(Baonghean) - Có cô bạn thân xa quê đã lâu, vừa trở về đầu Thu này. Chưa kịp hàn huyên câu chuyện tha nhân, bạn đã túm lấy tay hỏi: “Có đường nào bán bánh mướt, bánh gói, cháo lươn kiểu xứ Nghệ ta không?”. Ở Thành phố Vinh, mấy món “xứ Nghệ ta” đâu phải hiếm, nhưng chúng cùng “họp mặt” để tiện chiều lòng những người con thèm nhớ món quê, có lẽ chỉ có ở đường Đặng Tất...

Đường Đặng Tất dài ngót cây số, bề rộng dễ chỉ độ hơn 3m, đầu này giao với Đinh Công Tráng, đầu kia cắt đường Ngư Hải. Tả sơ thế để biết, con đường thực ra chỉ như ngõ nhỏ; mà ngõ nhỏ, thì bao giờ cũng gợi những thiện cảm và gần gũi. Đường san sát nhà cửa mở sát mặt tiền, đối diện nhau, bày bán những hàng quà sáng, quà chiều đa dạng. Ấy là người dân nơi đây cũng thức thời nhạy bén mà biến chuyển theo nhịp nhu cầu ẩm thực của người phố thị. 
images1059170_m_t_g_c____ng___ng_t_t__con____ng__m_th_c_th_nh_vinh.jpgĐường Đặng Tất.
Nói vậy, nhưng ở đường Đặng Tất, không phải món gì cũng xuất sắc. Có món ăn mê li, nhưng có món chỉ ăn tạm được thôi. Thì hãy bằng tình thương mến một con đường thú vị trong thành phố, mà thể tất những gì chưa như ý. Chúng ta chỉ bàn đến điều đẹp đẽ, để những người xa quê như cô bạn thân tôi, lưu lại trong ký ức nét ẩm thực quê hương bình dị mà thân thương. Như món bánh gói đặm đà, như thức bánh mướt mỏng tang tựa hồ tờ giấy lụa, như bát cháo canh mộc mạc mà gói cả trời ấu thơ vụng dại…
Hàng bánh gói nổi tiếng trên đường Đặng Tất.
Thế thì đầu tiên là bánh gói. Bánh gói ở đường Đặng Tất được xem là “có tiếng” nhất Thành Vinh. Bánh gói chỉ bán vào buổi chiều - thời điểm tan tầm đông nghịt người và xe, lại càng thêm chật ních bởi những thực khách gần xa tìm đến. Hàng quán cũng chẳng cầu kỳ sang trọng, mà rõ nét bình dân ngay từ biển hiệu dựng nghiêng, những dãy bàn ghế nhựa cũ chẳng mấy khi xếp hàng thẳng thớm, bởi chưa kịp chào lượt khách đi đã phải đón lượt khách đến. Đông như thế, nên thưởng thức món bánh dân dã ấy, thực khách phải rèn cái tính đợi chờ kiên nhẫn. Chưa quen thì chớ, chứ nếu quen rồi, cũng không lấy sự chậm trễ ấy làm điều phiền muộn. Hai thùng bánh to sôi sùng sục trên bếp lửa lò, cứ thoắt thoắt lại mở ra một lần. Cô hàng bánh phải trang bị găng tay dày, nheo mắt, nghiêng người, nhón tay thoắt một cái thật nhanh vài dây bánh. Trong lúc chờ đến lượt mình được phục vụ, thì ngắm nghía đường sá mờ ảo qua làn khói bánh, ngẫm nghĩ nhiều sự đời thú vị đang trôi vèo trước mắt, âu cũng là cái thú góp vào cho tình yêu ẩm thực thêm thăng hoa.
 
Lan man chút ít về chuyện bánh trái, cũng là dụng ý ngợi ca một con đường trong lòng phố, vẫn còn giữ được sự mộc mạc của những món quà quê, để lưu nhớ bước chân người ở phố. Gần nhà tôi, có một cụ bà đã cận bát tuần, xuôi theo lời “vận động” của con cái mà từ quê di cư ra phố. Mà phố thì hấp dẫn với ai, chứ với những người đã qua “dốc dài” như cụ, phố phường chỉ đồng nghĩa với sự tù túng, bí bức. Biết làm sao được? Ở lâu, cụ cũng cố tìm cho mình một thú vui khuây. Sáng sáng, cụ dậy thật sớm, dò dẫm từ ngõ nhà mình sang đường Đặng Tất. Ban đầu, ai cũng tưởng cụ đi ăn sáng, vì thức quà sáng ở đường ấy thì cơ man món. Sau, người cháu mới tò mò đi theo, phát hiện ra cụ ngồi ăn trong quán bánh mướt đầu đường. Chỉ một đĩa bánh nhỏ, vài lát giò lụa cắt mỏng, cụ ngồi ăn rất nhỏ nhẹ, có điều những câu chuyện với chị chủ hàng thì cứ lan man mãi đến tận khi những thực khách nhí ùa vào ăn sáng cho kịp giờ đi học. Lúc đó, cụ mới đăm chiêu dời vào chiếc bàn nhỏ trong góc, nhìn say mê đôi bàn tay thoăn thoắt quấy bột, tráng bánh, phết lá… của chị chủ hàng. Hóa ra, cụ nhớ quê, nhớ cái chợ Sa Nam “trên bến dưới thuyền” nhộn nhịp hàng quà và gánh bánh mướt gắn với cả thời tuổi trẻ, đến thuở góa phụ vất vả nuôi con. Ở con đường nhỏ này, cụ tìm thấy ký ức của mình, và cái sự mặn chuyện của chị chủ hàng cũng như thực khách bình dân nơi đây cho cụ cảm giác thân thuộc như ở quê nhà.
 
Cũng như nhiều con đường khác ở Vinh, đường Đặng Tất mang trong mình hồn cốt riêng. Đường ít cây xanh (âu cũng là điều trăn trở của nhiều người dân phố) nên bốn mùa qua phố, những cảm thức về Xuân- Hạ- Thu- Đông không ùa ập như những con đường rợp bóng. Ấy nhưng, cái sự khẽ khàng đổi thay của tiết trời lại len lén đến theo một cách riêng. Mùa nào thức nấy, nét ẩm thực đường Đặng Tất đa dạng và phong phú lắm! Khách quen không cần hỏi, tự khắc biết trời se lạnh đầu môi, là ào tìm đến đây để thưởng cái món bánh xèo nhân tôm thơm nức mũi; và tiết trời hãy còn nóng nực, thì hàng bún riêu thanh thanh cuối đường vẫn còn mở chiều lòng khách. Thế nên, hồn cốt của con đường nhỏ bé ấy, cũng là điều níu chân những người con xa- gần của phố, phải chăng nằm ở hương vị ẩm thực thương yêu, mà dẫu có đi khắp phương trời, vẫn cứ đau đáu nhớ...
 
Bài, ảnh: Phương Chi
Đặng Tất (1357-1409) sinh ra và lớn lên tại làng Tả Thiên Lộc, huyện Thiên Lộc, Nghệ An châu, nay là xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông thi đậu Thái học sinh thời nhà Trần và được bổ làm tri phủ Hoá Châu nay là vùng Hải Lăng, Quảng Trị. Sau đó lại chuyển đến huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Tháng 11 năm 1407, tôn thất nhà Trần là Trần Ngỗi xưng đế ở Mô Độ (Ninh Bình), tức là Giản Định Đế, lập ra nhà Hậu Trần, khởi binh chống quân Minh. Do bất đồng về sách lược, Giản Định Đế không bằng lòng với Đặng Tất. Tháng 3 năm 1409, vua Giản Định đóng quân bên bờ sông Hoàng Giang, sai triệu hai tướng đến rồi sai võ sỹ bóp cổ giết chết Đặng Tất. Thi hài Đặng Tất được các con ông mang về chôn ở làng Thế Vinh, huyện Sỹ Vang, ngoại thành Hóa châu (nay là xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế). Mộ ông nằm ở ven bờ Nam sông Hương, cách bến đò Sình khoảng 3 km và cách thành Hóa châu khoảng 7 km. Dân trong vùng tôn ông làm Thành Hoàng. Ngày nay tại Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,.. đều có phố mang tên Đặng Tất.