(Baonghean) - Người dân ở Pù Duộc, Pù Khón thuộc xã Đồng Văn (Quế Phong) và Yên Luốm, Diềm Bày, Châu Quang (Quỳ Hợp) thì nước còn quý hơn cả vàng. Dân hàng ngày vẫn sống chung với nguồn nước có màu đen xám ấy...
Chúng tôi đặt chân đến bản Pù Duộc, xã Đồng Văn (Quế Phong) trời mưa dầm dề, những con đường đất trơn khiến bánh xe của bác xe lai phải đi chậm lại. Điều tôi thấy đầu tiên là nhà nào cũng cũng lấy các chậu thau, nồi để một hàng dài trước nhà. Bác xe lai người Thái bản Pù Duộc bảo: "Bà con hứng nước mưa để ăn, nước ở đây hiếm lắm, mà trời có mưa lớn mô, cứ dầm dề ri thôi. Mấy ngày gom lại được một xô nước. Ở vùng cao khi đã nắng thì nóng lắm, khe suối cũng cạn, nước suối cũng nỏ có mà dùng"!
Trưởng bản Páo từ ngày ra bản mới chưa được phân chia đất sản xuất, ông mua chiếc xe máy Tàu, rảnh rỗi ông lại ra ngã ba đường xã Đồng Văn ngồi chờ khách, ai thuê đi đâu thì chở, ngày cũng kiếm được dăm ba chục ngàn đồng. Nghề chính là đi đào sâm và thả cá ở lòng hồ. Nói đến chuyện nước sinh hoạt của bà con dân bản Pù Duộc, Trưởng bản Páo buồn buồn kể: “Mấy tháng nay cái bể chứa nước sinh hoạt Dự án Thủy điện Hủa Na xây chứa nước phục vụ 2 bản Pù Duộc và Pù Khón xuống cấp nặng quá rồi. Bà con phải thay phiên nhau đi lấy đất sét về khắc phục sự cố mới có nước ăn”.
Tôi theo Trưởng bản Páo lên chỗ bể nước. Nhóm thì đi gùi đất, nhóm nhồi đất, trông thật vất vả. Ông Lang Văn Cầu đang vừa gùi đất về, mồ hôi chảy dài trên mặt, lưng áo, ông nói: "Cứ một tuần ba phiên bà con thay nhau đi gùi đất ri đây, phải lên tận chân đồi phía trong lòng hồ bản Piềng Văn (cách gần 2 cây số) mới lấy được đất sét, đất ở đó mới nhuyễn. Nhiều lần bà con cũng đã đề xuất với Ban Quản lý Dự án Thủy điện Hủa Na, mà chưa thấy họ khắc phục chi cả? Bể hỏng, đường dẫn nước về cũng hỏng, những gia đình không có tiền mua ống nhựa dẫn nước từ bể về thì xuống khe xa tắm giặt rồi gánh nước về ăn uống". Trên đường từ Pù Duộc ra, tôi bắt gặp một nhóm học sinh cấp 1 lem luốc bên vai đeo chiếc cặp màu thổ cẩm, sau lưng gùi can nước.
Một ngày ở Pù Duộc, Pù Khón chúng tôi không chỉ chứng kiến cảnh bà con dân bản nơi đây khát khao nguồn nước mà còn thấy rõ nguy cơ đói nghèo bởi từ ngày ra bản mới đến nay, bà con vẫn chưa có đất để sản xuất, họ phải đi đào sâm, hái lượm để sống qua ngày. Nhiều gia đình phải nhịn ăn, một ngày chỉ được ăn một bữa cơm. Sắn trước vườn nhà vừa mới trồng mà ai ai cũng háo hức, chờ đợi ngày ra củ.
Chia tay Pù Duộc trời ngả về chiều. Chúng tôi tiếp tục về một vùng đất khát khác. Mế Hủn Chương (63 tuổi), ở bản Yên Luốm, xã Châu Quang (Quỳ Hợp) chân trần đang gùi nước về bản. Đi sau mế là mấy con trẻ lên 9 lên 10 cùng người lớn đẩy nước, những bước chân mệt mỏi. Mế Chương bảo: "Nhà không có phải đi ra tận xóm bãi xin nước về ăn. Ngoài nớ mới đào được giếng, ở bản mế đào giếng rồi cho máy khoan cũng không có nước. Mỗi lần đi xin nước gần 2 cây số, phải đi thật sớm, đi muộn bà con đến xin nước đông lắm, phải chờ lâu".
Đến nhà Trưởng bản Yên Luốm Nguyễn Văn Thanh vừa lúc ông vừa đi lấy nước về. Sau xe đạp của ông chất đầy 4 thùng nước, mồ hôi nhễ nhại trên trán và lưng áo. Ông vừa nói vừa thở: "Không riêng chi bản Yên Luốm phải sống trong cảnh nhà không giếng, khe suối bị ô nhiễm nặng. Nhiều gia đình xã Châu Quang đều chịu chung cảnh này. Yên Luốm có trên 100 hộ, thì trên 80 hộ không có giếng. 20 hộ có giếng là dân sống ở ngoài vùng đất bãi. Nhà nào đi xin nước gần cũng hơn nửa cây số, xa khoảng độ hơn 1 cây đến 2 cây. 20 cái giếng này về mùa hè không đủ nước sinh hoạt cho cả bản. Mùa hè chủ yếu xin về dùng để nấu cơm và uống, còn tắm giặt ra khe. Nhiều hôm tắm về người người ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ nhưng không tắm thì cũng phải ra giặt giũ, quần áo khi mặc vào ngứa lắm…”.
Trưởng bản Thanh còn bảo: Trước những năm 1975, dòng khe Yên Luốm nước trong vắt, nhìn rõ từng đàn cá, tôm tung tăng bơi lội dưới mặt nước sâu. Bà con thường nhắc nhở bảo ban nhau giữ nguồn nước luôn sạch sẽ, không vứt rác thải ra khe suối. Mỗi tuần một lần, bà con dân bản đem rác lên đồi, đào một cái hố để đốt rác, coi nước như giữ mạng sống của bản thân mình. Theo thời gian, khe suối ngày một đục dần, bà con mới đào giếng. Giếng đào không được phải đi xin nước ở xóm bãi.
Phó Chủ tịch UBND xã Châu Quang Hủn Vi Thạy, khi nói về nguồn nước của Yên Luốm, cũng chẳng khác nào Trưởng bản Thanh và bà con dân bản. Giọng ông buồn buồn: “Nguồn nước nan giải nhất tập trung ở Diềm Bày và Yên Luốm, không thể đào được giếng, bà con phải sống trong cảnh thiếu nước trầm trọng. Dòng suối Yên Luốm ô nhiễm nặng, có màu đem xám, nhiều rác thải và thi thoảng có có xác động vật trôi về. Năm 2011, xã Châu Quang được hưởng lợi dự án đường nước sạch từ Nhà máy nước của huyện Quỳ Hợp về đến bản Yên Luốm, nhưng chưa có đường dẫn nước về đến tận mỗi hộ dân. Cuối năm 2011, xã Châu Quang trích ngân sách địa phương trên 200 triệu đồng lắp đặt đường ống dẫn nước về đến từng hộ dân bản Yên Luốm. Niềm vui chưa được bao lâu, tháng 8/2013, do trận lụt làm cuốn trôi gần hết đường ống, bà con lại phải quay về dùng nguồn nước khe suối và tiếp tục đi xin nước...".
Mùa hè đang đến gần, nắng nóng sẽ kéo dài, liệu bà con các bản Pù Duộc, Pù Khón xã Đồng Văn có đủ sức vượt qua? Liệu 20 giếng nước đất bãi có đủ nguồn nước phục vụ cho Yên Luốm và một số hộ dân bản Diềm Bày khi mùa nắng nóng đang đến?
Bài, ảnh: Thu Hương