(Baonghean) - Ngày 03/6/2011 (02/5 năm Tân Mão), trên ngọn Động Tranh của dãy Đại Huệ địa phận xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An tiến hành trọng thể Lễ khánh thành công trình bảo tồn, tôn tạo Khu mộ Cụ bà Hoàng Thị Loan (1868-1901) thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vài ngày trước, tôi cùng anh Nguyễn Quang Phiệt, Phó Ban Dự án bảo tồn tôn tạo di tích lịch sử văn hóa Kim Liên, men theo 242 bậc từ mái sườn núi phía Tây lên Khu mộ, rồi thả bộ 269 bậc phía Đông xuống núi. Độ dốc vừa phải nên việc lên xuống khá dễ dàng, hai vệt đường lát đá gan gà chẻ tay, không mài, thứ đá dân dã bạt ngàn trên đất Nghi Lộc. Trọn buổi chiều ruổi xem các tốp thợ Thanh Hóa tỉ mẩn hoàn thiện họa tiết trên đá trang trí Khu mộ, tôi lục từ trong bộ nhớ những mẩu chuyện về Người mẹ Làng Sen không hề trộn pha huyền thoại, có chuyện đã vào sử sách, có chuyện đang như hồng ngọc giữa tâm thức người đời.
Từ chân núi Tam Tầng
Cuối tháng 3/1975, cùng đơn vị có mặt tiếp quản TP Huế, tôi được một ông già 86 tuổi nhà ở Thành nội kể cho nghe đám tang của Bà Hoàng Thị Loan mà ông trực tiếp chứng kiến khi mới 13 tuổi. Về sau đọc Trường ca “Đi giữa mùa sen” của Nhà thơ Thanh Tịnh, tôi hình dung đám tang của Bà Loan trong thơ cũng y chang như chuyện kể của ông già: “Đường dài một sáng trời trong/Người đi đưa đám mấy dòng leo teo/Áo quan phất giấy hồng điều/Nắp trên mẩu nến cắm theo dãy dài/Bát cơm quả trứng sơ sài/Đặt ngay chính giữa cắm vài nén hương..".
Bia dựng tại vị trí mộ bà Loan ở chân núi Tam Tầng.
Ảnh: Sở VHDL Thừa Thiên Huế
Bà Hoàng Thị Loan SN 1868 (Mậu Thìn) tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn - Nghệ An, vùng quê giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Lớn lên trong gia đình Nho học, năm 1883, bà kết duyên với Nho sinh Nguyễn Sinh Sắc. Bà cần cù, chịu thương, chịu khó, chu toàn với gia đình, nghĩa tình với quê hương làng xóm, trong vòng 7 năm, bà sinh hạ 1 gái 3 trai. Năm 1895, bà gửi con gái Nguyễn Thị Thanh cho mẹ tại làng Hoàng Trù, cùng chồng đưa 2 con trai là Khiêm, Cung vào Huế.
Ở chốn kinh thành, đêm ngày bà vẫn quay tơ dệt vải, cực nhọc lam lũ để kiếm tiền nuôi con nuôi chồng ôn thi. Mấy chục năm sau từ trên Khu mộ Bà, người đời tạo hai vệt đường lên xuống, mỗi vệt dài 500m nom như hai dải lụa phơi giữa rừng thông, là để hóa thạch giai đoạn cuối trong 33 năm ngắn ngủi của đời bà.
Năm 1900, ông Sắc mang theo cậu Khiêm đi Thanh Hóa làm thư ký khoa thi Hương, Bà ở lại Huế với bé Cung. Bươn chải giữa biển đời, sau khi sinh thêm một người con trai là Nguyễn Sinh Nhuận (gọi là bé Xin), bà đột ngột ngã bệnh, trưa 22 tháng Chạp năm Canh Tý nhằm 10/2/1901, bà lặng lẽ ra đi trong lẻ bóng đơn côi, bấy giờ cậu Cung đang ra khỏi nhà mua cháo cho mẹ.
Trưa về mới đến trước sân/Nghe em khóc thét, cậu băng chạy vào
Bò trên ngực mẹ em gào/Miệng day vú mẹ, sữa nào còn đâu
Im lìm mẹ mất từ lâu/Vào hồi gióng giả trống lầu điểm trưa.
(Thanh Thịnh)
Chuyện rằng, hồi đó Triều đình Huế quy định: Dân ở thành nội khi chết, con cái không được nổi trống phát tang, không được khóc to, đưa người quá cố ra ngoài cũng không được đi qua các cổng lớn An Hòa, Đông Ba, Thượng Tứ. Mất mát đau thương đột ngột ập đến giữa lúc năm hết Tết đến, dân lao động trong phố Đông Ba gấp gáp lo đám tang cho Bà, đưa Bà qua cổng Thanh Long xuống thuyền vượt sông Gia Hội, ngược dòng Hương Giang lên chân núi Bân-cư dân xã Thuỷ An, TP. Huế gọi là núi Tam Tầng, vì đứng trên núi nhìn xuống có 3 bậc tạo thành 3 tầng, cách trung tâm TP. Huế 4 km về phía Nam. Tại đỉnh núi này, mùa xuân năm 1789, trước khi kéo đại quân ra Thăng Long đánh đuổi quân xâm lược nhà Thanh, Nguyễn Huệ làm lễ đăng quang lên ngôi Hoàng Đế.
Sau ngày mẹ mất, cậu Cung lúc đó 11 tuổi bế cu Xin đến xin các mẹ các chị nuôi con mọn cho em bú nhờ. Tại Kim Liên xứ Nghệ, gia đình, họ hàng, chòm xóm bàng hoàng nhận hung tin Bà Loan qua đời, ông Sắc vội vào Huế lo hậu của hậu sự. Nhiều ngày liền ông vật vã bên mộ vợ, tối về ông đi đến từng nhà cảm ơn bà con dân phố đã lo cho vợ mình được mồ yên mả đẹp.
Sau nhiều ngày ở Huế khói hương sưởi ấm linh hồn người vợ trẻ, ông Sắc mang Sinh Cung, Sinh Xin trở về quê tựa nhờ nhạc mẫu là bà Nguyễn Thị Kép, và em vợ là dì Hoàng Thị An, cưu mang nuôi dưỡng các cháu. Quên mình đặt móng tạo đà để chồng thành đạt, vậy mà đến kỳ thi Hội năm Tân Sửu (1901), Bà không được chứng kiến giây phút vinh quy của chồng. Tháng 5/1906, ông Sắc được giữ chức Thừa biện Bộ Lễ, ông đưa hai con Khiêm, Cung vào Huế nuôi dưỡng học hành, thời kỳ này mộ bà trên núi Tam Tầng được 3 bố con khói hương sưởi ấm. Ngày 01/7/1909, Triều đình điều ông Sắc đi làm Tri huyện Bình Khê (Bình Định), cậu Khiêm trở về quê, cậu Cung tháng 5/1908 tham gia biểu tình chống thuế tại Huế, sau đó cậu bí mật vào các tỉnh phía Nam cho tới ngày 5/6/1911 xuống tàu đi tìm đường cứu nước với tên gọi Nguyễn Tất Thành.
Đến ngọn Động Tranh
Suốt 13 năm (1909-1922), mộ Bà Loan tại núi Tam Tầng không người thân bên cạnh, bù lại bà con ở Đông Ba và bạn bè thân hữu của ông Sắc tại Huế thường xuyên thăm nom khói hương. Trong 13 năm ấy, cô Thanh ở quê tích cực hoạt động chống Pháp trong tổ chức yêu nước của Phan Bội Châu. Ngày 05/2/1918, cô tham gia trộm súng của lính khố xanh đóng tại Vinh, việc bại lộ, cô bị địch bắt tra tấn dã man, mấy tháng sau chúng mở phiên tòa xử cô 100 trượng, 9 năm khổ sai, đày đi nhà lao Quảng Ngãi.
Viếng một Cụ bà Hoàng Thị Loan. Ảnh: Giao Hưởng
Ngày ấy, Án sát Quảng Ngãi là Phạm Bá Phổ có vợ bị đau, ông Phổ mời các thầy thuốc nhưng không chữa khỏi. Đang là tù nhân, cô Thanh biết chuyện đã nhiệt tình chữa trị cho vợ quan Án sát khỏi bệnh bằng bài thuốc gia truyền, ông Phổ kính nể muốn đưa cô về nhà làm hành dịch và dạy chữ cho con ông Phổ. Dù việc ấy bị Pháp và Nam triều nghiêm cấm, nhưng chánh mật thám Trung kỳ tên là Xôchi lại kết nghĩa làm anh ông Phổ nên đặc ân cho ông này đưa nữ tù nhân về ở trong nhà.
Ông Phổ được thăng Tham tri Bộ hình ra Huế làm việc, ông đưa luôn nữ tù nhân ra theo. Tại Huế cô Thanh yêu cầu và được ông Phổ cho tách khỏi nhà riêng để chịu tù án trí dưới sự giám sát của Nam triều. Năm 1922, sau khi rời nhà ông Phổ, cô Thanh cùng mấy bạn gái thân thiết bí mật đào hài cốt Bà Loan gói vào lụa quý, đem dấu trong túi hành lý đi đường. Các cô ngày đi tối nghỉ, dọc đường vào nhà dân ngủ nhờ thì bí mật treo túi hài cốt ngoài rừng ngoài vườn, sau hai tuần cuốc bộ, các cô đưa hài cốt bà Loan về tới Kim Liên. Tháng 3/1942, tức 20 năm sau ngày cô Thanh đưa hài cốt mẹ về quê, cụ cả Khiêm cùng người bạn chí cốt dày công tìm được vị trí đắc địa linh thiêng trên ngọn Động Tranh thuộc dãy núi Đại Huệ, rồi bí mật chuyển hài cốt của mẹ lên an táng tại đó.
Ngày 03/11/1946, ông Khiêm ra Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở về làng ông thông báo cho bà con biết "Hồ Chí Minh là chú Cung nhà ta", và mật báo cho thân nhân dòng họ biết vị trí cát táng mộ Bà Loan trên núi Đại Huệ (xưa có tên là Đại Tuệ).
Đầu năm 1983, đồng chí Vũ Kỳ- nguyên Thư ký riêng của Bác, bấy giờ trên cương vị Viện phó Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, ông trực tiếp lên núi Động Tranh thị sát ngôi mộ Bà Loan, ngôi mộ tọa lạc tại vị trí đắc địa, phong cảnh hữu tình, giữa vòng tay tạo hóa khổng lồ của các dãy núi tiếp nhau: Thiên Nhẫn, Hoàng Tâm, Bùi Phong, núi Đụn vv…Tại buổi làm việc với Ban quản lý Khu DTKL trực thuộc Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, ông đề xuất lập tờ trình đề nghị UBND tỉnh, Tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh, Bộ VHTT, Trung ương Đảng, cho tu sửa nâng cấp mộ Bà Loan.
Ngày 05/7/1983, Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh ra Nghị quyết số 03/TU quyết định xây dựng Khu mộ xứng với công lao trời biển của người mẹ đã sinh thành dưỡng dục, cống hiến cho dân tộc Việt Nam người con xuất chúng. Ngày 19/5/1984, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh, Bộ Tư lệnh Quân khu IV long trọng khởi công tái dựng mộ Bà Loan ngay tại vị trí mà ông Cả Khiêm chọn đặt năm 1942, và tròn 1 năm sau hoàn thành. Khu mộ hình chữ nhật ốp đá hoa cương do Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng; đá cẩm thạch Quỳ Hợp do Cty XNK TCMN Nghệ Tĩnh sản xuất. Không gian phía trên mộ trang trí khung dàn hoa cách điệu, tượng trưng chiếc khung cửi- sinh thời là dụng cụ thân thuộc của Bà. Đại diện tỉnh Đồng Tháp - nơi Cụ Sắc yên nghỉ, đại diện tỉnh Bình Trị Thiên nơi bà Loan trút hơi thở cuối cùng, đã mang ra bốn cụm hoa giấy trồng bên khu mộ của Bà. Phía trước khu mộ, cán bộ chiến sĩ QK IV cải tạo nên một khu vườn với hàng trăm giống cây cho gỗ quý và quả quý, tất cả giống cây, giống quả được nhân từ các huyện, thành xứ Nghệ gồm lát hoa, vàng tâm, trám, cam Xã Đoài, bưởi Phúc Trạch, hồng, nhãn, chanh, chè, dứa …vv…
Thợ đá Thanh Hóa hoàn thiện những việc cuối cùng. Ảnh: Giao Hưởng
Sau đợt tôn tạo quy mô mới đây, sân chờ hành lễ phía trước Khu mộ bà Loan - một địa chỉ trong quần thể di tích văn hóa lịch sử đặc biệt của quốc gia đã rộng tới 300m2. Tôi nhìn ra thung lũng ngút ngàn xanh lúa, xanh cây, xanh đất, xanh trời. Ngọn Động Tranh hiện lên giữa không gian linh thiêng, huyền ảo như tranh thủy mặc của hội họa phương Đông.
Thấy tôi loay hoay bấm ảnh, các tốp công nhân miệt mài những phần việc cuối cùng, anh Phiệt ghé tai:
- Đội ngũ thợ lành nghề của 2 đơn vị thi công: Cty CP XD I (Tổng Cty XD Hà Nội), Cty đá ốp lát Hoa Liên (Thanh Hóa). Lúc cao điểm huy động từ 150-200 thợ làm việc 2 ca. Địa điểm thi công trên cao, đường lên xuống chỉ dành cho người đi bộ, riêng việc tập kết một lượng lớn nguyên vật liệu, trong đó có những tảng đá vài chục tấn đã là một kỳ tích !
Kỳ tích - lòng thành của hậu sinh đối với công lao trời biển của Người mẹ Làng Sen.