(Baonghean) - Yên Thành là huyện lúa nhưng lại có thế mạnh phát triển du lịch sinh thái. Những năm qua, Yên Thành tích cực phát triển vốn rừng, bảo vệ tốt các đàn chim, cò hình thành nên những đảo chim ở Lý Thành, đập Vệ Vừng - Kim Thành… 
 
images945223_3b.jpg“Đảo cò” ở hồ Vệ Vừng (xã Kim Thành, Yên Thành).
 
Rú Gám (xã Xuân Thành) - một địa danh nổi tiếng và là biểu tượng của quê lúa Yên Thành. Về rú Gám, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi ngay sát chân ruộng lúa là bạt ngàn rừng nguyên sinh được địa phương và nhân dân bao đời gìn giữ. Theo chân ông Thái Duy Thịnh, một người dân xóm 9, Xuân Thành chúng tôi tiến sâu vào rừng. Khung cảnh hiện ra trước mắt là cây cối ngút ngàn như lớp thảm xanh trải dài phủ khắp núi rừng, ở đây còn những cây to quý hiếm như gụ, lim, trắc … 2-3 người ôm không xuể, và nhiều cây thuốc quý như trầm hương, ngũ gia bì. Thảm thực vật ở rú Gám đa dạng chung sống phân tầng rõ nét, họ dương xỉ phủ kín mặt đất, nhóm cây leo như mây, song, vầu... bám quanh các khe suối và cây đại thụ. Rừng phát triển tốt nên động vật ở rú Gám khá phong phú như sóc, chồn, cáo, gà rừng, chim sáo… Nước ngầm  từ rú Gám chảy ra tưới cho các  cánh đồng chạy dưới chân núi của cả Bắc Thành và Xuân Thành. Hiện nay, khu rừng này vẫn được bảo tồn hầu như nguyên vẹn.
 
Ông Lê Khắc Quyền, Tổ trưởng bảo vệ rừng, (người xung phong giữ rừng) nói: Phụ cấp giữ rừng không được bao nhiêu nhưng tôi vẫn vui vẻ, bởi được bảo vệ rú Gám là niềm tự hào của xã chúng tôi. Từ ngày nhận giữ rừng, ông và 3 cộng sự ngày đêm trèo dốc, lội suối tuần tra canh gác ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm hại rừng. Phải nói rằng ý thức giữ rừng của người dân ngày càng được nâng cao, mấy năm nay không có hiện tượng chặt phá rừng, thậm chí người dân không vào rừng để chặt củi, bắt ong… 
 
Để phát huy giá trị của di tích lịch sử Đền, chùa Gám và rú Gám, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân huyện nhà, Yên Thành đã xác định việc xây dựng khu du lịch tâm linh, sinh thái rú Gám là nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm của huyện giai đoạn 2011- 2015; Hội đồng nhân dân tỉnh đã đưa kế hoạch xây dựng khu du lịch tâm linh, sinh thái rú Gám vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2011- 2015. Ngày 1/3/2011, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 515/QĐ-UBND- CN về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch sinh thái tâm linh rú Gám tại các xã Xuân Thành và Tăng Thành và phê duyệt dự toán kinh phí khảo sát, lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch tâm linh, sinh thái rú Gám. Đến thời điểm này công trình khu du lịch tâm linh, sinh thái rú Gám đang triển khai xây dựng với tổng diện tích trên 300 ha, trong đó có trên 150 ha là rừng nguyên sinh bao bọc quanh chùa Gám tạo nên cảnh quan thơ mộng. Quần thể di tích đền, chùa Gám và rú Gám được kỳ vọng sẽ thu hút một lượng khách du lịch lớn về thưởng ngoạn phong cảnh núi rừng rú Gám. 
 
Bên cạnh đó là hồ chứa nước Vệ Vừng thuộc các xã Kim Thành - Đồng Thành - Quang Thành với diện tích mặt nước trên 720 ha, trữ lượng 20 triệu mét khối nước. Hồ Vệ Vừng là một công trình thuỷ lợi nổi tiếng của huyện Yên Thành. Không chỉ có giá trị về tưới tiêu cho hàng ngàn ha lúa nước và hoa màu trên địa bàn huyện, hồ Vệ Vừng còn là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn khách du lịch. Để khai thác tiềm năng này, những năm qua Yên Thành tập trung phát triển vốn rừng nơi đây tạo cảnh quan, sinh thủy nguồn nước, đặc biệt là bảo vệ đàn chim trời về trú ngụ ở các đảo trên hồ. 
 
Chiếc xuồng máy của anh Phan Trọng Lương đưa chúng tôi lướt trên mặt hồ mênh mông, bao quanh là những ngọn núi trùng điệp hùng vĩ. Khi hoàng hôn buông xuống, hàng ngàn cánh cò trắng bay về, chao lượn, tìm mái ấm trên những hòn đảo rợp bóng cây xanh. Bằng tâm huyết và sự say mê với rừng, những năm qua, anh Phan Trọng Lương đã xung phong đứng ra bảo vệ đàn chim trời. Anh Lương chia sẻ: Đàn cò kéo về đây đậu trắng trời, cánh “thợ săn” khắp nơi về săn bắn, bẫy chim bừa bãi. Vì vậy, cần phải có biện pháp ngăn chặn nếu không một thời gian ngắn nữa các loài chim ở khu vực đập Vệ Vừng sẽ biến mất. Người dân sẽ không còn được trông thấy cảnh hàng vạn con chim bay về chao lượn trên mặt hồ Vệ Vừng vào mỗi buổi chiều buông. Chỉ được hỗ trợ một phần kinh phí là 400.000 đồng/tháng của Chi cục Kiểm lâm nhưng anh Lương canh giữ, bảo vệ đàn cò an toàn khi về đây cư trú. Ngoài bảo vệ đàn chim trời, anh Lương còn chăm sóc bảo vệ được 180 ha dẻ, trồng trên 40 ha keo ở quanh khu hồ Vệ Vừng, tạo cho vùng hồ đa dạng các loại cây rừng. 
 
Du khách lướt ca nô thăm quan “đảo cò”.
 
Trong năm 2013 khu vực rừng của hồ chứa nước Vệ Vừng đã được UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt rừng đặc dụng 96 ha thuộc xã Kim Thành (chủ yếu trồng tại 5 đảo trên hồ). Người dân quanh vùng càng có ý thức bảo vệ phát triển vốn rừng. Ông Thái Văn Quế, Xóm trưởng xóm Trại Mắt, xã Kim Thành cho biết thêm: Các đảo trên hồ đều rợp bóng cây xanh, để bảo vệ rừng, nhiều năm nay xóm đã có quy ước, hương ước về giữ rừng, bảo vệ đàn chim cò. Hàng tháng xóm đều cử lực lượng phối hợp đi tuần tra kiểm soát rừng, nếu phát hiện nghi vấn thì báo với lực lượng kiểm lâm để xử lý kịp thời hoặc báo với chính quyền xã để tiến hành lập biên bản xử phạt. Nhờ công tác bảo vệ rừng của cộng đồng tốt mà nhiều năm liền rừng ở Vệ Vừng không bị chặt phá, đốt than. Để chống xói mòn cho các đảo và tăng cường chỗ trú ngụ cho chim cò, bà con xóm Trại Mắt có 126 hộ dân đã trồng được trên 600 bụi tre tại các đảo, trên 100 ha rừng cây nguyên liệu. Đây là nguồn lợi phát triển kinh tế và góp phần chống xói mòn, ổn định nguồn nước hồ Vệ Vừng. 
 
Ồng Nguyễn Văn Đàn - Chủ tịch UBND xã Kim Thành cho biết: Xã Kim Thành hiện có 1.400 ha rừng, ngoài diện tích quy hoạch rừng đặc dụng 96 ha, xã còn bảo vệ tốt trên 200 ha rừng phòng hộ đầu nguồn Vệ Vừng. Bên cạnh đó, các xã quanh hồ như xã Tây Thành, Quang Thành, Đồng Thành đã trồng mới được trên 2000 ha rừng nguyên liệu, tạo nên vành đai xanh bao bọc lấy cả vùng hồ Vệ Vừng. Nhờ vậy thảm thực vật ở hồ Vệ Vừng ngày càng phong phú, góp phần điều hòa khí hậu cho cả vùng miền Tây Yên Thành, cung cấp nước tưới cho trên 2.000 ha lúa của các xã Kim Thành, Quang Thành, Phúc Thành, Hoa Thành, Văn Thành… Chưa kể là cá nước ngọt đủ loài sinh sôi nảy nở với sản lượng ước tính trên 150 tấn, có nhiều con trắm ốc nặng trên 30 kg. Ngoài các loài chim, cò về trú ngụ, còn có cả loài hồng hạc, diệc quý hiếm... Những năm gần đây, khách du lịch gần xa đã biết đến hồ Vệ Vừng như một địa chỉ quen thuộc. Ngoài thú vui du thuyền, ngắm cảnh, leo núi, câu cá, đắm mình trong làn nước ngọt trong lành…, du khách còn được thưởng thức món cá nướng, nhâm nhi với chén rượu quê và thỏa sức với những câu hò, điệu ví. Căn cứ việc quy hoạch khu du lịch sinh thái, anh Phan Trọng Lương – chủ hồ cũng đã tự bỏ kinh phí hàng tỷ đồng đầu tư xuồng máy, nhà hàng sinh thái ven hồ thu hút khách du lịch. 
 
Tại xã Lăng Thành ít người biết đến có một rừng Lim cổ thụ rộng trên 100 ha (trong năm 2013 đã được UBND tỉnh quy hoạch rừng đặc dụng). Cây lim lớn nhất ở đây có đường kính từ 0,8 đến 1m. Theo các cụ cao niên của làng thì rừng lim này có tuổi đời hàng trăm năm, qua bao thăng trầm của lịch sử, chiến tranh, nắng lửa nhưng vẫn phát triển xanh tốt. Hiện nay khu rừng này hàng năm thu hút được lượng khách du lịch khá đông về tham quan. 
 
Ông Nguyễn Trọng Thực - Hạt trưởng hạt Kiểm lâm Yên Thành cho biết thêm: Điều phấn khởi là UBND tỉnh đã có Quyết định số: 6220/QĐ-UBND Nghệ An, ngày 20/12/2013 về việc phê duyệt “Quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng tỉnh nghệ An đến năm 2020”. Trong đó riêng Yên Thành được quy hoạch 1.019 ha bao gồm: Xuân Thành 500 ha, Lăng Thành 112 ha, Kim Thành 94 ha, Bắc Thành 147 ha… Sau khi có quyết định chính thức rừng đặc dụng thì công tác bảo vệ sẽ thuận lợi hơn.
 
Diện tích rừng sẽ được bàn giao cho các đơn vị liên quan quản lý, lực lượng kiểm lâm là mũi nhọn bảo vệ rừng. Rừng đặc dụng được bảo vệ tốt góp phần: Bảo vệ đa dạng sinh học và các phát triển các nguồn gen động, thực vật rừng quý hiếm. Bảo vệ và phát triển các khu rừng gắn với di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Từ đó huyện quy hoạch xây dựng các công trình phục vụ, sưu tập, bảo tồn hệ động, thực vật rừng, các mô hình rừng có giá trị nghiên cứu khoa học, có giá trị cảnh quan di tích lịch sử phục vụ nghiên cứu khoa học, tham quan du lịch sinh thái. Chưa kể là nâng cao đời sống nhân dân trong vùng bằng các họat động lâm nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ du lịch, dịch vụ môi trường...
 
 
Văn Trường