(Baonghean) - Hội nghị cấp cao APOTC được tổ chức luân phiên hàng năm tại 8 tỉnh: Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh (Việt Nam); Bôlikhăm xay, Khăm Muộn (Lào); Nakhom Phanom, Sakon Nakhom, Nongkhai (Thái Lan) có sử dụng đường 8 và đường 12, nhằm tăng cường hợp tác trên mọi mặt , khai thác tiềm năng, lợi thế, tô thắm thêm tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan.
Năm 2012, Nghệ An vinh dự đăng cai tổ chức Hội nghị APOTC chính thức lần thứ XVI. Đây là một Hội nghị được đánh giá ngày càng có chiều sâu trong hợp tác toàn diện về các mặt giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, thể thao, thương mại, đầu tư và du lịch… giữa 8 tỉnh thuộc 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan. Qua 15 năm, sự xích lại gần nhau, hiểu nhau, trân trọng tình nghĩa láng giềng đoàn kết, đối tác chiến lược đã xóa đi khoảng cách địa lý, ngôn ngữ, tạo nên bề dày đáng tự hào trong quan hệ đối ngoại, hợp tác giữa 8 tỉnh.
Hội nghị trù bị lần thứ XI tại Noong Khai- Thái Lan.
Trước hết, hoạt động thu hút đầu tư, thương mại, khoa học công nghệ giữa các tỉnh từng bước đi vào thực chất.
Tỉnh Hà Tĩnh đang triển khai Dự án “Hợp tác nâng cao năng lực ứng dụng chuyển giao công nghệ và xây dựng mô hình vườn ươm sản xuất giống cây cao su chất lượng cao cho hai tỉnh Bolykhămxay và Khăm Muộn”. Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh đã triển khai áp dụng hiệu quả và nhân rộng tại nhiều huyện trong tỉnh Hà Tĩnh công nghệ chăn nuôn lợn siêu nạc do Công ty Buntaphan (Thái Lan) giúp đỡ chuyển giao. Hiện nay, Tổng Công ty đang xây dựng dự án hợp tác với Trường Đại học Nakhon Phanom (Thái Lan) về sản xuất phân vi sinh, đã hoàn thành giai đoạn 1 về đánh giá, khảo sát. Cũng từ sự giúp đỡ của tỉnh Nakhon Phanom, Hà Tĩnh đã xây dựng thành công mô hình và điều khiển hoa lan nở theo thời vụ; sản xuất và chăn nuôi bò lai Sarôle bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; hiện đang khảo sát trồng thử nghiệm giống cam Thái Lan...
Tỉnh Quảng Bình đã tổ chức 2 hội chợ thương mại có quy mô: Hội chợ chào mừng Hội nghị cấp cao 9 tỉnh 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan lần thứ XV diễn ra vào tháng 1/2012 và Hội chợ thương mại Du lịch quốc tế Quảng Bình 2 diễn ra vào tháng 6/2012.
Tỉnh Nghệ An phối hợp với Bộ Thương mại Thái Lan và doanh nghiệp thuộc 18 tỉnh Đông Bắc Thái Lan tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại hợp tác 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan tại Nghệ An tháng 8/2012; tham gia gian hàng giới thiệu, quảng bá tiềm năng, sản phẩm Nghệ An tại hội chợ Thương mại du lịch quốc tế Việt Nam - Lào - Thái Lan tại Quảng Bình 2012. Hiện nay, Nghệ An chuẩn bị tổ chức “Hội chợ Thương mại quốc tế Nghệ An 2012” chào mừng Hội nghị cấp cao lần thứ XVI các tỉnh 3 nước sử dụng đường 8 và đường 12 từ ngày 24 - 30/12/ 2012.
Tỉnh Udon Thani (Thái Lan) đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Quảng Bình với sự tham gia của trên 70 doanh nghiệp Thái Lan thuộc các lĩnh vực du lịch, bất động sản, chế biến thực phẩm, sản xuất ô tô. Năm 2012, Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Sakon Nakhon (Thái Lan) và các doanh nghiệp của tỉnh Sakon Nakhon sang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Những năm gần đây, hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, xúc tiến đầu tư qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào - Thái Lan ngày càng phát triển. Ước tính tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh Quảng Bình qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo dự kiến năm 2012 đạt 230 triệu USD; xuất nhập cảnh đạt 290 ngàn lượt người. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Nghệ An sang thị trường Lào năm 2012 tăng 39,548 triệu USD, các mặt hàng chủ yếu gồm vật liệu xây dựng, sắt thép, gạo, vải, sản phẩm gỗ…; xuất khẩu sang thị trường Thái Lan đạt 310 nghìn USD, các mặt hàng gồm hạt tiêu, chè, sản phẩm gỗ. Kim ngạch nhập khẩu sang Lào và Thái Lan đạt hơn 33 triệu USD, gồm các mặt hàng chủ yếu gồm gỗ, thạch cao, xe máy, linh kiện ô tô.
Năm 2011-2012, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Khăm Muộn (Lào) sang Việt Nam là 18.765.502 USD, chủ yếu với các mặt hàng: khoáng sản, gỗ, các sản phẩm gỗ, còn lại là các sản phẩm nông nghiệp; xuất khẩu sang Thái Lan là 4.941.720,12 USD, chủ yếu là xuất khẩu gỗ, các sản phẩm gỗ, khoáng sản, còn lại là các sản phẩm nông nghiệp, thủ công và hàng tiêu dùng.
Trên lĩnh vực giáo dục đào tạo, các tỉnh tiếp tục hợp tác và thúc đẩy sâu hơn trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, bao gồm đào tạo nghề, ngoại ngữ, đại học và sau đại học... Năm 2011, tỉnh Nghệ An tiếp nhận đào tạo 28 sinh viên của Bolykhămxay vào học các trường đại học trên địa bàn tỉnh. Năm 2012, Đại học Sakon Nakhon Rajabhat (Thái Lan) đã tiếp nhận 67 học sinh Lào và 59 học sinh Việt Nam đăng ký các chương trình học tại trường. Các du học sinh được trường cấp học bổng bằng 50%, 70% và 100% học phí.
Năm học 2011 - 2012, tỉnh Nghệ An tiếp nhận 73 sinh viên của 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bolykhamxay đã hoàn thành chương trình sơ cấp tiếng Việt vào học tại Trường Đại học Y khoa Vinh và Trường Đại học Vinh. Trường Đại học Quảng Bình đã ký hợp tác với 30 Trường Đại học Thái Lan, có 151 sinh viên Quảng Bình đang học tại các Trường Đại học Thái Lan và tiếp nhận thêm 15 lưu học sinh tỉnh Khăm Muộn, nâng tổng số lưu học sinh Lào tham gia học tập tại trường lên 90 lưu học sinh.
Cũng trong năm học này, tỉnh Hà Tĩnh nhận đào tạo tiếng Việt và các chuyên ngành cho 196 học viên của hai tỉnh Bolykhămxay và Khăm Muộn. Năm học 2012 - 2013, Nghệ An tiếp tục đào tạo 95 học viên vào học tiếng Việt tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, trong đó tỉnh Bolykhămxay là 30 người. Còn Trường Đại học Sakon Nakhon và Nakhon Phanom đã cử 8 giáo viên qua học tiếng Việt và văn hóa Việt Nam tại Trường Đại học Quảng Bình.
Ngoài ra, đào tạo sau đại học cũng phát triển. Năm học 2011 - 2012, Trường Đại học Lạt Xà Phắt tỉnh Nà Khon Phà Nôm đã tiếp nhận đào tạo thạc sỹ cho 8 cán bộ tỉnh Bolykhămxay; tỉnh Khăm Muộn đã tiếp nhận 4 suất học bổng thạc sỹ từ Trường Đại học Nakhon Phanom (Thái Lan); Đại học Sakon Nakhon Rajabhat (Thái Lan) tiếp nhận 7 cán bộ Lào theo học trình độ tiến sỹ và 1 sinh viên Việt Nam theo học trình độ thạc sỹ.
Bên cạnh đó, các hoạt động trao đổi kinh nghiệm để phát triển du lịch cũng được đẩy mạnh. Tỉnh Nghệ An đã làm việc với Đoàn khảo sát tuyến du lịch theo Hành lang kinh tế Đông – Tây và tham gia Hội thảo về hợp tác phát triển du lịch Việt Nam - Lào tại Viêng Chăn do Tổng cục Du lịch tổ chức (tháng 7/2012). Nhiều đơn vị lữ hành của Nghệ An tiếp tục tổ chức các tour du lịch đi lại giữa 3 nước theo đường 8 đến Lào, Thái Lan và ngược lại. 11 tháng đầu năm 2012, lượng khách Lào và Thái Lan đến Nghệ An đạt 55.000 lượt, bằng 116% so với cùng kỳ năm 2011.
Một thuận lợi nữa trong hành trình giao lưu, hợp tác là việc các tỉnh tiếp tục xây dựng, nâng cấp các tuyến đường nối liền cửa khẩu giữa các tỉnh. Cặp cửa khẩu chính Thà Xà Ạt (huyện Pạk Kà Đính, tỉnh Bolykhămxay, Lào) và Bản Phôn Xay (huyện Bản Pheng, tỉnh Nà Khon Phà Nôm, Thái Lan) đã hoàn thành các công trình hạ tầng và hiện nay đã chính thức mở. Cửa khẩu Thanh Thủy (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) và Cửa khẩu Nậm on (tỉnh Bolykhamxay, Lào) đã được nâng cấp lên cửa khẩu chính, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông qua lại của người dân các tỉnh.
Là trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của khu vực Bắc Trung bộ Việt Nam, là cửa ngõ thông ra biển Đông của vùng Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan, Nghệ An ngày càng đẩy mạnh hợp tác và tăng cường giao lưu với các tỉnh, các nước trong khu vực; đẩy mạnh việc xây dựng hạ tầng cửa khẩu, nâng cấp các cơ sở lưu trú, tạo điều kiện thông thoáng trong các thủ tục thông quan, đồng thời quan tâm, tìm hiểu môi trường đầu tư ở nước bạn để thúc đẩy phát triển của mỗi nước.
Đẩy mạnh hợp tác, khai thác tiềm năng các tỉnh
Châu Lan