(Baonghean) - 6 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu năm 2008, “bức tranh” kinh tế thế giới dường như đang có những nét chấm phá quan trọng để trở nên “tươi sáng” hơn. Nhìn vào những chỉ số lạc quan từ những nền kinh tế hàng đầu thế giới và những yếu tố có thể tác động, nền kinh tế toàn cầu trong dài hạn có thể lạc quan về triển vọng kinh tế năm 2015 này. 

images1136567_kinh_te_the_gioi_2015.jpg
 
Chỉ số lạc quan từ những “đầu tàu” kinh tế
 
Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục đón nhận những thông tin tích cực khi chi phí của người tiêu dùng tăng lên nhờ điều chỉnh kiềm chế lạm phát và giá nhiên liệu xuống thấp. Động lực khiến các hộ gia đình Mỹ mạnh tay chi tiêu hơn là nhờ thị trường việc làm đang trong thời kỳ ổn định nhất kể từ năm 1999, chi phí vay tín dụng thấp và giá nhiên liệu ngày càng rẻ. Khu vực tiêu dùng, yếu tố đóng góp hơn 70% vào các hoạt động của nền kinh tế Mỹ, đang cho thấy những tín hiệu tích cực nhất trong 4 năm qua, thậm chí có thể còn khởi sắc hơn nữa trong bối cảnh mức lương tăng và giá cả tiếp tục ổn định. Bên cạnh đó, nền kinh tế Mỹ cũng đón nhận tin vui từ ngành công nghiệp ô tô.
 
Theo số liệu công bố mới nhất, nhu cầu mua ô tô tại Mỹ tiếp tục ổn định. Tất cả các nhà sản xuất hàng đầu tại nước này đều báo cáo rằng tháng 1/2015 là tháng làm ăn “vào cầu” nhất trong 7 năm qua, trong đó “người khổng lồ” General Motors Co. bán được nhiều xe nhất. Giới phân tích nhận định một trong những nguyên nhân là do chi phí nhiên liệu giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009, chỉ còn trung bình 2,03 USD/1 galon xăng (khoảng 11.000đồng/lít).
 
Trong khi đó, tại Nhật Bản, một loạt tín hiệu tích cực xuất hiện ở nền kinh tế nước này khi chỉ số Nikkei đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 15 năm qua tại phiên giao dịch sáng 2/3 và nhiều số liệu khác cho thấy sự khởi sắc.  Bộ Tài chính Nhật Bản cùng ngày đã công bố các dữ liệu kinh tế quý IV/2014 cho thấy đầu tư của các doanh nghiệp tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Điều này thể hiện khu vực doanh nghiệp sẵn sàng duy trì đầu tư bất chấp nhu cầu tiêu dùng suy giảm sau đợt tăng thuế đầu tiên lên 8% hồi tháng 4/2014. Cụ thể, đầu tư cho tất cả các lĩnh vực phi tài chính như xây dựng nhà máy và lắp đặt thiết bị mới tăng quý thứ 7 liên tục, lên mức 9.710 tỷ yen (tương đương 81 tỷ USD), trong khi đầu tư của các doanh nghiệp sản xuất tăng 8% so với cùng kỳ năm trước lên 3.320 tỷ yen trong quý thứ hai liên tiếp và của các doanh nghiệp phi sản xuất tăng 0,3% lên 6.380 tỷ yen, tăng quý thứ 7 liên tục. Các dữ kiện trên sẽ tác động đến việc điều chỉnh các chỉ số tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản mà nội các nước này dự kiến công bố về dữ liệu GDP cùng kỳ vào ngày 9/3 tới.
 
Cùng với Mỹ và Nhật Bản, bức tranh kinh tế châu Âu cũng đã có những điểm sáng sau một năm 2014 khá ảm đạm. Tây Ban Nha vừa nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế lên 2,4% từ mức 2,0% và cho biết Madrid sẽ tạo ra khoảng nửa triệu việc làm trong năm 2015 này. Trong khi đó, tại Đức, chỉ số niềm tin tiêu dùng đã đạt mức cao nhất trong vòng 13 năm qua, đánh dấu sự lạc quan về nền kinh tế của nước này. Một tín hiệu tích cực nữa được ghi nhận trên thị trường lao động Đức khi Cục Lao động LB Đức (BA) mới đây cho biết số người thất nghiệp trong tháng Hai chỉ còn 3,017 triệu người, chỉ số thấp nhất trong tháng Hai kể từ năm 1991. Số người thất nghiệp giảm như vậy là điều bất ngờ, bởi thông thường trong tháng Hai, lượng người thất nghiệp ở Đức luôn tăng nhẹ. Italy chấm dứt suy thoái sau 14 quý liên tiếp chứng kiến tăng trưởng GDP ở mức âm. Điều này khiến người ta có thể hy vọng về khả năng phục hồi của nền kinh tế nước này. 
 
Các chuyên gia kinh tế nhận định, không thể phủ nhận kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn và các nhân tố khó lường, thế nhưng những chỉ số và tín hiệu khả quan từ các “đầu tàu” kinh tế ngay trong những tháng đầu năm này cho phép lạc quan về triển vọng kinh tế 2015. 
 
Kinh tế có lợi từ giá dầu giảm
 
Trong bối cảnh giá dầu thế giới  vẫn “dậm chân tại chỗ” ở dưới ngưỡng 50 USD/thùng và chưa có dấu hiệu đi lên, nhiều người lo ngại giá dầu giảm sâu và dài hạn có thể tác động nghịch đến nền kinh tế toàn cầu. Thế nhưng, theo khảo sát của Bloomberg, hầu hết những người được hỏi cho rằng, giá dầu giảm là có lợi cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trên thực tế, ngành nào cũng dùng năng lượng, nên khi giá dầu mỏ giảm thì chi phí đầu vào cũng giảm. Việc này sẽ cải thiện lợi nhuận của công ty, làm tăng sức mua của người tiêu dùng và cuối cùng là thúc đẩy đầu tư cho sản xuất. Theo nhà phân tích Nariman Behravesh (Davos, Thụy Sỹ), khi chi phí năng lượng thấp hơn, người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được nhiều tiền hơn để có thể chi nhiều hơn cho các hàng hoá và dịch vụ khác.
 
Theo dự đoán, giá dầu thế giới khó có thể tăng mạnh trong năm nay. Bối cảnh 2015 được dự báo là giá dầu tiếp tục chịu ảnh hưởng từ nguồn cung lớn, dầu mỏ từ Bắc Mỹ sẽ tăng chậm và nguy cơ với khủng hoảng địa chính trị tiếp tục đe dọa thị trường thế giới. Nhiều nhà kinh tế cho rằng mức giá hợp lý nhất có thể xoay quanh ngưỡng 50-60 USD/thùng. Như vậy, giá dầu vẫn sẽ không thay đổi nhiều so với hiện tại. Đây chính là cơ hội tốt cho các quốc gia nhập khẩu dầu phục vụ quá trình phát triển kinh tế. Trong một báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới cho rằng, giá dầu thấp sẽ dẫn đến sự dịch chuyển quy mô thu nhập thực từ các nước đang phát triển xuất khẩu dầu sang các nước đang phát triển nhập khẩu dầu. Đối với cả nước xuất khẩu và nước nhập khẩu, giá dầu thấp là cơ hội để tiến hành cải cách giúp tăng nguồn lực tài chính và đẩy mạnh các mục tiêu về môi trường. 
 
Ở góc độ xa hơn, nếu chính phủ các nước tận dụng lợi thế của việc sụt giảm giá dầu ngày hôm nay để thực hiện cải cách các chính sách năng lượng quan trọng, lợi ích mà nó mang lại có thể thay đổi và cải thiện cấu trúc của nền kinh tế trong tương lai. Giá dầu giảm cũng là cơ hội để cải cách chính sách trợ cấp năng lượng và các loại thuế đối với cả nước xuất khẩu và nhập khẩu dầu. Đối với các quốc gia nhập khẩu dầu, những khoản tiết kiệm từ việc cắt bỏ trợ giá năng lượng nói chung nên được sử dụng để đầu tư cho người nghèo, đồng thời thâm hụt ngân sách giảm cho phép tăng các khoản đầu tư vào những cơ sở hạ tầng hợp lý. Với cách tiếp cận đúng đắn, biến động giá dầu hiện nay có thể sẽ có một bước ngoặt quan trọng trên con đường hướng tới một tương lai bền vững hơn, với đặc trưng là sự thịnh vượng chung và các tiến bộ trong công cuộc xoá đói giảm nghèo.
 
Thanh Huyền