(Baonghean) - Bé Bim nhà mình đặc biệt thích đọc truyện “Nhóc Nicolas”. Đó là cuốn sách kể ở ngôi thứ nhất với giọng điệu, góc nhìn và lối suy nghĩ dí dỏm, ngộ nghĩnh của cậu bé người Pháp về bố mẹ, những người hàng xóm, bạn bè và lớp học. Nghĩa là, cuốn sách là đồng minh thân cận của những đứa trẻ như Bim. 
 
Ví như hôm nay, Bim phàn nàn về việc bài tập hè cô giáo giao quá khó và nài nỉ mình giải hộ. Thấy mình chần chừ, con bé leo lẻo:
 
- Cậu không làm được chứ gì?
 
- Ai bảo Bim là cậu không làm được?
 
- Cậu đừng có coi thường toán tiểu học. Trong truyện “Nhóc Nicolas”, có mỗi bài toán trang trại nuôi gà trắng, gà đen đẻ trứng mà các vị phụ huynh suýt nữa thì xích mích, nghỉ chơi với nhau vì…mỗi người giải ra một kết quả đấy thôi!
 
- Chỉ là giải toán thôi mà, sao lại xích mích?
 
- Chẳng là hôm đó, lớp của Nicolas có buổi dạy mời phụ huynh đến dự để xem con mình ở lớp học như thế nào. Đến đoạn cô giáo ra đề, một phụ huynh liền phàn nàn: “Đề này quá khó với các cháu, đến tôi còn chẳng giải được!”. Một ông khác bụm miệng cười “Bài này quá dễ, tôi làm ra kết quả là XYZ đây”. Thế là tất cả các vị phụ huynh nhao nhao như ong vỡ tổ, mỗi người đưa ra một đáp án và một cách làm khác nhau. Thay vì dẹp yên trật tự đám học trò nghịch ngợm như ngày thường, cô giáo lại phải đi “dẹp loạn” các vị phụ huynh. Cậu thấy có buồn cười không?
 
Đúng là buồn cười - vừa cười vừa buồn, vì quả thực nếu bắt mình giải toán của học sinh tiểu học, chắc mình đành chào thua. Bé Bim được đà, tiếp tục “bêu riếu” người lớn:
 
- Không những làm toán thua, người lớn còn thua nhiều thứ khác nữa cơ. Luật giao thông là một ví dụ kinh điển. Đừng nói là học sinh tiểu học, đến trẻ mẫu giáo còn thuộc lòng “Xanh đi, vàng đứng, đỏ dừng”, đơn giản thế thôi mà người lớn vẫn thường xuyên quên? Mỗi lần mẹ chở Bim đi học, Bim đều bắt mẹ phải cho Bim đội mũ bảo hiểm cẩn thận. Chứ nhiều bạn ở lớp Bim không được bố mẹ mua mũ bảo hiểm cho, vô lý hết sức. Cậu xem, ai đời chở trẻ con mà không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi vào đường một chiều, tạt đầu xe ô tô không bật đèn xi nhan,…Không tài nào hiểu nổi người lớn nữa!
 
Mình gật gù đồng tình với con bé. Có lẽ trẻ con không hiểu được người lớn và đổi lại, người lớn cũng không hiểu trẻ con thật! Ví như chị gái mình từng nhiều lần phàn nàn về việc phải “trốn” về sớm để kịp giờ đón Bim tan học, nên khó tránh khỏi việc vượt đèn đỏ, đi ngược đường,… Hay anh rể mình, gãi đầu gãi tai mỗi lần con bé hỏi bài tập về nhà, không phải vì anh không làm được mà là không làm được bằng phương pháp mà cô giáo dạy cho con bé ở lớp. “Cậu xem, bài này chỉ cần đặt ẩn, lập phương trình là ra nghiệm ngay. Nhưng ai lại đi nói đến phương trình, ẩn và nghiệm với học sinh tiểu học cơ chứ?”
 
Người lớn và trẻ con đôi khi thật phức tạp. Họ cần nhau, yêu quý nhau và quấn quýt bên nhau nhưng lại thường không hiểu nhau. Đó là điều khó tránh khỏi, bởi góc nhìn và cách suy nghĩ của người lớn chắc chắn khác xa với trẻ con, thậm chí có khi trái ngược nhau. Nhưng xin nhớ cho: một ngày kia, trẻ con sẽ trở thành người lớn và một ngày nọ, người lớn đã từng là trẻ con. Vậy thì trong “phiên toà” này, mình xin nghiêng về phía trẻ con, bởi chúng còn ngây thơ quá. Chỉ có người lớn chúng ta là để cho thời gian và những lo toan khiến cho lăng kính nhìn cuộc sống này vẩn đục đi, thu hẹp lại. Tại sao người lớn không hiểu trẻ con? Có lẽ chỉ vì sự lười biếng và bảo thủ người lớn tự cho là “đặc quyền” của mình mà thôi?
 
Hải Triều