(Baonghean) - Ông là một người thành đạt, nổi tiếng. Hẳn thế! Nhưng dường như người ta ít hình dung về ông là một Anh hùng Lao động, một doanh nhân xuất sắc, mà thường nghĩ về ông với hình ảnh bình dị của một vị đại biểu Quốc hội đầy trách nhiệm, một người thầy thuốc nhân ái, tâm huyết với cuộc đời, luôn đau đáu với quê hương Nghệ An… Bác sỹ Nguyễn Minh Hồng đã đi trọn cuộc đời như thế để thanh thản trong ngày mãi mãi xa
 
 
images1058515_1.jpgTrường Tiểu học Thanh Lâm 1 (Thanh Chương) do bác sỹ Nguyễn Minh Hồng đầu tư xây tặng. Ảnh: h.c
…Lần lại thời điểm 25 năm trước, khi công tác khám và chữa bệnh cho nhân dân hoàn toàn do các cơ sở y tế của Nhà nước đảm nhiệm, đã tạo nên tình trạng quá tải ở các bệnh viện từ tuyến huyện, tuyến tỉnh và Trung ương; người dân khi khám, chữa bệnh gặp nhiều khó khăn. Bác sỹ Nguyễn Minh Hồng suy nghĩ trăn trở làm sao để “xé bỏ” hàng rào bao cấp này trong lĩnh vực y tế. Vì vậy, sau khi nghỉ hưu, bác sỹ Hồng đã báo cáo với tổ chức và nguyện thực hiện ước mơ nhân văn đó. Tháng 11/1989, bác sỹ Nguyễn Minh Hồng đã sáng lập “Trung tâm khám, chữa bệnh theo yêu cầu” tại số 28B, Điện Biên Phủ, quận Ba Đình (Hà Nội) để khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân, dù lúc đó chưa có khuôn mẫu, mô hình nào. Từ mô hình của ông, nhiều cơ sở y tế tư nhân ở Hà Nội và các tỉnh trong cả nước lần lượt ra đời.  Để mô hình này phát triển bền vững, bác sỹ Nguyễn Minh Hồng đã tập hợp nhiều giáo sư, bác sỹ giỏi, nhà khoa học nổi tiếng thành lập “Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ y học Việt Nam” để đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới vào việc khám, chữa bệnh cho nhân dân. Tiêu chí hành động xuyên suốt của công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe của “Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ y học Việt Nam” do ông thành lập là: “Thầy thuốc giỏi, máy móc hiện đại, phục vụ tận tình, trả kết quả nhanh, chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả”. Có lẽ đến hôm nay phương châm hành động ấy vẫn còn là thời sự đối với ngành Y tế.
 
Nhìn lại cuộc đời của bác sỹ Nguyễn Minh Hồng, ngoài hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao khi còn công tác, sau này ông còn có nhiều đóng góp, cống hiến cho xã hội. Từ trăn trở làm sao để tiếng nói từ người dân được phản ánh đến với các cấp lãnh đạo, năm 2007, với tư cách là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu các tiến bộ y học Việt Nam, ông đã làm đơn tự ứng cử vào đại biểu Quốc hội khóa XII, sau đó ông tiếp tục tự ứng cử và trúng đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ông còn là Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Minh Hồng tại TP. Vinh – Nghệ An. Đối với huyện nhà Thanh Chương và các địa phương của tỉnh Nghệ An, ông luôn ấp ủ làm được việc gì đó để trả nghĩa quê hương. Nhưng chỉ vậy thôi thì cuộc đời ông cũng giản đơn như bao chàng thanh niên khác vùng quê nghèo quyết chí ra đi, làm ăn và thành đạt. Mà với Nguyễn Minh Hồng thì thật khác; thương quê, giúp người nghèo đối với ông là việc làm không bao giờ ngơi nghỉ. Mỗi lần về quê nhà Thanh Chương, ông lặn lội đến nhiều xã trong huyện để tìm hiểu hoạt động của các trạm y tế xã; khảo sát để lập các đề án xây dựng trường học, cầu, đường giao thông và công tác khuyến học, có làm được đề án khả thi thì mới vận động được ngân sách. Thời đó ông và rất nhiều con em Thanh Chương ở khắp mọi miền đất nước và  nước ngoài, làm ăn thành đạt đã hướng về quê đầu tư xây dựng quê hương. Các công trình “điện, đường, trường, trạm, quỹ khuyến học…” ở Thanh Chương đã được các người con quê hương đi ra thành đạt trong đó có bác sỹ Nguyễn Minh Hồng đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng.  
 
Bác sỹ Nguyễn Minh Hồng cũng là người rất quan tâm hoạt động truyền thông báo chí của tỉnh nhà; năm 2003, ông đã tài trợ, giúp đỡ Đài PT-TH Nghệ An xây dựng chuyên mục “Thầy thuốc của bạn” phát trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An và do chính ông lên sóng giải đáp các câu hỏi về chăm sóc sức khoẻ của nhân dân. Chương trình có thời lượng 10 phút, phát sóng vào thứ Bảy hàng tuần, trên cả hai sóng phát thanh và truyền hình, thực hiện từ năm 2003 đến tháng 12/2012 với tổng số 464 chương trình. Thời gian ấy mặc dù ở xa quê, và công việc bận rộn, nhưng với tâm huyết nghề nghiệp của mình, ông đã dành thời gian nghiên cứu kỹ hàng trăm câu hỏi của khán giả gửi đến để trả lời, giải đáp sức khỏe trong các chương trình hàng tuần. Ông tâm sự: “Mình làm chuyên mục giải đáp sức khỏe trên đài là giúp bệnh nhân có phương pháp điều trị tốt, nhưng cái quý nhất là giúp được những người nghèo nghe chương trình mà có cách phòng chữa, tránh chạy chữa nhiều nơi tốn kém”. Nhiều đợt do yêu cầu của Đài chương trình phải thực hiện tại Đài PT-TH Nghệ An, ông tự mình đi tàu hỏa suốt đêm về Vinh để sản xuất chương trình, đêm hôm sau lại lên tàu về Hà Nội… cứ như vậy chuyên mục “Thầy thuốc của bạn” đã đứng vững trên sóng PT-TH Nghệ An 10 năm liên tục. Ông còn để lại 5 đầu sách về sức khỏe, do Nhà xuất bản Y học phát hành, và một số đầu sách văn học. Trong đó, những đầu sách Y học ông đã bỏ tiền mua lại 10 vạn cuốn tặng cho đồng bào vùng sâu, vùng xa làm cẩm nang chăm sóc sức khỏe. 
 
Thành đạt trong chuyên môn, trong kinh doanh, bác sỹ Nguyễn Minh Hồng luôn đau đáu hoạt động từ thiện, nhân đạo. Tổng số tiền do bác sỹ Nguyễn Minh Hồng làm từ thiện tại Nghệ An và các địa phương trong cả nước đã lên tới trên 100 tỷ đồng. Những công trình do ông đầu tư xây dựng tại Thanh Chương quê ông như: cầu Triều Long, đập nước Triều Long, Bưu điện Văn hóa, Trường Tiểu học Thanh Lâm, cầu Cửa Trộ (Cát Văn), Nhà Câu lạc bộ KHKT Tuổi trẻ tại Trung tâm huyện Thanh Chương, hàng trăm nhà tình nghĩa, nhà tình thương thuộc các huyện của tỉnh Nghệ An rồi quỹ khuyến học cho học sinh nghèo, học sinh giỏi, sổ tiết kiệm tình nghĩa…Thật cảm động, vào cuối năm 2012 mặc dù biết mình đang trong cơn bệnh hiểm nghèo, nhưng ông đã dành số tiền trên 1,7 tỷ đồng để mua hàng trăm bộ dụng cụ y tế thiết yếu để  tặng cho các trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Khi ông đang nằm điều trị tại Bệnh viện tim Bạch Mai, tôi đến thăm ông, sau những câu chuyện trên giường bệnh, ông nói với khuôn mặt rất vui: “Tôi vừa về quê tặng cho các trạm y tế xã thiết bị dụng cụ y tế, thật may họ không biết tôi đang mắc bệnh hiểm nghèo, nếu không chẳng ai nỡ nhận món quà ấy!”. Ông là thế, đã giấu bệnh của mình để được trọn vẹn lời hứa. Làm ra tiền, tiết kiệm trong chi tiêu, tiết kiệm để có tiền  làm từ thiện là đức tính đã thấm vào máu thịt ông… 
 
Những cống hiến to lớn của bác sỹ Nguyễn Minh Hồng đã được tôn vinh bằng các phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Nhì; danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; nhiều Bằng khen của các bộ, ban, ngành, tổ chức xã hội cấp Trung ương, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, Vì sự nghiệp y tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, khuyến học, nhiều Bằng khen của UBND tỉnh Nghệ An… Đặc biệt ngày 18/6/2013, tại Nhà hát lớn Hà Nội, UBND tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho bác sỹ Nguyễn Minh Hồng. Phần thưởng cao quý đó của Đảng, Nhà nước trao tặng cho cá nhân bác sỹ Nguyễn Minh Hồng, nhưng đồng thời cũng là niềm tự hào của cơ quan, gia đình, dòng họ, đồng nghiệp, bạn bè thân hữu và quê hương tỉnh Nghệ An. Những danh hiệu cao quý, kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời, niềm vui ấy đã tiếp thêm nghị lực giúp ông có thêm dũng khí, ngày đêm chiến thắng cơn bệnh hiểm nghèo, để tiếp tục thực hiện những ước mơ,  nghĩa cử trong những ngày còn lại của cuộc đời.
 
Bác sỹ Nguyễn Minh Hồng đã ra đi về với vĩnh hằng vào ngày 25/9/2014 (tức ngày mồng 3 tháng 9 năm Giáp Ngọ). Tôi là người may mắn được gần gũi với ông nhiều, giờ khắc này viết về ông như là nén tâm hương gửi tới người anh, người thầy thuốc đã sống một cuộc đời nhân ái, đầy tâm huyết với quê hương và có “cuộc ra đi” thanh thản. Quê nhà hẳn sẽ mãi nhớ ông. Cầu mong cho linh hồn ông được siêu thoát!.
 
Bác sỹ Nguyễn Minh Hồng sinh ngày 3/3/1944, trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Thanh Bích (cũ), nay là xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương. Bố là một cán bộ cách mạng thời kỳ Xô viết Nghệ - Tĩnh. Ông mồ côi mẹ từ lúc mới lọt lòng, lên 8 tuổi lại mồ côi bố, được bà nội, họ hàng, làng xóm chăm sóc nuôi dưỡng… Lên 17 tuổi, ông viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Vào bộ đội, ông được cử đi học y sỹ, rồi học lên bác sỹ, sau công tác tại Bệnh viện Quân đội 354 ở Hà Nội. Tận tụy với công việc, hết mình vì bệnh nhân, hoàn thành xuất sắc chức trách của một bác sỹ, một đảng viên và một bí thư chi bộ, bác sỹ Nguyễn Minh Hồng về hưu với quân hàm Trung tá...
Trần Duy Ngoãn