(Baonghean) -Là điểm cuối cùng của cực Tây Bắc Nghệ An, Quế Phong mang trong mình đầy đủ những đặc trưng của miền sơn cước hữu tình. Cảnh sắc hiền hòa mà hùng vĩ, con người giản dị thân thiện, ẩm thực độc đáo đầy bản sắc… Tất cả ẩn chứa tiềm năng du lịch đang chờ khai phá.
Từ trung tâm Thành phố Vinh, bắt chuyến xe khách bất kỳ chạy tuyến Vinh - Quế Phong, chỉ non dăm tiếng đồng hồ cho hơn 200 km, chúng tôi đã có mặt tại Thị trấn Kim Sơn (Quế Phong). Như bao thị trấn vùng cao khác, Thị trấn Kim Sơn hút khách bằng sự mộc mạc, chân chất và thân thiện với những mái nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Đang chính mùa măng đắng, hai bên lề đường dọc từ chợ thị trấn lên, các bà, các chị ngồi bên sạp măng cao ngất nghểu, đon đả mời chào. Thứ đặc sản núi rừng nhân nhẩn đắng mà ngọt hậu ấy đã trở thành thức quà không thể thiếu trong hành trình về xuôi của nhiều người.
Ẩn trong lớp vỏ xù xì, chỉ mọc trong những khóm rừng sâu thẳm, mấy ai ngờ rằng, thứ thực phẩm cứu đói một thời của hàng ngàn đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện, giờ đây lại chính là món ăn thời thượng trên nhiều bàn tiệc của người dân thành thị. Anh bạn tôi - dân “phượt” chính hiệu đã từng bụi bặm khắp trong Nam ngoài Bắc, thủng thẳng nhận xét về Quế Phong trong ngày đầu tiên vừa chạm đất: “Quế Phong là địa danh đáng đến! Có nhiều thứ thỏa mãn tất cả giác quan của khách du lịch: cảnh đẹp, không khí trong lành, món ăn ngon, người dân thân thiện.” Nhận xét ấy của một người du lịch chuyên nghiệp, hẳn cũng làm ấm lòng những người yêu mảnh đất nơi địa đầu xứ Nghệ, với những ngọn núi, dòng sông là khởi nguồn của biết bao huyền thoại lung linh trong tâm thức đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Vẫn là huyện nằm trong danh sách những huyện nghèo của tỉnh, nhưng không vì thế mà cảnh sắc và con người Quế Phong trở nên cằn cỗi, khô cứng. Trái lại, thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất này vẻ đẹp đến diệu kỳ của sự hùng vĩ, mê hoặc từ những cánh rừng nguyên sinh, những dòng sông thơ mộng và cuộc sống bình yên của biết bao đồng bào dân tộc Thái, Thổ, Kinh, Khơ Mú, H’Mông dọc bên bờ sông Chu hiền hòa.
Bằng xe máy, chúng tôi ngao du qua những đường đèo lộng gió, mỗi lần qua khúc ngoặt khuỷu tay, thay vì cảm xúc sợ hãi, rợn ngợp là niềm thích thú. Từng cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, tráng lệ lần lượt hiện ra như cuốn phim quay chậm: ngay từ vùng ngoại vi huyện Quế Phong, một thung lũng Châu Kim rộng lớn và trù phú, là vựa lúa óng ả mùa nắng mới, những guồng quay nước đặc trưng trên bờ ruộng chở phù sa vào các cánh đồng… Anh bạn đi cùng bất giác thốt lên: “Không ngờ ở nơi địa đầu xứ Nghệ mình lại có cảnh sắc tuyệt vời như vậy! Không hề thua kém gì Mộc Châu, Sơn La, Sapa… Cũng ruộng bậc thang, cũng đồng lúa trĩu, cũng núi non hùng vĩ, thậm chí còn có “chất” Nghệ riêng, rất ấn tượng!”
“Chất” Nghệ gây ấn tượng mạnh mẽ ấy, chính là những người dân mặn mà, hồn hậu mà chúng tôi đã có may mắn được gặp gỡ, trò chuyện trên suốt dặm trường khám phá của mình. Với trên 80% dân số là đồng bào dân tộc Thái, những nếp nhà sàn bình yên như chứa đựng tất cả những gì thân thiện, gần gũi và hiếu khách nhất của đồng bào. Nếu mải mê ngắm cảnh mà nhỡ bữa dọc đường, thể nào cũng tìm được một ngôi nhà rộng cửa, sẵn lòng đón khách lạ phương xa, với đủ đầy những sản vật thơm ngon nhất của gia chủ. Đồng bào dân tộc Thái hiếu khách vô cùng, bếp lửa nhà sàn dường như không bao giờ tắt, phải chăng như một cách gợi mở nơi chốn ấm áp và thân thương cho những người xứ lạ nhỡ đường, như ánh sáng của nghĩa tình đồng bào? Không biết vì lý do gì, mà ở Quế Phong, người ta dễ tìm thấy sự bình an và gần gũi, cái “chất” riêng có ấy chính là tiềm năng du lịch chứ đâu xa.
Đến đất Quế mà không ghé thăm được 1 trong 4 ngọn thác nổi tiếng: thác Tả Pấng, thác Xao Va, thác 9 tầng và thác Hữu Văn thì hẳn chưa thấm hết những điều kỳ diệu của thiên nhiên. Trong đó, thác Xao Va nức tiếng gần xa cũng bởi sự hùng vĩ và hoang sơ. Đường đến các điểm thác không còn xa ngái và khó khăn như chục năm về trước. Nay, đường nhựa phẳng lì và đường bê tông kiên cố trải dài đến tận chân thác, ô tô chở khách vào tận nơi. Thác Xao Va, hay còn gọi là thác “hai mươi sải” có thể bất chấp sự so sánh với những thác nước nổi tiếng khác như thác Camly (Đà Lạt), thác Bản Giốc (Cao Bằng)… Tự thân Xao Va có vẻ đẹp riêng, ẩn chứa truyền thuyết về các tiên nữ - con vua Thủy Tề thường hay tắm mỗi khi hạ giới. Đồng bào dân tộc Thái quan niệm rằng, các đồng nam không được tắm dưới suối tiên Xao Va, bởi như thế là phạm húy.
Truyền thuyết ấy, cũng như biết bao truyền thuyết khác, ẩn chứa màu sắc huyễn hoặc, hư ảo của lịch sử và dân gian. Chẳng biết đúng hay sai, chỉ có một điều chắc chắn rằng, vào mùa hè, thác Xao Va ào ào cuộn chảy và sải dài trắng xóa tựa như mái tóc thần tiên, mềm mại như dải lụa trữ tình. Dưới chân thác là hồ nước rộng ngót ngét 800 m2, độ sâu khó lường tính được. Dân gian cho rằng, hồ sâu khoảng 30m, nghĩa là độ hai mươi sải tay, ấy chính là giải nghĩa cho cách gọi dân giã - thác “hai mươi sải”. Đang vào thời điểm giao mùa, ánh nắng lấp lánh xiên xuống dòng nước bạc, tiếng rì rầm không ngừng nghỉ của dòng thác và không gian trong lành, tĩnh lặng của núi rừng bao quanh hội tụ tất cả những linh khí đất trời sông núi, dễ làm xao lòng khách phương xa.
Từ thác Xao Va, có thể làm một “tour” xuyên đất Quế, ngược lên núi Pú Pỏm linh thiêng, thăm đền Chín Gian huyền thoại - nơi khởi nguồn của những truyền thuyết trong tâm thức đồng bào dân tộc Thái miền Tây xứ Nghệ. Con số 9 biểu tượng cho 9 bản 10 mường đoàn kết, gắn bó bên nhau chống chọi với thiên nhiên, đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ dải biên thùy Tổ quốc. Dưới mái nhà sàn cổ kính, người giữ đền kể cho chúng tôi nghe truyền thuyết về đền Chín Gian: được xây dựng từ thế kỷ XIV, đền Chín Gian là nơi hướng về tâm linh với Thẻn Phà (ông Trời), Náng Xí Đả (con gái Trời) và Tạo Ló Ỳ- người có công mở đất khai mường. Đền còn có tên gọi là đền hiến trâu, bởi hàng năm vào đầu xuân, đồng bào dân tộc Thái khắp 9 bản 10 mường đều tề tựu dưới mái đền Chín Gian, tổ chức lễ hiến trâu trọng thể, cầu quốc thái dân an, mùa màng bội thu. Những năm gần đây, chính quyền huyện quan tâm phục dựng lại Lễ hội Đền Chín Gian quy mô, hoành tráng, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân, đồng thời cũng mang lại nét hấp dẫn cho hành trình khám phá của du khách thập phương.
Anh bạn chuyên gia du lịch bụi bật mí, nhiều trang web du lịch nổi tiếng, nhiều chuyên mục chia sẻ điểm đến lý thú trên mạng internet đã nhắc đến địa danh Quế Phong với tất cả niềm yêu thích và trân trọng. Cảnh sắc hùng vĩ, nguyên sơ của núi rừng đất Quế thực sự là tiềm năng du lịch lớn lao. Đã có “vốn”, điều cần thiết còn lại là việc dành cho các nhà quy hoạch: làm thế nào để đánh thức được những tiềm năng ấy, để chúng không rơi vào quên lãng, không chịu chung số phận hẩm hiu với vô vàn danh lam thắng cảnh khác trên khắp đất nước? Phải phát triển du lịch theo chiều sâu, đồng nghĩa với việc tìm được các sản phẩm du lịch hấp dẫn. Những người yêu mến du lịch xứ Nghệ hẳn còn nhớ đến Nghị quyết 05- NQ/TƯ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Khóa XVII) về phát triển du lịch Nghệ An giai đoạn 2011- 2020 và chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2011- 2015 của UBND tỉnh Nghệ An, trong đó xác định, đến năm 2015, Nghệ An sẽ trở thành trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung bộ. Với phương châm “lấy giá trị văn hóa để tạo sự khác biệt, lấy môi trường sinh thái để phát triển bền vững”, hy vọng một ngày không xa, những “nàng công chúa ngủ trong rừng” Quế Phong sẽ được đánh thức bằng những chuyến trải nghiệm, khám phá lịch thiệp của du khách thập phương.
Phương Chi