Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ trưởng tổ 8 điều hành thảo luận.
Tham gia buổi thảo luận gồm đại biểu HĐND tỉnh được bầu tại các huyện: Yên Thành, Tân Kỳ và Nghĩa Đàn. Cùng dự có đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị: Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Du lịch, Tư pháp, Văn hóa và Thể thao, Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Cục Hải quan, Cục Thống kê, Cục Thuế tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh, Cục Dự trữ Quốc gia khu vực Nghệ Tĩnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.
Lúng túng chi tiền bồi dưỡng cho người tham gia hoạt động xóm
Mở đầu buổi thảo luận tại tổ đại biểu số 8, đại biểu Thái Văn Thành - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đánh giá cao công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh trong việc khắc phục khó khăn thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, ghi nhận hoạt động thẩm tra, giám sát của các Ban và HĐND tỉnh.
Đi vào một số vấn đề cụ thể, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh phản ánh ý kiến cử tri: Tuyến đường 538B nối đường 7B và 48E chạy qua địa bàn huyện Yên Thành thi công đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành dứt điểm, vẫn còn một đoạn cuối đang trong tình trạng dở dang. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí để giải quyết dứt điểm, tạo điều kiện cho người dân trong khu vực.
Về vấn đề sau sáp nhập xã, xóm, theo phản ánh của đại biểu Thái Văn Thành, hiện nay tại các xóm, khối đang rất lúng túng trong việc chi tiền bồi dưỡng cho những người hoạt động tại cơ sở. Thực tế, căn cứ vào tính chất của địa bàn và số hộ dân tại mỗi khối, xóm, bản, Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh quy định mức bồi dưỡng cho những người hoạt động trực tiếp tại cơ sở từ 23-25 triệu đồng. Thời gian gần đây, đang tồn tại nhiều vướng mắc khi thực hiện chi tiền bồi dưỡng cho các đối tượng tham gia công việc xóm, khối, bản. Theo đại biểu Thái Văn Thành, để thanh toán tiền bồi dưỡng cho các đối tượng nên chăng có các giải pháp lượng hóa để thuận lợi hơn.
Đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, qua hoạt động tiếp xúc cử tri ở cơ sở, người dân phản ánh tình trạng vừa thiếu, vừa thừa cơ sở vật chất tại các xã, xóm sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập. Đó là tại các xóm mới hình thành sau sáp nhập đang có tình trạng thừa nhà văn hóa khối, nhưng nhà văn hóa được lựa chọn làm nơi sinh hoạt lại quá chật chội, không đảm bảo công năng hoạt động cho cơ sở. Vấn đề này đề nghị tỉnh nghiên cứu, có giải pháp.
Cũng liên quan đến những vấn đề phát sinh sau khi tỉnh thực hiện chủ trương sáp nhập xã, xóm, đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đặt ra vấn đề: Trước đây, nhiều xóm vì chưa đủ tiêu chí và chưa đạt được sự đồng thuận cao trong Nhân dân nên tỉnh chưa tiến hành sáp nhập, nay cử tri tại đây này băn khoăn hỏi liệu xóm mình có sáp nhập nữa hay không?
Đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng, nếu không sáp nhập các xóm nói trên sẽ lại tạo ra những bất cập, mâu thuẫn. Chẳng hạn về cơ chế chính sách, xóm 50 hộ cũng như xóm 500 hộ. Kinh phí hỗ trợ các phong trào, hoạt động như: Toàn dân đoàn kết ở địa bàn dân cư, ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, xóm ít hộ cũng hỗ trợ như xóm nhiều hộ. Điều này theo cử tri là thiếu công bằng. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần nghiên cứu kỹ vấn đề này.
Đại biểu Thái Thị An Chung - Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đặt ra vấn đề băn khoăn về chế độ hỗ trợ cho các địa phương khi sáp nhập. Clip: Đào Tuấn |
Bên cạnh đó, qua kênh phản ánh của MTTQ, đại biểu cho biết các trạm y tếở thành phố Vinh đang hoạt động kém hiệu quả. Qua giám sát của HĐND tỉnh cho thấy thực tế: các trạm y tế ở thành phố khó khăn trong hoạt động. Trước hết là cơ sở vật chất chưa đảm bảo, song nếu đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhưng bệnh nhân không đến tham gia khám điều trị sẽ thế nào. Nhất là các trạm y tế phường, xã ở thành phố Vinh nằm ở trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh, nơi tập trung rất nhiều bệnh viện cấp 3, và việc thực hiện khám điều trị bệnh theo hình thức liên thông là nguyên nhân chính gây nên khó khăn.
Đối với công tác cải cách hành chính, đại biểu Thái Thị An Chung cho biết, lâu nay có rất nhiều người dân, doanh nghiệp phản ánh về tình trạng khó khăn khi truy cập vào địa chỉ trang wep Cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An. Đại biểu cho rằng, hạ tầng kỹ thuật của Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh chưa theo kịp yêu cầu của công nghệ số, chất lượng băng thông, đường truyền hạn chế. Đề nghị UBND tỉnh cần nâng cấp hệ thống nhằm đáp ứng yêu cầu khách quan đặt ra.
Đổi mới tư duy trong tạo cơ chế, quản lý hộ kinh doanh gia đình
Phản ánh về những khó khăn trong hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh, đại biểu Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho rằng, tỉnh cần có những cơ chế hỗ trợ, các giải pháp đổi mới công tác quản lý hoạt động doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa, nhỏvà hộ gia đình kinh doanh.
Theo đại biểu Tuyên, nên chăng tỉnh nghiên cứu phân cấp cho huyện thực hiện việc đăng ký kinh doanh đối với hộ kinh doanh cá thể. Bên cạnh đó, nghiên cứu cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho hộ gia đình kinh doanh thuê đất, mặt bằng để hoạt động.
Theo Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, lâu nay vì gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, nhiều gia đình buộc phải mất nhiều thời gian để chuyển sang đăng ký thành lập doanh nghiệp, công ty TNHH, trong khi đó nếu có cơ chế quản lý tốt sẽ thu được nguồn thu lớn của đối tượng kinh doanh cá thể, gia đình.
Về vấn đề thu hút doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, đại biểu Phan Văn Tuyên cho rằng hiện đã có cơ chế nhưng chưa đủ mạnh. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ. Tỉnh cần nghiên cứu có giải pháp chính sách để tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư lớn, qua đó đáp ứng vấn đề thực tiễn đặt ra.
Đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đại biểu Phan Văn Tuyên phản ánh, thời gian qua trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ cháy rừng. Nguyên nhân vấn đề này ngoài các yếu tố khách quan còn do sự tranh chấp về mặt lợi ích giữa người dân với nhau, giữa người dân và các ban quản lý rừng phòng hộ. Thực tế, theo đại biểu, lâu nay việc bàn giao rừng phòng hộ cho các ban quản lý rừng đã có chủ trương nhưng chưa có kế hoạch cụ thể. Chính vì vậy, UBND tỉnh cần có giải pháp, kế hoạch cụ thể và các cơ chế kèm theo để bàn giao rừng cho các ban quản lý rừng phòng hộ. Thực hiện tốt được điều này mới mong quản lý, bảo vệ có hiệu quả rừng và đất lâm nghiệp…
Tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu còn phản ánh nhiều vấn đề liên quan đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020 và giai đoạn tiếp theo; các giải pháp thu hút đầu tư, kích thích tăng trưởng; những vấn đề về thực hiện chương trình nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Đại diện các sở, ngành liên quan cũng đã giải thích, làm rõ một số vấn đề đại biểu đặt ra.