(Baonghean) - Người dân các dân tộc thiểu số ở Tương Dương được coi là yêu thích văn nghệ bậc nhất trong các huyện miền Tây xứ Nghệ. Hầu như trong mỗi bản làng Thái, Mông, Khơ mú đều có đội văn nghệ. Dào dạt điệu hát, điệu khèn, những đêm nồng say khắc luống… thoạt tiên là để quên đi những khó khăn, mệt nhọc hàng ngày; riết rồi cái say mê ca hát, tâm huyết giữ gìn vốn cổ dần trở thành máu thịt của những người dân vốn bình dị rẫy nương…
Hò hẹn hàng tuần rồi, hôm nay các bà, các chị ở đội văn nghệ bản Quang Thịnh, xã Tam Đình cũng thu xếp được thời gian để có mặt đầy đủ cho buổi tập dượt văn nghệ. Là buổi tập thôi, nhưng “vẫn” thu hút đông đảo bà con dân bản đến xem. Và buổi tập đã thành hội vui dân ca, dân vũ độc đáo với những bước nhảy thổ cẩm uyển chuyển, tiếng cồng ngân vọng, dìu dặt nương theo khắc luống rộn rã. Chị Lô Thị Thanh (bản Quang Thị) vui vẻ cho biết: “Những khi đội văn nghệ bản tập dượt hay biểu diễn trong các ngày lễ, Tết, cả nhà tôi đều đi xem. Vui lắm! Vui nhất là các bà, các chị vẫn duy trì được các điệu múa, nhịp cồng chiêng dân tộc Thái chúng tôi”.
Có thể nói dân ca Thái với những làn điệu mượt mà đằm thắm, chân tình mà sâu lắng luôn là món ăn tinh thần được đồng bào Thái ở Tương Dương nâng niu, gìn giữ và không ngừng phát huy; không những dịp lễ, Tết mà trong bất cứ một sự kiện vui lớn nhỏ nào trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, khi tiếng cồng chiêng, khèn sáo vang lên là cả một không gian sinh hoạt cộng đồng làng bản chuyển động hứng khởi. Nói đến tâm huyết với phong trào văn nghệ quần chúng, đồng bào Thái ở Tương Dương nói chung và ở xã Thạch Giám nói riêng không thể không nhắc đến ông Vi Hải Phòng ở bản Chắn. Nghệ nhân hát dân ca Thái này nay tuy tuổi đã cao, nhưng vẫn cùng vợ (vốn cũng là một cây văn nghệ có tiếng), tham gia nhiệt tình vào hoạt động của đội văn nghệ bản. Ngôi nhà của ông bà là nơi bà con thường xuyên đến tập văn nghệ. Những lúc như thế, ông bà cùng bà con dân bản trao đổi với nhau từng câu hát, từng làn điệu dân ca, nhắc nhớ nhau giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Ông cho biết, dù cuộc sống có vất vả đến đâu, ông bà vẫn vượt qua nhờ một phần có được nhiều niềm vui, niềm lạc quan từ đam mê hát dân ca của mình.
Tương Dương mùa này, tiết xuân đương vương vấn nét hân hoan mùa lễ hội. Ngày mưa không lên nương, lên rẫy được, bà con các dân tộc ở các bản làng lại tụ hội nhau cất lên những làn điệu dân ca dân tộc mình. Nếp sinh hoạt cộng đồng đẫm chất văn hóa bản sắc ấy có ở hầu hết các dân tộc Thái, Mông, Khơ mú…
Đối với bà con Khơ mú ở bản Lở, xã Xá Lượng, vào dịp lễ, Tết, nhất định phải tổ chức liên hoan văn nghệ. Bản có vợ chồng anh Moong Văn Cường và chị Lương Thị Tâm là những thành viên tích cực của đội văn nghệ quần chúng xã, đã đưa câu tơm, điệu sáo của người Khơ mú trình diễn ở huyện, ở tỉnh. Tranh thủ thời gian nông nhàn, sẵn có cán bộ văn hóa đến đôn đốc, kiểm tra, anh chị đã trổ tài ca hát, thổi sáo cho mọi người cùng xem. Tết Giáp Ngọ mới rồi, anh chị được bản giao nhiệm vụ dàn dựng chương trình văn nghệ. Anh Moong Văn Cường vui vẻ nói: “Năm 2013 vừa qua, dân bản được mùa, đàn trâu, đàn lợn không gặp dịch bệnh, con đường rải nhựa vào bản đã hoàn thành. Là một năm có nhiều niềm vui như vậy, nên bà con làm tết to; nhà nhà ngoài giã thêm nhiều gạo nếp, làm thịt nhiều gà, lợn, thì chương trình văn nghệ của bản đã được chuẩn bị rất kỹ và có nhiều tiết mục mới, khi biểu diễn được bà con rất khen ngợi”.
Ở xã vùng sâu Nhôn Mai có anh Và Bá Đua là người đã nhiều năm say mê với việc giữ gìn các điệu khèn của dân tộc Mông. Dù ở nhà hay lên nương rẫy, chiếc khèn luôn là người bạn đồng hành cùng anh. Anh biết thổi khèn Mông từ năm 12 tuổi. Và gần 30 năm nay, anh luôn đam mê sưu tầm, hướng dẫn bà con dân tộc mình cách thổi và cách làm khèn Mông. Anh cho rằng đã là con trai bản Mông tốt là phải biết thổi các điệu khèn, biết cách làm khèn và phải có ý thức trân trọng, gìn giữ cây khèn tri âm tri kỷ của mình. Anh nói: “Học khèn khó lắm. Ta đã mê học thổi khèn từ nhỏ. Bắt đầu khi mới lớn ta thấy trong tang ma, cưới hỏi bà con ta đều dùng đến tiếng khèn, từ đó ta thích và tự nhủ phải gắng học để mà biết thổi thôi và phải thổi cho hay”. Được biết, cha anh cũng là một người đàn ông Mông thổi khèn điệu luyện. Cha con anh đã lần lượt được nhận các giải thưởng cao ở các hội diễn: Giải A Hội thi văn hóa các dân tộc thiểu số Nghệ An, giải Nhì, Liên hoan văn hóa khu vực Bắc miền Trung….
Để tạo sân chơi văn hóa bổ ích, phong phú, giàu bản sắc cho bà con các dân tộc trên địa bàn, vào các dịp lễ, tết huyện Tương Dương đã huy động các đội văn nghệ quần chúng mạnh của các xã, hướng dẫn họ dàn dựng tiết mục, tự dẫn chương trình, tự biểu diễn tại các điểm tập trung đông dân cư. Nói về phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương, ông Vi Sắt Son - Trưởng phòng Văn hóa huyện Tương Dương cho biết: “Huyện và ngành Văn hóa luôn quan tâm các giải pháp làm thế nào để lưu giữ giữ được nét văn hóa của bà con các dân tộc trên địa bàn; nhất là làm sao phục hồi được các làn điệu cổ. Đặc biệt, yêu cầu và có kiểm tra việc các xã phải tạo điều kiện cho các bản tổ chức hoạt động văn hóa – văn nghệ theo văn hóa dân tộc mình”.
Như thế, vốn văn hóa bản sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tương Dương đang được gìn giữ và phát triển, chảy bền bỉ theo dòng suối dân ca thông qua phong trào văn nghệ quần chúng ở mỗi bản làng.
Anh Vũ