Hai năm mòn mỏi chờ chế độ, chính sách
Một ngày đầu tháng 12/2021, để tìm hiểu những phản ánh từ gia đình của một liệt sỹ trở về sau 42 năm báo tử về những thắc mắc liên quan việc thực hiện chế độ, chính sách ở địa phương, chúng tôi trở lại khối 14, phường Quỳnh Xuân (TX. Hoàng Mai), gặp lại ông Nguyễn Duy Phổ sau gần 2 năm. Trước đó, tháng 2/2020, chúng tôi cũng đã gặp ông Nguyễn Duy Phổ khi ông vừa mới trở về từ Campuchia sau 42 năm gia đình ông nhận được tấm giấy báo tử, báo tin ông hy sinh ở chiến trường phía Nam.
Nhớ lại sự kiện trọng đại của gia đình, ông Nguyễn Duy Lữ, em trai ông Phổ kể lại: “Đó là ngày 13/2/2020, hay tin anh Nguyễn Duy Phổ trở về, họ hàng, làng xóm đến chật nhà, chờ đợi trước cửa để đón anh”.
Theo lời kể của người thân và xóm giềng cũng như xác nhận của chính quyền địa phương, ông Phổ là người con của quê hương Quỳnh Lưu trước đây, nay là thị xã Hoàng Mai. Ông nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc vào tháng 3/1978. Đến năm 1981, gia đình ông Phổ nhận được giấy báo tử, báo tin ông đã hy sinh ở chiến trường Campuchia. Từ năm 1981 đến nay, đã 42 năm người mẹ già của ông Phổ và gia đình, họ hàng của ông đã tưởng chừng như không bao giờ được gặp lại con, anh, em mình nữa.
Nhưng nhờ cơ duyên gặp gỡ, được sự giúp đỡ bằng cả tấm chân tình thương người như thể thương thân của bà Châu Bích Huệ - một người phụ nữ ở An Giang, ông Nguyễn Duy Phổ mới có thể trở về quê hương, đoàn tụ cùng gia đình sau 42 năm.
Bà Châu Bích Huệ kể rằng, năm 1979, khi mới là cô bé mười lăm, mười sáu tuổi, từ quê hương Châu Đốc (An Giang), bà được mẹ cho sang thăm nhà cô ruột ở tỉnh Công Pông Chàm, đất nước Campuchia. Một lần ra con suối gần nhà người cô, cô bé Châu Bích Huệ bắt gặp một người đàn ông mặc đồ quân nhân Việt Nam nằm bất tỉnh bên bờ suối, đầu tóc, mặt mũi bê bết máu. Cô đã chạy về nhà báo cho bà cô biết, rồi cả hai cô cháu đưa người bị thương về nhà. Người đàn ông đó chính là ông Nguyễn Duy Phổ.
Lúc đó, bà Châu Bích Huệ cho hay, hai cô cháu đã run rẩy, có phần sợ hãi khi xử lý vết thương cho ông Phổ bởi máu chảy quá nhiều. Trong nhà không có vật dụng y tế hay thuốc men gì, hai cô cháu chỉ biết lấy nước sôi để nguội pha với một ít muối để vừa rửa vết thương, vừa sát trùng. “Tôi và bà cô đã phải lấy dao lam cạo tóc của anh Phổ, rồi rửa vết thương, máu me dính bết. Khi cạo tóc mới thấy đầu đạn vẫn còn găm trên đầu anh Phổ, một phần găm vào da đầu, hai phần trồi ra ngoài. Tôi nhổ đầu đạn ra khỏi đầu anh. Hai cô cháu chăm sóc, điều trị cho anh suốt 7 tháng trời mới có thể bình phục, đi lại được”, bà Huệ nhớ lại.
Bà Huệ cũng cho biết, lúc đó, tuy đã bình phục sau 7 tháng trời điều trị, chăm sóc, nhưng ông Nguyễn Duy Phổ bị mất trí nhớ, chỉ biết mình tên là Phổ, quê ở Hà Tĩnh, còn tất cả thông tin về gia đình, đơn vị ông đều không nhớ. Cảm thông cho hoàn cảnh của người quân nhân Việt Nam, cô của bà Châu Bích Huệ là bà Ba Cheét đã nhận ông Phổ làm con nuôi, nhập quốc tịch Campuchia và đặt tên là Hùng.
“Ngày tôi dẫn anh Phổ về đến nhà, người đến rất là đông. Nhưng anh Phổ thì không nhớ ai cả. Ngay cả mẹ già đứng trước mắt, mếu máo khóc đón con mà anh cũng không nhận ra”, bà Huệ kể.
Trong ngôi nhà của em trai ông Phổ, bà Lê Thị Thơi, mẹ của ông Nguyễn Duy Phổ, 89 tuổi, mắt đã mờ, chân đã chậm, nhưng gương mặt của người con trai cả Nguyễn Duy Phổ thì bà không bao giờ quên. Đã hơn 40 năm không biết bao nhiêu lần bà khóc vì thương nhớ con, và bây giờ một lần nữa nước mắt mẹ già lại rơi. Ngồi nghe mọi người kể chuyện, bàn tay nhăn nheo của bà Thơi run run cầm lấy bàn tay của con trai, rồi bà vòng tay qua vai ôm con trai vào vòng tay mình. Bà Thơi chỉ im lặng và âu yếm nhìn ông Phổ, đứa con trai cả mà cách nay 42 năm bà đau đớn nhận tấm giấy báo tử. Còn em gái ông Phổ - bà Nguyễn Thị Quyến, chốc chốc lại sụt sùi vì xúc động. Trở về sau bao nhiêu xa cách, nhưng do mất trí nhớ nên suốt cả tuần đầu tiên hội ngộ, ông Phổ không nói rành rõi tiếng Việt được, bởi đã quá lâu ông không sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, phải nhờ bà Bích Huệ phiên dịch.
Niềm vui đoàn viên khiến bao người không cầm được nước mắt vì sung sướng, xúc động. Song, đằng sau những giọt nước mắt đoàn viên ấy còn là cả những nỗi niềm của người trở về. Và có cả những giọt nước mắt xót xa, thương cảm cho cuộc sống quá nghèo khổ mà ông Nguyễn Duy Phổ đã phải trải qua hơn bốn mươi năm. Bà Nguyễn Thị Quyến nói trong nước mắt: “Mẹ và các em thương anh Phổ lắm. Muốn anh ở lại Việt Nam sống cùng mọi người cho bớt khổ”. Chúng tôi hỏi nguyện vọng của ông Phổ như thế nào sau khi đã tìm được gia đình, ông nói “muốn ở lại Việt Nam”.
Nhưng ông Nguyễn Duy Phổ cũng bộc bạch rằng, ông muốn xin các em mỗi người một ít tiền để sang Campuchia chữa bệnh cho vợ, đón vợ về cùng. Và ông cũng lo lắng vì không biết có thể ở lại quê nhà hay không, khi mà không có một thứ giấy tờ nào, không có nhà cửa cũng như kế sinh nhai để có thể nuôi nổi bản thân. Vết thương trên đầu của ông mấy chục năm nay vẫn đau nhức, trái gió, trở trời lại hành hạ khiến sức khỏe ông suy giảm, không lao động nặng nhọc được.
Ông Nguyễn Duy Phổ trở về, theo quy định của pháp luật, Ban CHQS thị xã Hoàng Mai và chính quyền địa phương đã thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công và Giấy chứng nhận liệt sỹ của ông Nguyễn Duy Phổ vào ngày 23/2/2020. Lúc này, ông Phổ chí có duy nhất 1 tấm thẻ căn cước công dân Campuchia. Để thực hiện các chế độ, chính sách cho ông Phổ, UBND thị xã Hoàng Mai và và Ban CHQS thị xã đã hướng dẫn người nhà ông Nguyễn Duy Phổ thực hiện thủ tục cấp chứng minh thư nhân dân, nhập quốc tịch cho thân nhân của mình.
Theo ông Nguyễn Duy Sinh - em trai của ông Phổ, việc phiên dịch từ tiếng Campuchia sang tiếng Việt để làm chứng minh nhân dân cho ông Phổ gặp khó khăn, bởi phải gửi giấy tờ ra Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh mới có thể làm được. Thêm vào đó, thời điểm từ tháng 3-5/2020, dịch Covid-19 bùng phát, Nghệ An hầu như phong tỏa nhiều địa phương nên tiến độ làm giấy tờ, thủ tục cho anh mình bị trì hoãn một thời gian dài. Đến tháng 9/2020, thủ tục cấp chứng minh nhân dân cho ông Nguyễn Duy Phổ mới được hoàn tất.
Song từ tháng 9/2020 đến nay, sau gần 2 năm, việc thực hiện các thủ tục công nhận ông Nguyễn Duy Phổ là thương binh vẫn chưa có kết quả.
Đi tìm nguyên nhân
Theo các văn bản tại hồ sơ đề nghị xét duyệt công nhận thương binh cho ông Nguyễn Duy Phổ, tháng 2/2020, sau khi ông Phổ trở về từ Campuchia, gia đình đã làm đơn trình báo sự việc lên các cấp chính quyền ngay trong tháng 2/2020. Đến ngày 23/3/2020, UBND phường Quỳnh Xuân đã nhận bàn giao từ gia đình ông Nguyễn Duy Phổ Bằng Tổ quốc ghi công (được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 22/12/2010 theo Quyết định số 135/TTg ngày 14/5/1986) và Giấy chứng nhận liệt sỹ số 105-BT/CL. Điều đó có nghĩa là các cấp chính quyền, cơ quan chức năng đã thu hồi lại các giấy tờ liên quan liệt sỹ Nguyễn Duy Phổ sau khi xác nhận ông Phổ còn sống và trở về. Sau đó, đến tháng 7/2021, chính quyền xã Quỳnh Xuân mới có cuộc họp hội đồng xác nhận người có công, xem xét đề nghị xác nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đối với ông Nguyễn Duy Phổ. Đến tháng 8/2021, các hồ sơ và thông tin về ông Nguyễn Duy Phổ được niêm yết công khai tại UBND phường Quỳnh Xuân.
Ngày 3/12, chúng tôi có cuộc trao đổi với Trung tá Hồ Xuân Tiến - Chính trị viên phó Ban CHQS thị xã Hoàng Mai về tiến độ thực hiện các chế độ, chính sách cho ông Nguyễn Duy Phổ.
Trung tá Hồ Xuân Tiến cho biết, ngày 14/5/2021, Ban CHQS thị xã Hoàng Mai có Công văn số 498/CV-BCH về việc tổng hợp báo cáo số hồ sơ liệt sỹ, thương binh, bệnh binh đã xác lập gửi ban CHQS 10 xã, phường trên địa bàn thị xã. Công văn yêu cầu các ban chỉ huy quân sự xã “tổng hợp danh sách các liệt sỹ, thương binh, bệnh binh đã báo cáo lên thị xã… Đẩy nhanh tiến độ duyệt thẩm định hồ sơ xác nhận liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng thực hiện theo Nghị định 31/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ; Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP”. Ban CHQS thị xã yêu cầu báo cáo, gửi các hồ sơ đủ điều kiện về Ban Chính trị trước ngày 17/5/2021”. Song, đến thời điểm tháng 5/2021, các thủ tục, hồ sơ của ông Nguyễn Duy Phổ chưa được thực hiện, lý do chủ yếu do giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19.
Cho nên, phải đến tháng 8/2021 mọi thủ tục giấy tờ theo quy định hiện hành mới thực hiện xong. Tuy nhiên, vẫn còn 2 điểm vướng mắc chưa thể hoàn thiện. Thứ nhất, là thông tin khai báo về “đơn vị khi bị thương” của ông Nguyễn Duy Phổ không đồng nhất với thông tin “đơn vị khi hy sinh” tại “Hồ sơ liệt sỹ” được lưu giữ tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh. Những thông tin về đơn vị khi chiến đấu là do bạn cùng đơn vị của ông Phổ cung cấp, còn bản thân ông Nguyễn Duy Phổ do mất trí nhớ nên không thể cung cấp được thông tin về đơn vị của mình. Thứ hai, “thông tin về đơn vị chiến đấu của ông Nguyễn Duy Phổ muốn xác minh, giải mã thì cần phải chờ cấp quân khu thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay Bộ CHQS tỉnh và các cấp liên quan tạm thời dừng tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ, chính sách do đang chờ Nghị định mới của Chính phủ”, Trung tá Hồ Xuân Tiến cho biết.
Ông Nguyễn Duy Trinh - chú ruột của ông Nguyễn Duy Phổ bày tỏ mong muốn ông Phổ sớm được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước. Video: Hoài Thu |
Trao đổi với cán bộ chuyên trách của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và của Bộ CHQS tỉnh về việc tạm dừng tiếp nhận hồ sơ giải quyết các chế độ, chính sách cho người có công với cách mạng, chúng tôi được biết, từ thời điểm 1/7/2021 trở về trước, các chế độ, chính sách cho người có công với cách mạng được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP, là thông tư hướng dẫn xác nhận liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đối với người hy sinh, bị thương trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu từ ngày 31/12/1991 trở về trước không còn giấy tờ” mà ông Nguyễn Duy Phổ là một trong những trường hợp thuộc đối tượng được giải quyết của Thông tư này. Tuy nhiên, Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP hiện nay Chính phủ đang tạm dừng thi hành để chờ ban hành Nghị định, Thông tư mới về hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực từ ngày 1/7/2021. Điều này đồng nghĩa với việc mọi hồ sơ, thủ tục về thực hiện chế độ, chính sách cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh cũng đang phải tạm dừng chờ hướng dẫn mới.
Theo đại diện chính quyền địa phương phường Quỳnh Xuân, hiện tại ông Phổ đang được gia đình, họ hàng cưu mang đùm bọc, giúp đỡ về nơi ăn, chốn ở cũng như các sinh hoạt thường ngày.
“Trong khi chờ thực hiện chế độ, chính sách theo quy định mới của Chính phủ, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành liên quan quan tâm, động viên và hỗ trợ tích cực nhất để ông Nguyễn Duy Phổ sớm đạt được nguyện vọng chính đáng, an tâm sinh sống cùng người thân tại quê hương” - ông Đàm Hữu Hồng - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Hoàng Mai khẳng định./.