Xem kỳ 1
Kỳ 2

Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cũng đã có chỉ thị và quyết định số 1306 ngày 20/06/2005 về việc cấm sử dụng công quỹ, vận động tài trợ, sử dụng trái mục đích và xử lý kỷ luật những tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương làm trái, hoặc cố ý làm trái gây lãng phí, tốn kém công quỹ trong khi tổ chức lễ kỷ niệm ngày truyền thống, ngày thành lập ngành. Nội dung về việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm đạo đức lối sống. Ở mục 2 quy định kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ) đối với những đảng viên có vi phạm như sau: “sử dụng tiền của, tài sản, phương tiện của nhà nước, của tập thể, tiền quyên góp của nhân dân, hoặc yêu cầu cấp dưới, các tổ chức, cá nhân đóng góp tiền để biếu xén, hối lộ, sử dụng cho cá nhân, cho tập thể của mình hoặc sử dụng sai mục đích.”

 

1- Lập quỹ nội bộ, vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính

 

Thế nhưng ông Hiệu trưởng trường THPT Quỳnh Lưu 2 hoặc chưa tiếp nhận chủ trương này, hoặc vì muốn phô trương thành tích đã bằng mọi cách huy động các nguồn tài chính, kể cả việc ông tự mình vào Miền Nam vận động số học sinh cũ đã thành đạt đóng góp tiền của, để rồi tổ chức linh đình lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập trường. Theo nội dung giải trình ngày 29 tháng 8 năm 2007 của cô Phan Thị Quế, nguyên là kế toán của trường thì số thu các nguồn đóng góp là 211 triệu 500 nghìn đồng và 400 đô la. Điều đáng quan tâm là số tiền này được ông Nguyễn Văn Minh với tư cách chủ tài khoản chỉ đạo lập sổ sách kế toán riêng trái với Luật quản lý tài chính và kế toán, thực chất là cố tình lập Quỹ nội bộ để dễ dàng lách luật, chi tiêu sai quy định quản lý tài chính của Nhà nước. Điều lạ lùng và vô nguyên tắc hơn nữa là ông Nguyễn Văn Minh thay kế toán tự hạ bút ghi số chứng từ thu, chi mặc dù kế toán Phan Thị Quế đã để trống vị trí điền số thứ tự chứng từ.

Ông hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh duyệt chi quỹ nội bộ vào những mục đích gì vậy?

Trước hết duyệt chi tiếp học sinh cũ hết 13 triệu 722 nghìn đồng; tiếp giáo viên cũ trên 8 triệu 349 nghìn đồng; cộngcác khoản chi khác hết tất cả 178 triệu 101 nghìn đồng. Chưa kể viện dẫn lý do và “công lao” kêu gọi các nguồn tiền đóng góp, ông Nguyễn Văn Minh gợi ý với Hội đồng, công đoàn trường biểu quyết giơ tay“trích thưởng” cho ông 10 triệu đồng. Chắc chắn số tiền chi vào chuyến công tác phía Nam kêu gọi tài trợ, đóng góp tiền cho ngày lễ kỷ niệm trường của ông Nguyễn Văn Minh được thanh toán từ công quỹ của Nhà nước. Nhà trường đã có nhân viên chuyên môn sử dụng vi tính thiết kế, trình bày văn bản các loại nhưng không hiểu vì lý do gì, năm học 2006 – 2007, ông Hiệu trưởng tiếp nhận hợp đồng một nữ đánh vi tính với mức lương phải chi trả 500 nghìn đồng mỗi tháng. Cũng chẳng biết căn cứ vào văn bản, chủ trương của cấp có thẩm quyền nào cho phép ông Nguyễn Văn Minh thông qua Hội cha, mẹ học sinh để “thu hỗ trợ dạy và học” một em 20 nghìn đồng/ mỗi khoá học. Chưa hết, ông Nguyễn Văn Minh còn tự đặt mức thu mỗi học sinh 30 nghìn đồng vùng nửa đồi núi và 50 nghìn đồng vùng đồng bằng để “xây dựng phòng vi tính”. Không biết quy định này đã được Hội đồng nhân dân huyện Quỳnh Lưu, Phòng Giáo dục đào tạo Quỳnh Lưu và Sở giáo dục đào tạo Nghệ An được trình báo, giải trình, biểu quyết, rồi cho phép thực hiện hay chưa? Thầy giáo Hồ Văn Giáp kiến nghị thanh tra Sở Giáo dục – Đào tạo làm sáng tỏ những dấu hiệu tiêu cực của ông hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh như sau: “Dùng công quỹ chúc tết hết 8 triệu đồng; dùng công quỹ sắm lễ cúng tế trong phòng làm việc của Hiệu trưởng; tự mình đặt ra mức chi nội bộ trái quy định như: hội, họp, công tác phí, tiếp khách. Cũng theo thầy Giáp, ông Nguyễn Văn Minh tự cho mình được hưởng nhiều, và cao hơn phần trăm các khoản chi tiền dạy ôn thi tốt nghiệp cuối cấp; tiền dạy thêm; tiền trích từ khoản đóng góp đầu cấp của học sinh lớp 10; và tiền làm thêm giờ. Trường có 22 lớp bán công và bổ túc văn hoá, ông Minh tự cho mình hưởng tiền phụ trách lớp với số lượng 40 nghìn đồng/ một lớp - bình quân mỗi tháng, ông Minh ”thu nhập thêm”từ khoản này gần 1 triệu đồng. Vấn đề đặt ra ở đây không đơn thuần là mức “thu nhập thêm” cao hay thấp, từ nguồn thu chi trái quy định của một ông Hiệu trưởng mà bản chất vụ việc liên quan đến quyền hạn, trách nhiệm đến đâu, cấp nào cho phép, vai trò giám sát của tập thể chi bộ Đảng, thanh tra công nhân viên chức đã thực hiện như thế nào để tình trạng “lộng hành, mất dân chủ” ở trường THPT Quỳnh Lưu 2 kéo dài như vậy. Ngay như kết quả đánh giá thực chất chất lượng học tập ở trường THPT Quỳnh Lưu 2 những năm trước (cụ thể là 2005-2006) cũng cần phải xem xét lại, nhất là sự việc tuyển sinh đầu vào , dẫn đến tình trạng “chạy chọt” vào lớp 10 làm mất uy tín ông hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh. Bà Hồ Thị Liên ở xóm 7 xã Quỳnh Văn, ông Hồ Văn Lưu ở xóm 6 Quỳnh Văn đều cam đoan với nhà báo là đã đưa tiền đút lót cho ông Nguyễn Văn Minh, vợ ông Nguyễn Văn Minh từ 1 đến 2 triệu đồng.

2- Bài học không chỉ dành cho THPT Quỳnh Lưu 2

Thực hiện cuộc vận động “2 không và mới đây là 4 không” trong ngành giáo dục ở phạm vi toàn quốc, ngành Giáo dục – Đào tạo tỉnh ta sau khi nghiêm túc thực hiện đã rút bài học đắt giá từ trường THPT Kim Liên (Nam Đàn), THPT Nam Đàn 2, THPT Thanh Chương 3, THPT Phạm Hồng Thái (Hưng Nguyên), THPT Đông Hiếu (Nghĩa Đàn), THPT Hoàng Mai (Quỳnh Lưu) và mới đây là trường THPT Quỳnh Lưu 2, trường THCS Hà Huy Tập (TP. Vinh). Điều đáng lo ngại là phần lớn số cán bộ này đều mắc sai phạm nghiêm trọng về quản lý tài chính và đạo đức nghề nghiệp. Sau xử lý kỷ luật từ cảnh cáo, cách chức, miễn nhiệm đến chuyển vị trí công tác, thậm chí giải quyết chế độ nghỉ hưu cho “hạ cánh an toàn” trước niên hạn. Theo nhận xét của một số chuyên gia đầu ngành và nhiều giáo viên thì ông Hiệu trưởng bậc THPT này gần như không còn khả năng dạy bộ môn của mình nữa, mặc dù trước đó họ từng là giáo viên, được bổ nhiệm và làm cán bộ quản lý chưa bao lâu. Một vấn đề rút ra tại các trường để xẩy ra tiêu cực là vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị, tư tưởng, giám sát của tổ chức cơ sở Đảng ở đây có mặt sa sút, yếu kém, mất sức chiến đấu...Tương tự, tổ chức công đoàn ở những trường này cũng không phát huy chức năng giám sát thực hiện quy chế dân chủ thường xuyến, cán bộ công đoàn thụ động trước biểu hiện quyết định độc đoán của hiệu trưởng. Hoạt động thanh tra công nhân viên chức chỉ là hình thức, thậm chí tê liệt. Đã đến lúc ngành Giáo dục – Đào tạo cần có quy chế chặt chẽ về tuyển chọn, bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng đánh giá năng lực quản lý, đạo đức nghề nghiệp theo định kỳ, tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm và từng khoá học cho chức danh Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, Bí thư chi bộ. Không nhất thiết cơ cấu Hiệu trưởng kiêm nhiệm chức Bí thư chi bộ. Và nội dung thanh tra, kiểm tra hàng năm ngoài chất lượng giảng dạy, học tập thuộc hệ thống trường học phổ thông, chuyên nghiệp, ngành Giáo dục – Đào tạo, Huyện uỷ, Thành uỷ, Thị uỷ cần có quy chế xem xét kỹ càng nguyên tắc quản lý tài chính, quy chế dân chủ, chất lượng xếp loại, mức độ phân loại cấp uỷ, chi bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ vai trò quản lý, lãnh đạo. Cũng cần thiết phải tổng kết rút bài học về công tác xây dựng Đảng, củng cố vai trò tổ chức công đoàn trong hệ thống trường học. Cần thiết chuẩn hoá đội ngũ quản lý các bậc và cấp học, tránh tình trạng bổ nhiệm rồi mới cho đi bồi dưỡng và đào tạo quản lý. Có như vậy mới góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục và không để mất cán bộ quản lý như đã từng xẩy ra trong những năm gần đây.


Trung Trực - Vương Trần