(Baonghean) - Có một chuyện xảy ra từ ngày đầu tháng, nhưng đến nay vẫn khiến nhiều người để tâm bàn luận. Đó là vào ngày 2/10 vừa rồi, sau khi nghe lãnh đạo Tập đoàn Điện lực VN (EVN) báo cáo năng suất lao động quá thấp, chỉ bằng 1/10 Sinagpore và bằng một nửa Thái Lan, Malaysia trong khi biên chế thì lại quá nhiều, ngay lập tức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo EVN phải đầu tư phương tiện để giảm biên chế, sớm đạt năng suất lao động bằng các nước trong khu vực chứ không chờ đến năm 2020 theo như lộ trình EVN đã định. Đó là một hành động mà theo cách nói của lớp trẻ bây giờ là làm “ngay và luôn”. Kể cũng đúng, những việc ích nước, lợi dân như vậy sao không làm ngay, làm luôn mà cứ phải chờ theo lộ trình?
 
images1062329_tranh_biem___32_.jpgTranh minh họa
Ấy vậy mà xưa nay, bất cứ ở đâu, hễ đụng chạm đến vấn đề cải cách, đổi mới là y như rằng ở đó lại vang lên điệp khúc “phải có thời gian, phải có lộ trình”. Đành rằng, làm việc gì thì cũng phải có kế hoạch, lớp lang theo một trình tự, thời gian nhất định. Nhưng cũng có những việc có thể làm ngay được thì sao lại phải chờ! Nói đến đây, lại nhớ đến chuyện cải cách thủ tục hành chính trong ngành thuế. Bao năm nay, các doanh nghiệp điêu đứng vì mất quá nhiều thời gian làm thủ tục với ngành Thuế. Các cơ quan chủ quản cũng đã nhiều lần kêu gọi, chỉ đạo ngành Thuế khẩn trương tiến hành cải cách, rút gọn thời gian làm các thủ tục liên quan thuế má cho doanh nghiệp. Nhưng rồi, vẫn đâu vào đấy. Mặc cho ai sốt ruột, người ta cứ đủng đỉnh với lý do “phải có lộ trình”. Hết kiên nhẫn, tháng 4/2014, Chính phủ ra chỉ lệnh bằng Nghị quyết số 19/NQ-CP, yêu cầu một số bộ, ngành rút ngắn các thủ tục về thuế, hải quan, xây dựng, điện. Sau khi có nghị quyết thì chỉ trong vòng 2 tháng (từ tháng 7 đến tháng 9) ngành Thuế đã tập trung cải cách các thủ tục nộp thuế và đã giảm được gần 200 giờ làm thủ tục nộp thuế. Nếu như trước đây, mỗi năm, các doanh nghiệp phải dành ra 900 giờ để hoàn tất các thủ tục nộp thuế - cao nhất thế giới, thì nay còn khoảng 700 giờ. Hay như từ những 1991, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương thực hiện cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nhưng hàng chục năm qua tiến độ diễn ra hết sức chậm chạp nếu như không muốn nói là dẫm chân tại chỗ. Ấy thế mà, từ khi Chính phủ đề ra nhiệm vụ trong hai năm 2014 -2015 phải CPH cho được 432 DNNN thì 9 tháng qua, cả nước đã có 71 DNNN được CPH, gần bằng số doanh nghiệp CPH trong cả năm 2013. Tuy số DNNN được CPH trong thời gian qua còn thấp so với mục tiêu đặt ra, nhưng đã có sự chuyển động mạnh mẽ hơn trước rất nhiều. Qua đó cho thấy, có khá nhiều việc quan trọng có thể là luôn và làm ngay được, nhưng rồi người ta vẫn cứ chần chừ, đòi hỏi phải có thời gian và chờ thực hiện theo lộ trình. Vì sao người ta lại cứ thích chờ đợi mà không làm ngay? Đơn giản là thời gian chờ đợi, chậm trễ đó “sinh lợi” cho một số ngành, số người nên người ta chẳng ham hố gì việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Mà nói như ông Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tất cả những sự chậm trễ, đòi hỏi có "lộ trình" giải quyết vấn đề, chính là sự đùn đẩy, không dám đương đầu với khó khăn, đẩy cái khó cho người khác, cho nhiệm kỳ khác... Cũng may, thời gian gần đây đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Rõ nét nhất là trong ngành Giao thông Vận tải. Thời gian qua, có khá nhiều công trình, sự án chậm tiến độ đã được đích thân ông Bộ trưởng chỉ đạo xử lý trên tinh thần luôn và ngay và đã đạt được những hiệu quả nhất định. Chính phủ cũng đã đánh giá ngành Giao thông Vận tải, việc thực hiện CPH các doanh nghiệp đạt tốc độ, hiệu quả cao nhất khi từ đầu năm đến nay đã hoàn thành IPO (bán cổ phiếu lần đầu) 9 tổng công ty nhà nước lớn và nhiều doanh nghiệp khác. Những dấu hiệu cải cách, thay đổi cách thức quản trị công như vậy rất đáng chú ý trong tình hình nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn rất trì trệ hiện nay. Nhưng chỉ chừng đó là chưa đủ, vì một vấn đề lớn, rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định tới sự phát triển của đất nước là các chương trình tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu ngân hàng... vẫn đang diễn ra hết sức chậm trễ. Để đẩy nhanh tiến độ, cần phải thay đổi tư duy, phương châm hành động từ “có thời gian, có lộ trình” sang tư duy, phương châm hành động ngay và luôn...
 
Nhân đây, cũng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ nên bớt sử dụng những từ ngữ như là tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao, quan tâm, chú trọng... cho đỡ rườm rà và nên quán triệt một tinh thần làm việc mới, rất ngắn gọn mà cũng rất hiệu quả, là: Ngay và Luôn!
 
Bụt Sơn