(Baonghean) - Trước năm 2007, vùng đất chìm hút cuối cơ quan Trung tâm nhân đạo huyện Đô Lương thuộc xóm Trần Phú, xã Lưu Sơn là bãi rác thải của một Xí nghiệp Gốm thuở nào. Nhấp nhô những gò đống gạch ngói, chum, vại vỡ và cơ man đá. Loại đá cuội củ đậu chỉ mới va vào nhau đã tóe lửa. Lại còn đìu hiu những nấm mộ vô chủ. Vùng đất vắng lặng đến nỗi lũ trẻ chăn trâu cũng chẳng buồn đến chăn thả. ấy rồi, có một người phụ nữ với chí làm ăn táo bạo đã khiến cho “đất khó” ấy “hồi sinh”...
...Thực ra, cũng đã có một số hộ dân trong xóm ra đó cuốc xới trồng rau, nhưng rồi lại bỏ hoang bởi cây không sống nổi trên sỏi đá cùng lớp đất sét dẻo như nhựa. Đầu năm 2007, vùng đất tưởng chìm vào quên lãng chợt xôn xao bừng tỉnh khi có bàn tay người đánh thức. Đó là chị Lê Thị Lượng, xóm Trần Phú xin nhận đất trong vòng 20 năm để làm kinh tế trang trại. Chị Lượng cho hay: “Buổi đầu nhìn đất đá mà ngợp, mà lo. Nhưng rất mừng từ đây mình không còn lao đao đi tìm đất mới để lập nghiệp nữa. Được thỏa chí, thỏa sức làm kinh tế trên mảnh đất quê mình là hạnh phúc rồi. Đây là lần thứ ba tôi làm trang trại mà bác”.
Ngồi đối diện chuyện trò với tôi là người đàn bà đã quá tuổi 50, nhưng nhanh nhẹn và năng động trong tư duy làm kinh tế. Người đàn bà nông dân ấy đã không chịu “yên phận” với 6 sào ruộng và chăn nuôi lợn, gà nhỏ lẻ. Gia đình có 10 nhân khẩu, hai con đang ăn học, chồng bộ đội chuyển ngành, rồi về hưu với đồng lương ít ỏi. Vợ chồng chị còn phải phụng dưỡng bố mẹ già và cưu mang mấy đứa em chồng trí não không bình thường. Chị Lượng kể: “Tôi đã đem mấy o, chú sang vùng núi Hàn, núi Sướn, huyện Thanh Chương nhận đất trồng 20 ha rừng từ năm 1996 - 1998. Trước đó 3 năm tôi từng xin nhận đất làm trang trại ở xã Thanh Mỹ, Thanh Chương 5 năm; rồi cuối cùng phải trở về quê vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, bố mẹ và chồng đau yếu luôn, con cái còn nhỏ lại còn ruộng vườn. Tôi về làm ruộng và dựng lò sản xuất gạch ngói”.
Có đất rồi nhưng để đất cằn trơ sỏi đá trổ hoa tươi tốt là cả một chặng đường gian nan, là sự đầu tư sức người, sức của với bao nghĩ suy trăn trở. Chị quyết định đổi 6 sào ruộng màu mỡ, thuận lợi tưới tiêu lấy 6 sào ruộng cằn liền vùng đất mới đưa diện tích trang trại lên 1,2 ha. Suốt 3 năm ròng với 4 lao động trong gia đình, cùng 7 nhân công nữa đã chuyển đi hàng trăm xe ô tô, bò lốp gạch đá làm tuyến đường nối từ làng vào trang trại. Bóc lớp đất sét dày 30 cm làm nguyên liệu đóng gạch xây bờ rào, rồi đưa đất phù sa về thay thế. Quy hoạch trang trại thành nơi trồng lúa, trồng màu, đào ao nuôi cá, làm chuồng trại chăn nuôi. Quy tập những ngôi mộ vô chủ về nghĩa trang. Được sự giúp đỡ của lãnh đạo địa phương, ngân hàng cho vay vốn, người thân hỗ trợ, trang trại gia đình chị Lượng ngày một “sáng” lên.
Năm 2010, gia đình chị Lượng bán nhà, vườn trong xóm ra với trang trại. Sau 7 năm làm lụng, đất đã không phụ công người khi nguồn thu nhập đã gấp nhiều lần so với thâm canh cây lúa từ 6 sào ruộng những năm trước.
Đi trong khu trang trại rợp bóng cây ăn quả, mướt màu xanh của lúa, ngô và xôn xao những mặt ao cá quẫy, nhìn phía trên cao kia là chuồng trại chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà. Khu nhà ở của gia đình nép dưới những tán cây xanh mát. Chỉ nhìn dãy tường rào dài dằng dặc bằng gạch bao quanh đã cảm nhận vô vàn giọt mồ hôi thấm đẫm đất đai này.
Tôi hỏi về nguồn thu trung bình mỗi năm? Chị Lượng nhẩm tính: “6 sào ruộng mỗi năm cho 3 tấn thóc cùng mấy sào ngô là nguồn lương thực của gia đình và chăn nuôi. Hai ao cá diện tích 0,5 ha vừa sản xuất cá giống vừa nuôi cá thịt thu 100 triệu đồng/ năm, cộng thêm 100 triệu đồng từ lợn, gà, trâu, bò và sản xuất gạch mộc phục vụ các lò ngói trong huyện... Mừng là số tiền vay gần 1 tỷ đồng đã trả gần hết, giờ chỉ còn nợ 50 triệu đồng”.
Bà chủ trang trại còn cho tôi biết về tương lai và những chuyển đổi cây trồng, vật nuôi sắp tới. “Gia đình tôi sẽ xin được sử dụng đất thời hạn 50 năm mới bõ đầu tư công sức và tiền của, cùng hiệu quả kinh tế. Mấy năm trước nuôi đàn gà hàng ngàn con nhưng lãi không được bao nhiêu vì dịch bệnh, giá thức ăn tăng cao, giá gia cầm lại hạ. Sắp tới sẽ tập trung cho cá, nuôi bò nhốt, bò gầy vỗ béo và đàn lợn nái. Hiện tại mới chỉ có 3 con trâu bò và đàn lợn vài chục con”.
Tôi nhìn ra cuối vườn, tiếng máy đào, máy ủi rộn rã, cái ao thay thế diện tích 6 sào lúa đang dần hoàn thiện. - “Ao đào sâu đến 4 mét, có nguồn nước từ kênh thủy lợi xã, mình chủ động điều tiết nước nên cá chóng lớn lắm. Những trắm đen, mè, trôi chép, gáy... xấp xỉ từ 4 - 6kg mỗi con”. Chị Lượng nói trong niềm vui mùa màng.
Được biết, Lưu Sơn là 1 trong 3 xã điểm về mô hình xây dựng nông thôn mới của huyện Đô Lương - Trang trại của gia đình chị Lê Thị Lượng là 1 trong 2 mô hình kinh tế VAC đưa vườn ra đồng tiêu biểu của xã.
Võ Văn Vinh