(Baonghean) -Mặc dù không ngừng tung ra các đợt khuyến mãi, song doanh số nhiều siêu thị vẫn giảm 10-15% so với năm ngoái, chưa tính trượt giá. Rơi vào vòng suy giảm, hệ thống bán lẻ, siêu thị buộc phải thu hẹp quy mô, giảm lợi nhuận... để tồn tại và tìm thời cơ phát triển.

Một ngày cuối tuần tới siêu thị Metro, dù là ngày nghỉ nhưng chỉ lác đác khách hàng. Chị Lan – quê ở Đô Lương, hiện đang là công nhân Nhà máy Sợi Vinh, tranh thủ tan ca vào siêu thị cùng bạn. Cả tiếng đồng hồ trong siêu thị ngộn hàng, 2 chị chỉ mua vài gói mì tôm cùng chai dầu 1 lít ra quầy thanh toán. Chị Lan chia sẻ: Lương công nhân bọn em chỉ từ 2-3 triệu đồng/tháng nên mua cái gì cũng phải tính toán kỹ. Thỉnh thoảng cũng vào siêu thị nhưng chủ yếu là... ngắm, xem như là hình thức để thư giãn. Một nhân viên tại quầy thanh toán cho biết: Hàng thiết yếu người dân vẫn mua nhưng số lượng hạn chế, đối với đồ gia dụng, vật dụng xa xỉ, đắt tiền bán rất chậm.

787403_small_88181.jpg

Người dân đắn đo khi mua hàng trong hoàn cảnh thắt chặt chi tiêu

Có lẽ chưa bao giờ tình hình khó khăn do kinh tế suy thoái lại hiển hiện rõ ràng như hiện nay. Hầu hết các siêu thị mặc dù không ngừng đưa ra các chiêu khuyến mãi cạnh tranh thu hút người tiêu dùng, song sức mua vẫn giảm mạnh. Chị Lê Thị Lệ Quyên – bộ phận Quản lý chất lượng và hệ thống – Siêu thị BigC Vinh cho biết: Năm nay, doanh số giảm khoảng 10%, chưa kể trượt giá. Nửa đầu năm tăng trưởng tốt hơn do có tháng Tết nhưng 6 tháng cuối năm lượng khách giảm mạnh. Nếu như năm 2011, giỏ mua hàng bình quân 270.000 đồng/khách thì năm nay chỉ đạt 248.000 đồng/khách. Tình hình còn khó khăn hơn ở hệ thống siêu thị Intimex hay Maximax. Một nhân viên bán hàng của Siêu thị Intimex thừa nhận tình hình kinh doanh chậm hơn so với các năm trước. Đầu ra chậm, hàng tồn kho lớn, nhiều nhân viên không có việc làm phải tìm việc khác. Nhân viên còn trụ lại thì phải hưởng mức lương khiêm tốn, chấp nhận mua hàng tồn trừ lương... Theo anh Trần Viết Mạnh – Trưởng phòng kinh doanh siêu thị Maximax thì sức mua giảm mạnh, một phần do cạnh tranh giữa các hệ thống siêu thị trên địa bàn, nhưng quan trọng hơn là do kinh tế khó khăn, người dân cắt giảm chi tiêu. Điều này thể hiện rõ dịp Tết Trung thu vừa rồi, lượng hàng bán ra nhỏ giọt và cũng chỉ bán được phân khúc bánh bình dân.

Không chỉ siêu thị kinh doanh tổng hợp, nhiều siêu thị điện máy cũng lâm vào cảnh ế ẩm, phải thu hẹp quy mô. Thường thì thời điểm lễ Giáng sinh, đón mừng năm mới là cơ hội để các đại lý, cửa hàng tăng doanh số, nhưng hiện nay vẫn trong cảnh đìu hiu. Giám đốc một siêu thị điện máy ở TP.Vinh cho biết, từ giữa năm 2011 đến nay, sức mua hàng điện máy giảm tới 40 - 50%, doanh thu giảm mạnh trong khi hợp đồng thuê mặt bằng đã ký dài hạn, giá thuê không giảm, lương lao động tăng. Chi phí cao, sức mua giảm mạnh, hàng tồn kho lớn nên doanh nghiệp đang đứng trước nhiều rủi ro. Còn chị Cúc- Chủ cửa hàng điện máy trên đường Quang Trung than phiền, kinh doanh khó khăn, để bù đắp chi phí thuê mặt bằng chị phải lấy thêm các mặt hàng mà trước đây chị không làm như ấm siêu tốc, mũ xe máy, nồi cơm điện... để bán thêm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tài Dũng – Phó Giám đốc Sở Công Thương nhận định thời gian tới, tình hình kinh tế khó khởi sắc, hoạt động kinh doanh của nhiều siêu thị có thể tiếp tục gặp khó. Giải quyết vấn đề này, ông Dũng cho rằng phải xuất phát từ căn nguyên của nó, tức là doanh nghiệp có việc làm, người tiêu dùng có thu nhập, hàng hóa mới tiêu thụ được. Hiện tại, nhiều siêu thị cũng đã có giải pháp tháo gỡ khó khăn như, Maximax tìm mọi cách tiết giảm chi phí duy trì khách hàng... để tiếp tục hoạt động. Còn tại BigC Vinh, để tăng doanh số kinh doanh, siêu thị tổ chức khai thác đối tượng khách hàng mua số lượng lớn (bán sỉ). Nhiều chương trình bình ổn giá, 2 tuần/lần chạy chương trình khuyến mãi nhằm đa dạng nhu cầu mua sắm của người dân. Ngoài ra, việc tham gia các hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn cũng là cách giúp doanh nghiệp tăng doanh số bán hàng.


Thu Huyền