(Baonghean) - Mặc dù Thông tư số 09/2010/TT - BGTVT đã có những quy định rất cụ thể bắt buộc về việc phải đảm bảo môi trường trong quá trình thi công các công trình hạ tầng giao thông, thế nhưng, do nhiều lý do cả khách quan, lẫn chủ quan nên thực tiễn thi công trên Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn Nghệ An vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc.
Thời điểm này, tuyến Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh ta phân đoạn quản lý đang được các chủ đầu tư tập trung chỉ đạo các nhà thầu triển khai thi công một cách khẩn trương để đảm bảo về đích đúng hạn. Bên cạnh chú trọng các yếu tố về kỹ thuật, tiến độ thi công, các nhà thầu phải đảm bảo công tác bảo vệ môi trường trên từng cung đường để trong quá trình thi công, hoạt động giao thông trên tuyến vẫn diễn ra bình thường; đồng thời không ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Đây là yêu cầu bắt buộc của Bộ Giao thông – Vận tải đối với các nhà thầu và cũng là một hoạt động được chủ đầu tư cam kết với chính quyền địa phương sở tại trước khi thi công. Trong đó yêu cầu khi thi công công trình, đơn vị thi công luôn có người túc trực giám sát, dọn dẹp đất đá rơi vãi ngoài khu vực thi công, nếu vận chuyển đất hữu cơ cần có phương án bảo vệ bằng bạt chắn, không để rơi vãi trên đường vận chuyển, nếu rơi vãi có biện pháp thu dọn ngay. Vật liệu thải trong quá trình thi công bao gồm đất hữu cơ, chất thải mùn khi khoan tạo lỗ cọc khoan nhồi bê tông và các chất vữa sét phải được tập kết về bãi rác thải nơi chính quyền địa phương quy định.
Có thể nói, quá trình thi công trên toàn tuyến, nhìn chung các nhà thầu đã quan tâm thực hiện khá tốt yêu cầu bảo vệ môi trường. Ví như thi công tuyến QL1A gói thầu đoạn qua xã Diễn Thành dài 2,03km từ (Km 422 + 830 đến 424 + 860) do Ban quản lý dự án giao thông 1 (PMU1) làm chủ đầu tư, được thi công từ tháng 11/2013, dự kiến đến tháng 8/2014 hoàn thành bàn giao và đưa vào khai thác sử dụng. Trong quá trình thi công, Công ty CP CTGT 471 thuộc Cienco 4 tuân thủ quy trình vận chuyển đất thải vào bãi tập kết ở xã Diễn Ngọc và các hoạt động này được chính quyền xã giám sát chặt chẽ. Anh Nguyễn Văn Liêm, cán bộ Ban điều hành gói thầu thuộc Công ty cổ phần 471 cho biết: “Việc đảm bảo vệ sinh môi trường là yêu cầu bắt buộc đối với công ty, vì đó là tiêu chí đánh giá hàng tháng đối với mỗi cán bộ công nhân viên.
Trong đơn vị chúng tôi nếu công nhân nào không thu dọn vật liệu rơi vãi hoặc có những hành vi làm ô nhiễm môi trường sẽ bị phạt hành chính theo quy chế”. Tương tự, nhà thầu - Công ty CP 482 thi công tuyến qua Thị trấn Cầu Giát (từ Km 403 + 150 đến Km 404 + 960), đến thời điểm này đang thi công hạng mục lắp đặt hệ thống thoát nước dọc hai bên đường. Trước khi thi công rãnh thoát nước, công nhân công ty đã đấu nối hệ thống thoát nước cũ ra khu vực bờ mương thủy lợi nhằm tránh tình trạng hệ thống nước thải dân sinh bị tắc nghẽn gây ô nhiễm môi trường cục bộ. Ông Phạm Trung Thiêm - Chủ tịch xã Quỳnh Hưng – Quỳnh Lưu cho biết: “Cho đến thời điểm hiện nay, đơn vị thi công đã thực hiện đầy đủ và đúng theo cam kết về vệ sinh môi trường. Tuy nhiên chúng tôi cũng mong muốn đơn vị sẽ duy trì chế độ che bạt khi vận chuyển đất thải trong mùa nắng nóng sắp tới, vì đây là thời điểm mà tình trạng ô nhiễm môi trường có biểu hiện rõ ràng nhất”.
Theo ông Lê Văn Thuận - Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Diễn Châu thì: “Khi tổ chức thi công các nhà thầu đã căn cứ vào các công đoạn để tìm các vị trí tập kết và thống nhất với chính quyền địa phương. Đa phần các đơn vị thi công hợp đồng với các tư nhân có bãi đất rộng hiện không canh tác để tập kết rác thải và chính quyền địa phương chỉ làm công việc giám sát quá trình vận chuyển. Các nhà thầu phải đảm bảo thi công đến đâu thu dọn rác thải ngay đến đó, khi thu dọn phải tập kết ngay vào bãi tập kết quy định. Và nếu nhà thầu nào vi phạm thì chủ đầu tư dự án sẽ phải chịu trách nhiệm”.
Nói là vậy, nhưng theo quan sát của chúng tôi, bãi thải ngay bên QL1A thuộc địa bàn xã Diễn Ngọc thì đất hữu cơ được đổ tràn lan trên bãi tập kết, không có hàng rào che chắn, thời điểm trời mưa lớn nguy cơ tràn ra đường sẽ gây ách tắc giao thông. Tương tự, ở điểm thi công cầu Diễn Thành cũng có hiện tượng thải trực tiếp chất thải rắn ra môi trường. Ông Bùi Hùng Liêm, cán bộ Ban điều hành công trường - Công ty 471, cho biết: “Để thực hiện nghiêm các cam kết giữa chủ đầu tư với chính quyền địa phương về vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường trên các dòng sông và không làm biến đổi các dòng chảy thì việc khoan cọc nhồi bê tông cần được thực hiện theo đúng chỉ dẫn kỹ thuật. Khi khoan cọc nhồi phải có cầu phao nổi để xe kỹ thuật có thể di chuyển đến địa điểm cần vận chuyển chất thải rắn, khoan được gầu nào thì hút ngay các chất mùn thải đổ vào xe, cứ thế chất thải sẽ không rơi vãi xuống lòng sông”.
Tuy nhiên, điều ông Liêm nói chỉ là cam kết trên lý thuyết bởi khi quan sát nhà thầu đang khoan cọc nhồi, chúng tôi không thấy có chiếc cầu phao nào được dựng để hút thải như ông Liêm trình bày. Hầu hết các đơn vị thi công các công trình cầu dọc theo tuyến QL1A vẫn chưa có biện pháp triệt để nhằm giảm thiểu tình trạng xả thải xuống lòng sông trong quá trình khoan cọc nhồi bê tông trên các lòng sông, hồ. Và chính ông Liêm cũng thừa nhận: Để khoan 1m với đường kính 1m, hiện nay, chỉ với 8,5 đến 9 triệu đồng đã bao gồm tất cả các chi phí, và việc quản lý chất thải cũng nằm trong gói thi công này. Thế nên với kinh phí đó rất khó để thực hiện công đoạn hút chất thải mùn theo đúng quy trình kỹ thuật và đơn vị chọn cách thức nạo vét chất thải bằng phương pháp thủ công. Ngoài ra, trong quá trình thi công cầu, khi tiến hành kết nối các ống vách cần có chất kết dính Bentonine (chất vữa sét), các nhà thầu thường không có biện pháp quản lý chất thải, và chất thải này mặc nhiên thải xuống lòng sông. Vì vậy, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn yêu cầu sau khi hoàn thành công trình đưa vào khai thác sử dụng cần có kế hoạch nạo vét lòng kênh. Đây là điều khó khăn đối với các nhà thầu vì kinh phí để thực hiện cho công đoạn này được tính trong gói dự án.
Vậy nên, cùng với đẩy nhanh tiến độ thi công theo kế hoạch thì để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình thi công, các nhà thầu cần tuân thủ quy trình cam kết bảo vệ môi trường; bên cạnh đó, các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương cần có biện pháp giám sát chặt chẽ các nhà thầu trong quá trình thi công. Về phía chủ đầu tư dự án phải có trách nhiệm bố trí kế hoạch, kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường ngay từ khâu lập dự án đầu tư; kinh phí bảo vệ môi trường của dự án gồm kinh phí thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn lập dự án đầu tư và triển khai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật. Có như vậy các quy định bảo vệ môi trường trong quá trình thi công công trình giao thông mới đi vào thực tiễn.
Thanh Nga