 phiên, chợ sát đường 48, nhiều người ghé, khách ở Thị trấn Thung Mây lên, khách Quế Phong xuống, rồi khách quanh vùng. Có hôm chợ đông, bán được gần 1 triệu đồng, chủ yếu người mua vỏ chăn,  thi thoảng có khách miền xuôi đi qua ghé vào mua vỏ chăn, vỏ gối. Thấy vẫn còn có người yêu sản phẩm thổ cẩm Diềm Bày, mế vui lắm!". 
 
Mế Nguyệt cho biết thêm: "Phụ nữ Diềm Bày từ thời xa xưa luôn đề cao đôi tay dệt thổ cẩm của mình và cũng là nét đẹp truyền thống của người phụ nữ nơi đây. Nhà nào có con gái đều phải biết dệt thổ cẩm, tự tay dệt cho mình những trang phục mặc hàng ngày và đặc biệt trước khi về nhà chồng phải có những bộ váy, áo, khăn thật đẹp, thêm nữa là vỏ chăn, gối cũng từ đôi tay mình làm nên. Vì vậy, mế không muốn làm mất đi nét đẹp truyền thống này!”. Nói rồi, mế dắt tôi vào buồng cho xem nào khăn, vỏ chăn, váy áo… Trời vẫn còn chìm trong màn đêm, tôi trở giấc vẫn thấy tiếng kẽo kẹt bên khung cửi...
 
Đến giờ, dẫu nghề thổ cẩm Diềm Bày đang dần mai một, mế Nguyệt vẫn tin và ước mơ sẽ có một ngày, nghề thổ cẩm được khôi phục. Diềm Bày lại rộn rã tiếng thoi đưa!
 
Thu Hương