Giờ đã ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy", nhưng với ông Lê Minh Thưởng (xóm 2, Nghi Thịnh, Nghi Lộc) thì những năm tháng làm cận vệ cho Bác mãi không phai mờ. Với ông, hơn 10 năm sống cạnh Người là khoảng thời gian quý báu nhất trong cuộc đời...
Sinh năm 1940 tại Nghi Thịnh (Nghi Lộc) trong một gia đình có bố là đảng viên, anh trai là liệt sỹ từ thời kháng chiến chống Pháp. Học xong phổ thông, ông Thưởng xin đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự nhưng không trúng, sau đó, ông được cử đi học lớp cảnh vệ Trường C500 của Bộ Công an. Với thành tích cao trong học tập, nhanh nhẹn, mưu trí, dũng cảm, sau khi học xong, ông Lê Minh Thưởng được cử về đội cảnh vệ trực tiếp bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến ngày Người qua đời.
Lần đầu tiên được bảo vệ Bác đi bộ, ông Thưởng được Bác dạy rằng: "Cùng đi thì phải nói chuyện, làm như vậy quãng đường sẽ ngắn lại. Việc gì biết thì nói, việc nào không biết thì phải hỏi, đừng giấu, im lặng làm thinh. Hiểu cái gì nói cho mọi người nghe. Im lặng có thể là dốt hoặc tự kiêu...". Vì thế, mỗi khi đi bộ, làm vườn hay chơi thể thao, ông Thưởng luôn tranh thủ hỏi Bác bất cứ điều gì mình chưa hiểu và đều được Bác ân cần giải thích.
Ông Lê Minh Thưởng kể chuyện về Bác
Ông Thưởng nhớ có một lần, Bác cùng mọi người đi dạo. Khi ra đến ao cá, Bác nói với mọi người là muốn thử giọng nên bảo ông lên đứng ở cầu cách 100m nghe xem Bác nói có rõ không. Sau đó, Bác đọc 2 câu Chinh Phụ Ngâm: "Đưa chàng lòng dằng dặc buồn. Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền". Nhưng lúc đó, ông lại nghe rõ Bác đọc là: "Thủy khôn bằng ngựa, bộ khôn bằng thuyền".
Đọc xong Bác hỏi: "Cháu có nghe rõ không?", ông đáp: "Thưa Bác, cháu nghe rất rõ, nhưng cháu nghĩ "thuyền" mà chọn "bộ", "ngựa" mà chọn "thủy" thì không ổn ạ". Ông vừa trả lời xong thì Bác liền cười và nói: "Đúng, đúng, thế là cháu nghe rõ thật". Rồi Bác nói với mấy anh em: "Đó là tính trung thực. Các cháu cần phát huy đức tính ấy. Nhất là khi phục vụ nhân dân".
Lần khác là Tết năm 1965, Bác Hồ đi chúc Tết ở Phả Lại về qua phà, thấy người dân đi chúc tết về phà ngược chiều, Bác đã ra lan can đứng chào nhân dân. Thấy Bác tất cả reo hò, không ít người còn nhảy xuống bơi sang dù hôm đó trời rét như cắt. Bác bảo lính cảnh vệ phải cho dừng phà đón họ lên và Bác đến ôm hôn từng người.
Sau khi Bác mất, ông được điều về công tác ở Cục Cảnh sát nhân dân, sau đó đi học chuyên tu. Năm 1980, ông được chuyển về Công an Nghệ Tĩnh với chức vụ Đội trưởng đội săn bắt cướp. Trên cương vị này ông đã cùng đồng đội lập nhiều chiến công như bắt gọn nhóm tội phạm do Toọng (Trương Hiền), Sáu Côi... cầm đầu nổi tiếng liều lĩnh một thời ở đất thành Vinh.
Với những chiến công đó, ông vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều huân huy chương khác. Nhưng với ông, phần thưởng cao quý nhất là tấm huy hiệu Bác tặng ông năm 1969 và tấm ảnh ông chụp chung với Bác cùng các vị ủy viên Bộ Chính trị. Ông xem đó là báu vật của đời mình, luôn nâng niu và trân trọng.