(Baonghean) - Ai cũng biết, công tác xây dựng Đảng bao gồm ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức, trong đó xây dựng Đảng về chính trị là quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định đối với các mặt khác.
 
Sở dĩ nói như vậy là vì, trước hết xác định đường lối chính trị đúng đắn là quan trọng nhất. Trong đó có đường lối chung và đường lối của từng giai đoạn, từng thời kỳ, từng mặt của đời sống xã hội. Vì thế, nó là nền tảng để định hướng tư tưởng và tổ chức để phục vụ cho đường lối chính trị đó cho phù hợp và hiệu quả ở từng giai đoạn cụ thể. Đường lối chính trị đúng đắn hay sai lạc quyết định sự thành, bại của cách mạng. Vì thế, phải xây dựng được đường lối chính trị đúng đắn để có định hướng phù hợp về công tác tư tưởng và công tác tổ chức. Hiện cũng có quan điểm cho rằng, tư tưởng là cơ sở, là tiền đề cho sự lựa chọn đường lối chính trị và quyết định những hoạt động khác, nên phải được đặt trước công tác xây dựng Đảng về chính trị và các mặt khác của xây dựng Đảng.
 
Thật ra, chính trị và tư tưởng kết nối, dính liền với nhau như hai mặt của một tờ giấy. Phải có mặt này thì mới có mặt kia. Cho nên không nhất thiết phải phân định một cách thật rạch ròi cái nào trước, cái nào sau. Mà vấn đề chính là phải làm tốt cả hai. Bởi lẽ, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Xây dựng Đảng về tư tưởng, nói gọn lại là để nhằm giữ vững quan điểm, thống nhất ý chí và một lòng, một dạ “theo chủ nghĩa ấy” - Chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Mà cụ thể  là làm cho tư tưởng của cán bộ, đảng viên phù hợp với tư tưởng của Đảng, thống nhất cao và tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng để phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn. Xây dựng Đảng về tổ chức xây dựng và xác định các nguyên tắc tổ chức của Đảng, trong đó tập trung dân chủ được xác định là nguyên tắc tổ chức cơ bản. Đi cùng với đó là phải tổ chức cơ cấu bộ máy, lựa chọn con người  và cơ chế vận hành sao cho phù hợp nhất với yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành, lĩnh vực… để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ chuyên môn.  
 
Nhìn qua thì thấy, công tác xây dựng Đảng có vẻ hơi phức tạp, rắc rối với nhiều vấn đề, nhiều mảng công việc. Nhưng nếu để ý kỹ thì thấy, dù là chính trị, tư tưởng hay tổ chức thì việc lãnh đạo thực hiện hay trực tiếp thực hiện cả ba mảng công việc đều là do con người. Con người tốt, thông minh thì biết cách thực hiện đúng, nhanh, hiệu quả cao. Ngược lại sẽ dẫn đến trì trệ và sai lầm. Vì thế, công tác xây dựng Đảng thật ra là xây dựng con người. Là phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng để có những con người đủ tâm, đủ tài để vừa luôn trung thành với chủ nghĩa, vừa lĩnh hội chính xác, đầy đủ và thực hiện một cách sáng tạo, đúng đắn các nhiệm vụ, trọng trách được giao. Đưa Đảng trở thành một tổ chức chính trị vững mạnh, bao gồm hàng triệu đảng viên với hàng vạn bộ phận song vẫn thống nhất được ý chí và hành động.
 
Vừa bao quát được phạm vi cả nước, vừa đi sâu vào từng cơ sở xã hội và luôn gắn bó chặt chẽ với nhân dân. Do đó, cốt lõi của công tác xây dựng Đảng là xây dựng con người. Phải bắt đầu và phải đi sâu vào công tác xây dựng con người. Phải tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật... Nếu tất cả các đảng viên đều có đầy đủ những phẩm chất đó thì chắc chắn một điều là sẽ không có những biểu hiện tiêu cực, suy thoái về đạo đức xuất hiện trong cán bộ, đảng viên, trở thành nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Và Đảng ta sẽ ngày càng vững mạnh hơn, được nhân dân tin yêu nhiều hơn.
 
Duy Hương