(Baonghean) - Trên tuyến đường 7b, qua địa phận bản Cánh (xã Tà Cạ - Kỳ Sơn), có một ngôi đền vừa được phục dựng nép dưới tán của một quần thể cây đa cổ thụ toả bóng sum suê. Bà con dân bản quen gọi là đền Cây Đa, hoặc đền Đức Khánh. 
 
images1057379_img_0803.jpgĐền Đức Khánh ở xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn.
 
Ngôi đền được lợp bằng ngói, đa số các loại cấu kiện đều được làm bằng gỗ lim. Theo lời cụ Vi Văn Vân (82 tuổi) thì đền vừa phục dựng hơn 1 năm, chủ yếu dựa vào kinh phí công sức vận động từ các cơ quan, doanh nghiệp và bà con trong vùng. Quần thể cây đa cổ thụ sau đền tán lá kết thành vòm che, rễ quấn quanh các thân cây như gợi lên một sức sống trường tồn và sự gắn bó bền chặt. 
 
Dưới gốc đa, già làng Vi Văn Vân trầm ngâm có vẻ như đang chắp nối các dữ kiện trong trí nhớ. Rồi ánh mắt chợt sáng lên, cụ Vân kể: “Những cây đa và ngôi đền này có từ khoảng 4 thế kỷ trước, là những chứng nhân của một giai đoạn lịch sử oanh liệt, hào hùng ở vùng đất biên cương này. Tất cả gắn với công lao của Đức Khánh, người được người dân phong là Vua của bản làng...”. 
 
Theo lời kể của vị già làng bản Cánh, vào khoảng giữa thế kỷ XVII, nơi đây còn hoang vu, rậm rạp, chim muông và thú dữ còn nhiều, con người lúc đó còn cư trú thành các bộ tộc. Bỗng vào một buổi chiều, có cặp vợ chồng đã luống tuổi cùng một đứa trẻ dừng chân dưới gốc cây đa ven đường. Người đàn ông đốn gỗ dựng nhà, người phụ nữ phát nương gieo hạt. Với tài bắn cung bách phát bách trúng, người đàn ông giúp đồng bào tiễu trừ thú dữ, đồng thời tổ chức các cuộc săn bắt thú rừng về thuần dưỡng. Ông còn hướng dẫn đồng bào san lấp đồi núi, ngăn các con suối để khai hoang ruộng nước. Tên gọi Tà Cạ (tiếng Thái nghĩa là “ruộng mạ”) có lẽ  bắt nguồn từ đó. Cuộc sống dần đi vào ổn định, no ấm và bình yên. Người đàn ông ấy có tên gọi là Đức Khánh, được đồng bào các dân tộc nơi đây tôn xưng là “Vua của bản làng”. Đức Khánh vốn là một vị tướng của Khăm Òng, Khăm Ẹc (những tù trưởng vùng biên), có tài cưỡi ngựa bắn tên và hết mực yêu thương dân, binh lính. Khi bọn giặc phương Bắc tràn lên vùng biên giới, lập ách đô hộ, Đức Khánh cùng vợ mang con trai của Khăm Òng chạy trốn khỏi sự truy sát của kẻ thù. Đến vùng bản Cánh, nhận thấy nơi đây có thể trú chân lâu dài, họ quyết định dừng chân, chiêu dân lập bản, tạo dựng cuộc sống mới. Để tạo tinh thần, ý thức xây dựng và bảo vệ bản làng, sẵn sàng đương đầu với giặc ngoại xâm, Đức Khánh thường xuyên tổ chức tập luyện và mở các hội thi đấu võ và săn bắt thú rừng. Tiếng tăm về tài đức của ông vang đến đâu, lập tức người nơi đó tìm đến đây xin được sinh sống và lập nghiệp. Từ đó, vùng bản Cánh ngày một đông vui, sầm uất. Bản Cánh nằm bên dòng sông Nậm Mộ nên Đức Khánh chủ trương giúp dân đóng thuyền, mở chợ để phát triển giao thương. Chẳng bao lâu, nơi đây nhộn nhịp cảnh trên bến dưới thuyền.
 
Đức Khánh qua đời khi đã cận kề 100 tuổi, để lại niềm tiếc thương vô vàn và sự kính trọng của người dân Tà Cạ. Để ghi nhớ công đức của ông và lưu truyền cho muôn đời con cháu, bà con dân bản góp tiền của, công sức xây dựng đền thờ. Ngôi đền được dựng dưới tán những cây đa nơi ngày xưa ông dừng chân, phía trước là dòng nước Nậm Mộ. Ngôi đền ấy, dân bản gọi là đền Đức Khánh, hoặc đền Cây Đa. Từ đó, đền thờ Đức Khánh trở thành nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của bà con khắp vùng, là nơi cầu an, cầu lộc, cầu phúc, cầu mùa. Cho đến khoảng đầu thế kỷ XIX, một trận lũ quét cực lớn đã tàn phá vùng Tà Cạ, biến nơi đây vốn bằng phẳng trở thành những vách núi cheo leo hoặc đầm lầy, bãi đá. Vùng Tà Cạ không thể là nơi giao thương được nữa nên bến sông và chợ được dời về vùng bản Phảy (Thị trấn Mường Xén ngày nay). Một thời gian sau, người dân lại trở về khai phá Tà Cạ, dựng lại bản làng và không quên phục dựng đền thờ Đức Khánh... Hàng năm, vào dịp tháng 4, khi mùa mưa bắt đầu, bà con Tà Cạ tổ chức lễ hội đền Đức Khánh để cầu mong cuộc sống yên bình, no ấm!
 
Tường Anh