(Baonghean.vn) - Từ năm 1788, vua Quang Trung đã chọn đất Yên Trường (Vinh ngày nay) xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô. Những năm đầu của thế kỷ 20 Vinh đã là trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội của xứ Trung Kỳ với 3 trung tâm đô thị là Vinh - Trường Thi - Bến Thuỷ. Vinh đã trở thành “một thành phố thực sự với những con đường rải đá thẳng xinh đẹp, những đường phố có những hiệu buôn của người Trung Hoa và người Việt Nam, nhiều nhà gác cao đẹp, sân xây bằng đá san sát đều nhau...”. 
 
Thật đáng tiếc là những hình ảnh sống động, đẹp đẽ trên của thành Vinh đã từng được viết năm 1901 trong sách “Tổng quát An Nam” đã không còn nữa. Người đọc cũng khó có thể tưởng tượng vì tranh ảnh về thời kỳ này còn lưu giữ ở Việt Nam rất ít. Sử sách ghi lại thời kỳ này cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mới đây ông Phạm Xuân Cần (trong quá trình tìm tư liệu để viết cho cuốn sách “Văn hoá đô thị với thực tiễn thành phố Vinh”) qua mạng internet đã sao chép lại được những bức ảnh đắt giá về thành phố Vinh vào những năm đầu thế kỷ 20. 
 

762413_small_45390.jpgTác giả bài viết và giáo sư Hoàng Văn Lân.
Gần 20 bức ảnh đó hiện đang được lưu giữ tại một bảo tàng văn hoá của nước Pháp. Phần lớn những bức ảnh này được in trên bưu thiếp (nhiều bức còn có dán tem và bút tích của người gửi). Một vài bức do nhà nhiếp ảnh Trần Đình Quán (chủ nhân một hiệu ảnh nổi tiếng của Vinh thời Pháp thuộc) chụp. Ngoài một số hình ảnh đã từng được nói đến nhiều như Cảng Bến Thuỷ, đường phố ở Vinh, những bức ảnh còn lại đều không xác định được. Trong đó có những địa danh như nhà công sứ của Pháp, Xá Lâm, cầu Ngói…Cũng theo như tác giả Phạm Xuân Cần cho biết thì: Khi nhà văn Bá Dũng (nguyên là Bí thư thành uỷ Vinh nhiều năm) còn sống ông cũng đã đem những bức ảnh nói trên để tìm hiểu về gốc tích, nhưng cũng không ai trả lời được. Hiện trên thành phố Vinh những người hiểu và sống vào thời kỳ này không còn nhiều. Giáo sư Hoàng Văn Lân (nguyên là giảng viên Khoa Sử, trường Đại học Vinh) là một trong những người “hiếm hoi” ấy.
 
Chúng tôi tìm đến nhà riêng của giáo sư. Sau khi xem kỹ từng bức ảnh, giáo sư cho biết: Bức ảnh chụp ba người đàn ông đứng trước một bức tường (ảnh 1) được chú thích đơn giản là “ba người đàn ông”, nều hiểu đầy đủ phải là “những ông lính mặc áo khố xanh”. Lính khố xanh (do thực dân Pháp lập sau điều ước 1884 để đàn áp phong trào Cần Vương và hoạt động đến hết năm 1945), thường mặc trang phục màu xanh, đội mũ và mang khố (như cái bao đựng đạn) đằng trước. Trang phục của người đàn ông đứng giữa là lễ phục của người dân thường mặc khi đến nhà quan hoặc vào những dịp quan trọng khác…
 
Những bức ảnh khác chủ yếu chụp ở cảng Bến Thuỷ. Điều này cũng dễ hiểu bởi vào những năm đầu thế kỷ 20 cảng Bến Thuỷ là một cảng lớn của Trung Kỳ, là trung tâm giao lưu, buôn bán thương mại của cả vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh. Không những thế đây là nơi xây dựng nhà máy điện với “công suất bằng một nửa tổng công suất của 22 nhà máy điện khác của Trung Kỳ cộng lại”. Đặc biệt trong một bức ảnh có chú thích “An Nam - Bến Thuỷ - Gare maritime” với đường nhựa, nhiều toà nhà cao tầng ở xa xa và một đường ray nhỏ bắc ngang được có thể hiểu đây là đường xe lửa được nối từ ga Vinh xuống cảng Bến Thuỷ nhằm thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá.
 
Tháo chiếc kính ra, giáo sư Hoàng Văn Lân lim dim nói:  "Các o không biết đấy thôi, ngày trước "Tây" xem Cửa Lò là nơi chỉ có thể nghỉ dưỡng chứ không xây dựng cảng. Ngược lại, Bến Thuỷ là nơi rất tốt để xây dựng cảng, vì từ đó có thể đi Hải Phòng, Vũng Tàu, Đà Nẵng, đi Hồng Công, Java (thủ đô của Indonexia), và xa hơn - đi Châu Âu ! Chính vì thế nên ngày trước lâm sản của Nghệ An được vận chuyển đi khắp nơi…."
 
Tuy đã rất cố gắng, nhưng cũng như một số người am hiểu khác mà chúng tôi đã hỏi thì những bức ảnh được chú thích như “Pagode do XaLam” (chùa Xá Lâm), “Pagode, route de Ben Thuy” (một ngôi chùa trên đường Bến Thuỷ), “Residence – Vue generale” (Dinh công sứ), “Poat couvert rout de XaLam” (cầu ngói trên đường vào chùa Xá Lâm)….giáo sư Hoàng Văn Lân cũng không giải thích được gì nhiều. Nghe nói nhà nhiếp ảnh Trần Đình Quán (người chụp những bức ảnh này) về sau đã chuyển về Yên Thành sống và cũng lưu lạc luôn. Đáng tiếc, đây là những bức ảnh ghi lại nhiều công trình kiến trúc đẹp, hoành tráng và độc đáo. Nếu được xác minh một cách khoa học sẽ là cơ sở để chúng ta phục dựng lại những công trình cổ mà vì hoàn cảnh lịch sử đã bị phá bỏ. Thế hệ trẻ chúng tôi sinh ra và lớn lên trên thành phố Vinh khi được xem những bức ảnh này đã không khỏi tiếc nuối, bởi nếu những công trình kiến trúc đó tồn tại thì ngoài phố cổ Hà Nội, phố cổ Hội An sẽ có thêm một phố cổ Vinh…(?). 
 
Phục dựng những công trình kiến trúc cổ ở Vinh, đó là mong muốn của rất nhiều người yêu Xứ Nghệ, yêu Thành Vinh !
 
Thiếu phụ hút thuốc, Vinh năm 1908.
 
Mỹ Hà - Thanh Phúc