Đời sống kinh tế vật chất của người cao tuổi (NCT) hiện nay đã được cải thiện, cùng với sự phát triển chung của toàn xã hội, nhất là ở đô thị. Tuy vậy một bộ phận không nhỏ NCT hiện nay đời sống vẫn còn rất chật vật, khó khăn. Ngay ở phường Trường Thi (TP. Vinh) vẫn còn tới 12 cụ đang thuộc diện hộ nghèo, chủ yếu họ rơi vào diện không được hưởng chính sách.

761782_small_40526.jpgCLB dưỡng sinh của Hội NCT xã Diễn Cát - Diễn Châu. Ảnh: Sỹ Phúc
Từ nhiều năm qua, Hội NCT Nghệ An đã tích cực hưởng ứng các phong trào dựa trên hai tiêu điểm chính, đó là: "Ra sức rèn luyện thân thể nâng cao sức khoẻ và tích cực xây dựng gia đình ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền". Hầu hết cấp hội phường xã đều thành lập CLB sức khoẻ NCT thường xuyên luyện tập, nhiều CLB đã may sắm đồng phục cho các cụ luyện tập và đồng diễn, thuê chuyên gia hướng dẫn các bài tập dưỡng sinh, thái cực quyền... bằng kinh phí của hội và sự giúp đỡ của địa phương. Tiêu biểu như CLB sức khoẻ NCT phường Trường Thi có 117 cụ tham gia hầu hết các môn thể thao như thể dục dưỡng sinh, thái cực quyền, cầu lông, đánh cờ... Toàn phường có 6 sân tập thể dục buổi sáng được duy trì thường xuyên, thu hút đông đảo người tham gia trở thành nề nếp. Điển hình như cụ bà Võ Thị Oanh năm nay đã 85 tuổi là mẹ của hai liệt sỹ vẫn tham gia luyện tập thường xuyên. CLB sức khoẻ NCT phường đã góp kinh phí thuê chuyên gia và may sắm đồng phục cho thành viên hàng chục triệu đồng. Trong các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, dịp Xuân về Hội NCT phường luôn đạt nhiều giải thưởng cao của tỉnh và thành phố về Văn nghệ, TDTT. Kinh nghiệm để duy trì và phát triển các hoạt động của NCT ở đây là luôn có sự động viên, khơi dậy lòng nhiệt tình và tự giác của các hội viên, mặt khác có sự sắp xếp thời gian tập luyện một cách khoa học giữa các môn. Nhiều nơi do sắp xếp thời gian các môn tập như giữa trường sinh đạo và thái cực quyền cùng thời gian, tạo nên sự "chống nhau" dẫn đến làm giảm sự hào hứng luyện tập của NCT.

Nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh các phong trào hoạt động của NCT ngày càng phát huy hiệu quả, giúp họ thực sự "sống vui, sống khoẻ, sống có ích". Theo chúng tôi, cần có những giải pháp phối hợp và hỗ trợ thiết thực hơn nữa. Đầu tiên, khi NCT ốm đau tật bệnh, vào dịp mừng thọ năm chẵn hay khi qua đời, Hội NCT kết hợp cùng gia đình, các đoàn thể địa phương đứng ra tổ chức một cách chu đáo, trang trọng là thể hiện nét văn hoá mang tính nhân văn sâu sắc có tác động tích cực đến đời sống tinh thần NCT nói riêng và toàn xã hội. Thứ hai phong trào khuyến học từ gia đình đến xã hội nếu có sự tham gia tích cực của NCT sẽ mang lại hiệu quả cao nhờ vào nền nếp gia phong mà NCT là mẫu mực. Qua thực tiễn các gia đình và dòng họ khuyến học ở Nghệ An đã thể hiện rõ điểm này. Thứ ba để giúp cho phong trào hoạt động của NCT như văn nghệ, TDTT duy trì nề nếp rất cần có kinh phí, do vậy cần kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp... giúp Hội NCT trong các dịp lễ tết làm phần thưởng các giải hội diễn, hội thao, in ấn các tập sách, mừng thọ... Nên chăng, các quỹ phúc lợi, từ thiện do NCT ở địa phương tự nguyện đóng góp trích lại làm kinh phí cho các hoạt động của NCT ở địa phương đó. Năm 2006, dù theo quy định NCT từ 60 tuổi trở lên được miễn đóng góp các quỹ song Hội NCT phường Trường Thi vẫn tự nguyện đóng góp các quỹ từ thiện được 172 triệu đồng, trong khi kinh phí hoạt động của Hội NCT còn rất eo hẹp. Thứ tư có giải pháp giúp các Hội NCT xây dựng quỹ xoá đói giảm nghèo từ nhiều nguồn. Riêng quỹ XĐGN của Hội NCT phường Trường Thi đã có 44 triệu đồng, mỗi năm cho hội viên vay giúp cho từ 5- 6 cụ gặp khó khăn thoát nghèo là một ví dụ. Thứ năm tổ chức MTTQ các cấp cần nghiên cứu để có sự phối hợp hoạt động hài hoà, linh hoạt giữa các tổ chức chính trị - xã hội với Hội NCT như Hội CCB, Hội Khuyến học, Hội Hưu trí... trong đó NCT đóng vai trò nòng cốt.
Mai Hồ Minh - Tạp chí Văn hóa N.A