(Baonghean) - Với mục đích nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác lập kế hoạch, tạo căn cứ xác thực về mặt số liệu cho điều hành phát triển kinh tế cấp xã, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị, một số nhà tài trợ và tham khảo kinh nghiệm của một số tỉnh, đã soạn thảo cuốn "Sổ tay hướng dẫn lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp xã". Đây được xem là “bảo bối” của cán bộ, công chức cấp xã trong xây dựng kế hoạch hàng năm.
Cuốn "Sổ tay hướng dẫn lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp xã" (gọi tắt là Sổ tay kế hoạch cấp xã) được biên soạn có hệ thống các bước để lập kế hoạch, hướng dẫn cụ thể, làm cơ sở giúp cán bộ xã biết cách thu thập, tổng hợp, phân tích thông tin, đối chiếu thực tế và lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn theo nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Đến nay, có khoảng 100 xã trên địa bàn tỉnh đang thí điểm sử dụng Sổ tay kế hoạch cấp xã.
Với 3 phần chính gồm: Phần 1 - Hướng dẫn tóm tắt về lập kế hoạch phát triển KT-XH cấp xã hàng năm; Phần II - Các mẫu biểu liên quan và Phần III - Các công cụ và gợi ý thực hiện. Trong mỗi phần mục, Sổ tay kế hoạch cấp xã đã phân chia các công đoạn lập kế hoạch theo trình tự, kèm theo cả những biểu mẫu thống kê, phân tích cụ thể. Để có thể lập được bản kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm, đòi hỏi các xã phải bắt tay triển khai từ những tháng giữa năm cho đến tháng 12. Theo quy trình hướng dẫn, từ tháng 5, UBND xã cần thiết ra quyết định thành lập, kiện toàn tổ xây dựng kế hoạch xã và chỉ đạo thành lập, kiện toàn tổ xây dựng kế hoạch thôn; Trong đó, bên cạnh văn bản chỉ đạo, cần có dự trù, lên phương án, chuẩn bị kinh phí, cử cán bộ tham gia và cả nguồn kinh phí (nếu có). Cùng đó tổ chức hội nghị quán triệt triển khai và hướng dẫn, tập huấn lại công tác kế hoạch cho cán bộ xã, thôn.
Các thông tin phục vụ cho xây dựng kế hoạch phải tập hợp từ các thôn và các ngành, đoàn thể trên địa bàn xã cùng với định hướng từ huyện để tiến hành thảo luận cụ thể. Những tháng tiếp theo, tổ lập kế hoạch, xã phải rà soát thông tin liên quan và đưa ra bản dự thảo kế hoạch phát triển KT-XH năm sau của xã với những mục tiêu, giải pháp và lộ trình thực hiện cụ thể. Trước khi trình lên cấp huyện, xã cần tổ chức hội nghị lần cuối có sự tham gia của đại diện các thôn, ngành, tổ chức đoàn thể. Sau khi có ý kiến phản hồi từ cấp trên, xã cập nhật lần cuối, hoàn thiện bản kế hoạch và trình HĐND xã hoặc cơ quan cấp trên theo luật định để phê duyệt, ban hành. Từ đó, UBND các xã có cơ sở cho điều hành phát triển KT-XH trên địa bàn.
Thời gian qua, với việc ứng dụng cuốn Sổ tay kế hoạch cấp xã vào thực tiễn, ông Vi Ngọc Duyên - Chủ tịch UBND xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu đã triển khai tốt việc xây dựng bản kế hoạch phát triển KT-XH của xã. Ông Duyên cho hay: “Mới đầu, nhìn cuốn sổ tay dày 80 trang, nhiều cán bộ xã có cảm giác ngại tiếp cận nhưng sau đợt tập huấn ngắn của cán bộ các chương trình, dự án và chuyên viên Sở KH&ĐT thì những hướng dẫn trong cuốn sổ thực sự có giá trị căn cứ quan trọng. Chúng tôi đã tự tin trong xây dựng các mục tiêu và chiến lược phát triển KT-XH xã theo hướng sát đúng thực tế có tính đến các giải pháp về nguồn lực, lồng ghép các nguồn đầu tư cho kế hoạch ngắn và dài hạn. Quá trình đó, có sự tham gia tích cực của cán bộ xã và nhân dân ở các thôn xóm…”.
Còn đối với ông Đặng Viết Cung - cán bộ địa chính xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc, năm nay đã 54 tuổi nhưng sau khóa tập huấn và được trang bị Sổ tay kế hoạch cấp xã, ông đã ứng dụng thành thạo bộ biểu mẫu thống kê, phân tích ứng dụng trên máy tính. Hiện tại, ông đang phối hợp với ban quản lý các thôn tổ chức rà soát cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trên địa bàn toàn xã. Có những lúc không nhớ hết các biểu mẫu, ông lại lần giở cuốn Sổ tay kế hoạch để xử lý tốt công việc. “Chúng tôi xem cuốn Sổ tay kế hoạch cấp xã như một bảo bối, khi cần có thể đối chiếu để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao…” - Ông Cung chia sẻ.
Trao đổi về những tác dụng tích cực của cuốn Sổ tay kế hoạch cấp xã, bà Nguyễn Thị Phương Lan - chuyên viên Sở KH&ĐT khẳng định: “Trong vòng 3 năm qua, chúng tôi đã phối hợp với các tổ chức, nhà tài trợ cấp phát miễn phí Sổ tay kế hoạch cấp xã và tập huấn cụ thể cho 100 xã trên địa bàn tỉnh. Cùng với sổ tay bằng bản in, chúng tôi còn cung cấp các phần mềm ứng dụng trên máy vi tính để các xã thực hiện. Qua thăm dò, phản hồi từ các xã rất tích cực. Chúng tôi cũng đang tiếp thu ý kiến để tổng hợp, sửa đổi cho phù hợp hơn và tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện triển khai ứng dụng Sổ tay kế hoạch cấp xã đến tất cả các xã như một bộ quy trình chuẩn, trở thành công cụ hiệu quả trong quản lý điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội phát triển theo từng thời kỳ thích hợp…”.
Nguyên Nguyên