(Baonghean) - Ở đời, không ốm, không đau thì giàu để đâu cho hết. Tầm cỡ “đại gia” thì không nói làm gì, với các gia đình thường thường bậc trung trở xuống chỉ cần có một người lâm bệnh hiểm nghèo như là ung thư chẳng hạn, thì sẽ tức khắc tái nghèo ngay. Cho nên, cái thẻ bảo hiểm y tế được coi như một tấm bùa hộ mạng cho người nghèo mắc bệnh hiểm nghèo. 
 
Thế nhưng, cái tấm bùa hộ mạng đó hiện đang mất dần tác dụng. Vì lẽ, bắt đầu từ 1/1 năm nay, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi có hiệu lực. Theo đó, một số thuốc trị ung thư không nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả 100%. Mới nửa tháng trôi qua, nhưng các bệnh nhân ung thư đã bắt đầu thấm thía luật mới này. Vì có những loại thuốc, trước đây bảo hiểm y tế chi trả 100%, thì nay giảm xuống còn 50% hoặc 30%. Thậm chí là không được chi trả. Hơn nữa, những loại thuốc trong danh mục cắt giảm đều là những loại thuốc mới, chi phí cao. Hồi đầu tháng, lý giải với báo chí về nguyên nhân dẫn đến những quyết định khiến người bệnh, nhất là bệnh nhân ung thư “kém vui”, bà Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế cho biết, các loại thuốc bị loại khỏi danh mục hoặc giảm tỷ lệ chi trả đều là các thuốc mới, chi phí cao (từ 40 - 100 triệu đồng/tháng điều trị), nếu để Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả 100% như trước sẽ khó bảo đảm cân đối quỹ. 
 
Thì ra là vậy! Sợ vỡ quỹ nên cắt giảm chi trả. Điều khó hiểu là để cân đối được Quỹ Bảo hiểm y tế, còn có nhiều cách làm khác mà không làm gia tăng chi phí điều trị cho người bệnh, như thắt chặt quản lý, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế hằng năm chẳng hạn. Sao không chọn mà lại đi chọn giải pháp có tác động tiêu cực tới người bệnh như vậy? Có lẽ, do các biện pháp khác phức tạp, tốn nhiều thời gian, công sức quá, nên ngành Y tế chọn giải pháp đơn giản và hiệu quả nhanh hơn là cắt giảm chi trả. Với hành động này, nỗi lo vỡ Quỹ Bảo hiểm y tế được chuyển thành gánh nặng chi phí điều trị cho người bệnh. Và cho dù, Quỹ Bảo hiểm y tế không vỡ, nhưng túi tiền bệnh nhân chắc chắn sẽ vỡ. 
 
Vì thế, cứ nghĩ, người mắc bệnh hiểm nghèo đã khổ ải lắm rồi, đã không tăng được mức chi trả để đỡ bớt gánh nặng cho người ta thì giữ nguyên, chứ đừng nên cắt giảm.
 
Tri Kỷ