(Baonghean) - Trận mưa lũ bất ngờ kéo về trên địa bàn huyện Con Cuông đã cô lập 3 xã Mậu Đức, Đôn Phục, Thạch Ngàn khiến hơn 8.000 học sinh trên địa bàn phải nghỉ học trong nhiều ngày liền. Hiện nay, nước các khe suối trên địa bàn huyện vẫn tiếp tục dâng cao khiến con đường đến với cái chữ của các em học sinh trở nên trắc trở muôn phần. 
 
Ngày 15/9, khi phóng viên có mặt tại xã Đôn Phục, tuy nước đã rút khỏi các vùng trũng nhưng tại các khe suối, nước vẫn ở mức cao. Con đường từ Thị trấn Con Cuông vào Đôn Phục chỉ chừng 15km nhưng chúng tôi phải mất hơn 2h đồng hồ mới vào được các điểm trường trên địa bàn trong tình trạng lấm lem bùn đất.

768755_small_66526.jpg

Việc đi lại rất khó khăn tại các xã bị lũ quét.



Khe Khèn vẫn ngồn ngộn nước, ngăn bước chân trẻ đến trường

Đón chúng tôi tại Trường Tiểu học Đôn Phục (xã Đôn Phục) là các giáo viên ở lại trực trường, vẫn không giấu nổi vẻ bàng hoàng khi kể lại những câu chuyện mưa lũ. 7h sáng ngày 11/9, nước khe Phèn đột ngột dâng cao, tràn lên cả cánh đồng chính của bản Phục. Trường tiểu học có 5 điểm trường nằm rải rác ở các bản thuộc xã Đôn Phục: điểm trường chính ở bản Phục, điểm trường ở bản Hồng Thắng, Hồng Điện, Tổng Tiến và Tổng Tờ. Điểm chính của trường tiểu học nhỏ bé nằm chênh vênh bên đồi, chới với giữa dòng nước lũ. Cô Lương Thị Tý - giáo viên lớp 1, cho biết: “Ngay khi nước lũ lên, chúng tôi đã liên hệ ngay với chính quyền xã để thông báo cho các em học sinh nghỉ học. Đồng thời, nhắc nhở các gia đình chú ý không để các cháu nhỏ ra ngoài, đi đến khu vực khe suối rất nguy hiểm!”.

Tại thời điểm chúng tôi đến, vẫn còn hai điểm trường tại bản Hồng Điện, Hồng Thắng bị cô lập, nước lũ còn ở mức rất cao. Đặc biệt, cuộc sống của những đồng nghiệp nơi đây bị ảnh hưởng rất lớn. Các thầy cô kể cho chúng tôi chuyện về cô Vi Thị Chiến - giáo viên tại điểm trường Hồng Điện bị nước lũ vào nhà, cuốn trôi hết tất cả số tài sản vốn đã quá ít ỏi phải tích cóp cả một đời làm nghề giáo. Vì không thể tiếp cận được các điểm trường bị cô lập, chúng tôi đành phỏng vấn cô Chiến qua điện thoại. Cô chia sẻ: “Năm nào cũng mưa lũ, nhưng mưa lũ năm nay làm cuộc sống của người dân cũng như các cán bộ, giáo viên nơi đây điêu đứng nhất. Riêng gia đình tôi thì nước cuốn trôi hết rồi, nay chẳng còn thứ gì có giá trị!”
 
Không chỉ có gia đình cô Chiến, nhiều gia đình học sinh trên địa bàn cũng đang lâm vào cảnh khốn đốn vì mưa lũ. Theo chân cô Lương Thị Tý, chúng tôi đến thăm gia đình em Nguyễn Thị Hương Trang ở bản Xiềng - học sinh lớp 4 trường Tiểu học Đôn Phục. Cơn lũ đã tạm qua, nhưng trong ánh mắt ngây thơ của em vẫn hằn lên nỗi sợ hãi: “Lúc đó bố mẹ em đi lấy măng trên rừng về chưa kịp, nhà chỉ có hai chị em. Nước lên nhanh và dâng cao quá, hai chị em chỉ biết ôm nhau khóc. May mà có mấy bác nhà bên cạnh chạy sang neo giúp cột nhà, chằng lại bốn bức vách chứ không thì chắc nhà em cũng bị nước cuốn trôi rồi.”
 
Thầy Phan Minh Đức - Hiệu trưởng trường Tiểu học Đôn Phục, cho biết: “Chúng tôi đang chờ nước trên các khe suối xuống để có thống kê cụ thể về thiệt hại. Đồng thời, các thầy cô cũng đang rất mong mỏi đưa các em học sinh trở lại lớp để theo kịp chương trình học. Hy vọng trong vài ngày tới, việc đến trường của thầy và trò sẽ thuận lợi hơn!”



Những gì còn lại sau lũ tại bản Phục

Được biết, ngoài trường Tiểu học Đôn Phục, các trường mầm non và THCS đóng trên địa bàn cũng đang trong tình trạng đóng cửa chờ nước rút. Tình trạng này cũng xảy ra trên địa bàn các xã bị nước lũ tàn phá như Mậu Đức, Thạch Ngàn. Trao đổi với ông Phan Anh Tài - Trưởng phòng Giáo dục huyện Con Cuông, ông cho biết: “Con số thống kê cụ thể thì hiện chưa có, nhưng trận lũ vừa qua làm rất nhiều điểm trường bị hư hỏng, sách vở, giáo cụ đa phần bị cuốn trôi hoặc thấm ướt. Chúng tôi ước tính đến ngày 19/9, còn khoảng 1.200 học sinh tại các xã Thạch Ngàn, Đôn Phục, Cam Lâm, Châu Khê vẫn chưa thể đến trường.” Về giải pháp khắc phục hậu quả lũ lụt, ông Tài trao đổi thêm: “Chúng tôi hiện đã đề ra nhiều giải pháp kết hợp như dạy bù vào các ngày nghỉ cuối tuần, tổ chức các lớp dạy kèm riêng cho các em đến lớp quá muộn do điều kiện mưa lũ cô lập để theo kịp chương trình… !”
 
Là một huyện miền núi nghèo, tiếng trống khai trường chỉ vừa vang lên chưa lâu, nhưng con đường đến với chữ của các em học sinh nơi đây đã gặp vô vàn khó khăn. Hy vọng, sự chung tay của các cấp các ngành, của cộng đồng để khắc phục hậu quả mưa lũ, mua sắm giáo cụ mới và sách giáo khoa… sẽ góp thêm niềm tin cho các em, để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.


Nguyễn Thành Duy