Sáng 12/5, tại xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương, các đại biểu Quốc hội Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tiếp xúc cử tri một số xã và đơn vị trên địa bàn huyện trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

bna_img_06076904597_1252022.jpgToàn cảnh Hội nghị tiếp xúc cử tri tại xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương. Ảnh: Thành Duy

Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri gồm các ông: Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT, Ủy viên Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực; Trần Nhật Minh - đại biểu chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh.

Dự hội nghị có cử tri các xã: Thanh Sơn, Hạnh Lâm, Thanh Đức, Thanh Nho, Thanh Hòa, Phong Thịnh, Cát Văn, Thanh Liên, Thanh Tiên, Thanh Mỹ, Trường THPT Thanh Chương 3, Trường THPT Cát Ngạn, Đồn Biên phòng Ngọc Lâm và lãnh đạo Trại giam số 6.

Các đại biểu Quốc hội dự Hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh: Thành Duy

Tại hội nghị, đại biểu Trần Nhật Minh đã thông báo đến các cử tri dự kiến thời gian, nội dung trương trình Kỳ họp thứ 3 sắp diễn ra của Quốc hội; đồng thời thông tin những nội dung trả lời của các bộ, ngành liên quan đến với các kiến nghị của cử tri Thanh Chương đến đại biểu Quốc hội tại các phiên tiếp xúc cử tri trước. 

Tiếp đó, cử tri các địa phương đã dành nhiều kiến nghị tâm huyết với các đại biểu Quốc hội, cũng như tỉnh, huyện. Ông Phạm Xuân Lực, Thanh Mỹ cho biết, vừa qua có thông tin đưa môn Lịch sử không trở thành môn học bắt buộc, tuy nhiên qua nắm bắt ý kiến cử tri trên địa bàn thì người dân không đồng tình. Ông đề nghị, môn Lịch sử phải trở thành một trong những môn học chính, bắt buộc trong chương trình giáo dục. 

Ông Trần Nhật Minh - đại biểu chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An thông báo đến các cử tri dự kiến thời gian, nội dung trương trình Kỳ họp thứ 3. Ảnh: Thành Duy

Cũng liên quan đến lĩnh vực giáo dục, cử tri Phạm Xuân Lực cũng cho rằng, những năm qua thực hiện cải cách giáo dục, sách giáo khoa thay đổi liên tục gây tốn kém, lãng phí cho người dân; cùng với đó vẫn còn thành tích trong ngành Giáo dục, dẫn đến áp lực lớn cho học sinh. 

Ông đề nghị các đại biểu Quốc hội có ý kiến để khắc phục những nội dung trên. Cùng với đó, ý kiến một số cử tri khác cũng trao đổi, kiến nghị một số nội dung như: công tác giáo dục đạo đức cho học sinh; cơ sở vật chất trường học;…

Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến cử tri đề nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét nâng cao hơn chế độ cho cán bộ cấp xã, khối, xóm. Ông Nguyễn Cảnh Đắc cử tri xã Hạnh Lâm cho rằng, cần có chế độ bảo hiểm xã hội cho những cán bộ thôn, xóm đối có thời gian làm việc từ 20 năm trở lên để quan tâm, động viên.

Ông Phạm Xuân Lực, Thanh Mỹ - cử tri xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương phát biểu ý kiến. Ảnh: Thành Duy

Cùng với đó, cử tri có nhiều ý kiến liên quan đến các vấn đề trên địa bàn. Ông Trần Đình Tuyền, cử tri xã Thanh Nho đề nghị phân cấp quản lý tuyến đường từ chợ Chùa đi Thanh Đức qua các xã: Phong Thịnh, Thanh Hòa, Thanh Nho, Thanh Đức từ cấp huyện lên cấp tỉnh quản lý để có điều kiện bố trí kinh duy tu, bảo dưỡng, vì tuyến đường này thi công trước năm 2010, hiện nay đã xuống cấp. 

Các cử tri khác cũng kiến nghị về các nội dung như xây dựng mới cầu treo sông Giăng nối xã Thanh Liên và Phong Thịnh; có giải pháp bền vững để xử lý rác thải nông thôn góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới “xanh - sạch - đẹp”; quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn hơn nữa trong bối cảnh giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, trong khi giá đầu ra nông sản không tăng lên; hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nâng cao ở xã Thanh Mỹ;…

Ông Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương trả lời các kiến nghị liên quan đến thẩm quyền của huyện. Ảnh: Thành Duy

Thay mặt các vị đại biểu Quốc hội, GS.TS Thái Văn Thành tiếp thu và ghi nhận những ý kiến quý báu, trí tuệ, sâu sắc, tầm nhìn của cử tri. 

GS.TS Thái Văn Thành cũng đã chia sẻ một số thông tin liên quan đến các nội dung của ngành Giáo dục. Trong đó, đối với chương trình giáo dục phổ thông mới hay còn gọi là chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 được xây dựng theo cách tiếp cận mới là phát triển phẩm chất, năng lực người học được chia thành 2 giai đoạn. 

Trong đó, giai đoạn 1 từ lớp 1 đến lớp 9, đây là giai đoạn giáo dục cơ bản để giúp học sinh hình thành các năng lực như: tính toán, ngôn ngữ, công nghệ thông tin, khoa học, thể chất, năng lực thẩm mỹ. 

Sau giai đoạn này, là giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Theo đó, học sinh sẽ được phân luồng, với khoảng 25% sẽ hướng nghiệp vào học nghề song vẫn được dạy học văn hóa; khi tốt nghiệp trường nghề học sinh vừa có bằng nghề và bằng trung học phổ thông. 

Đại biểu Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An trả lời kiến nghị cử tri. Ảnh: Thành Duy

Còn 75% học sinh còn lại sẽ tiếp tục theo học văn hóa các lớp 10, 11, 12; giai đoạn này học sinh sẽ lựa chọn học theo các tổ hợp. Trong đó, có tổ hợp xã hội có môn sử. 

Liên quan đến định hướng phát triển ngành Giáo dục của tỉnh, người đứng đầu Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Sở đang thúc đẩy mô hình giai đình - nhà trường - cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục học sinh; trong đó sự phối hợp của gia đình và nhà trường rất quan trọng. 

Theo GS.TS Thái Văn Thành, gia đình cần tăng cường chia sẻ thông tin với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng để giáo dục, rèn luyện học sinh. 

Cùng với đó, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An nhấn mạnh triết lý xây dựng của ngành đối với giáo viên ở Nghệ An là giáo dục học sinh phải bằng tất cả tình cảm chân thành và lòng yêu thương của người thầy. Qua đó, đại biểu cũng mong muốn phụ huynh quan tâm phối hợp với nhà trường, giáo viên, tất cả vì sự tiến bộ của học sinh, vì sự thành đạt của con em.