Chiều 11/12, dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Văn Phi - Chủ tịch HĐND huyện Hưng Nguyên, các đại biểu HĐND tỉnh bầu cử ở tổ 4 gồm các đơn vị: Hưng Nguyên, Nam Đàn và Nghi Lộc tiến hành phiên thảo luận tổ.
Băn khoăn “hậu” sáp nhập thôn, xóm
Đại biểu Trần Văn Hường - đại biểu huyện Nam Đàn cho rằng, năm 2020 tỉnh ta chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, bão lũ, nhưng qua đó đã chứng minh sự đoàn kết, tương thân, tương ái của nhân dân; sự đoàn kết của nhân dân trong tỉnh và trong nước; sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, đại biểu Hường đề nghị cần xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định trong phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đại biểu Hường, tồn đọng kéo dài nhất hiện nay đó là vướng nhất trong công tác giải phóng mặt bằng. Theo đại biểu thì do cơ quan tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng không nhất quán trong chính sách bồi thường “Người xung phong đi trước thường thiệt hơn những người đi sau”.
Về công tác cải cách hành chính, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập. Sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong công tác cải cách hành chính một số lĩnh vực còn chưa đồng bộ.
Kết quả cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra. Thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết trên một số lĩnh vực chưa được công bố kịp thời. Đề án vị trí việc làm của một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự khoa học, còn hình thức…
Tuy nhiên, đi cùng với việc tinh giản số lượng người hoạt động không chuyên trách thì tỉnh cần quan tâm nâng chế độ phụ cấp cho đội ngũ này, bởi trên thực tế sau sáp nhập các khối, xóm, bản diện tích và dân số đều tăng gấp 2 - 3 lần.
“Cán bộ khối, xóm, bản là những người gần dân nhất nên việc hiếu, hỉ người dân đều mời tham gia, chế độ phụ cấp không thay đổi, nhiều cán bộ khối, xóm tâm tư. Đề nghị tỉnh cần có cơ chế quan tâm đội ngũ này” - đại biểu Hùng đề xuất.
Liên quan đến vấn đề “hậu” sáp nhập xóm, xã, đại biểu Đặng Quang Hồng -Phó trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh bày tỏ băn khoăn sau sáp nhập xóm, xã, như chế độ chính sách, cơ sở vật chất, quản lý tài sản sau nhập xóm. Sau nhập xóm tình trạng các xóm thiếu trụ sở chính, trụ sở cũ thừa nhưng không đủ chỗ ngồi để người dân sinh hoạt. Tỉnh cần có hướng dẫn các địa phương quản lý khai thác có hiệu quả.
Tập trung nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đánh giá kết quả kinh tế - xã hội năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020 trên các lĩnh vực.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, một số tồn tại như tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sáchchưa được như kỳ vọng; chưa có các dự án động lực,… là trăn trở của lãnh đạo tỉnh đòi hỏi lãnh đạo tỉnh phải nỗ lực phấn đấu trong thời gian tới.
Làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến bất cập trong công tác giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu cho rằng để dự án được sớm triển khai cần sự đồng thuận của chính quyền và người dân.
"Đối với một số dự án vẫn còn một vài hộ dân không chấp nhận di dời giải phóng mặt bằng, chính quyền bảo vệ thi công cưỡng chế giải phóng mặt bằng đảm bảo đúng quy định của Nhà nước" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Về ý kiến của đại biểu phản ánh còn tình trạng nhiều dự án dang dở, lãng phí tài nguyên đất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh, chủ trương của tỉnh là không khởi công xây dựng các công trình mới, chỉ ưu tiên các công trình mang tính trọng điểm về hạ tầng và một số cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế để dành nguồn lực cho các công trình còn thi công dở dang. Tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra, rà soát thu hồi các dự án chậm tiến độ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu trả lời 1 số vấn đề đại biểu nêu. Clip: Thanh Lê |
Làm rõ những băn khoăn về chế độ chính sách cho cán bộ sau sáp nhập thôn, xóm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, chế độ chính sách cho cán bộ bán chuyên trách cấp xóm thực hiện theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh Nghệ An.
Nếu tỉnh nào muốn tăng phụ cấp thì căn cứ vào nguồn ngân sách của tỉnh để ban hành Nghị quyết đặc thù của tỉnh, còn Trung ương đã quy định khung cứng và Trung ương không cấp thêm ngân sách.
Với tỉnh Nghệ An, Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND được các ban, ngành làm rất chặt chẽ nhưng quá trình triển khai gặp nhiều bất cập cần phải xem xét, đánh giá lại còn khó khăn, nhưng việc sửa đổi tăng phụ cấp cho đội ngũ cán bộ bán chuyên trách ở khối, xóm, bản là điều không dễ vì điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn.
"Tỉnh tiếp thu những phản ánh của cơ sở và đại biểu HĐND tỉnh kiến nghị, đề xuất Trung ương sửa đổi phù hợp hơn với thực tiễn" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết.
Liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh: Lãnh đạo tỉnh cần có nhiều giải pháp, trong đó cần phải tập trung những giải pháp trọng tâm thu hút các nhà đầu tư lớn, để làm được điều đó cơ sở hạ tầng phải đầu tư, đường ven biển, tháo gỡ “nút thắt” đầu tư hạ tầng cảng biển 70 vạn tấn ở Cửa Lò. Đi cùng với đó là đào tạo nhân lực, quyết tâm tập trung các giải pháp phấn đấu thu ngân sách của tỉnh vượt bậc từ 26 - 30 nghìn tỷ đồng vào năm 2025.
Ngoài ra, các đại biểu tổ 4 phản ánh tỉnh cần quan tâm xây dựng trụ sở làm việc cho đội ngũ công an chính quy về xã; đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất thực hiện dự án thủ tục nhiều; nợ thuế còn cao, quản lý khai thác cát sỏi, ô nhiễm môi trường; một số nghị quyết xây dựng còn manh mún; quan tâm thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp,…
Các đại biểu đề nghị các cấp, các ngành phải tính toán lại chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước; hiện nay chưa có bước đột phá trong thu ngân sách nhà nước…
Kết luận phiên thảo luận, đồng chí Hoàng Văn Phi ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến góp ý trách nhiệm, trí tuệ của các đại biểu. Các ý kiến sẽ được HĐND tỉnh tổng hợp báo cáo tại phiên thảo luận tại hội trường vào sáng ngày mai (12/12).