Triển lãm trưng bày sinh vật cảnh mở ra giữa sân Thái Học trong khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám - trường đại học gần 1000 năm tuổi của Hà Nội - như một lời chào nồng nhiệt mừng 54 năm Ngày giải phóng Thủ đô và hòa vào không khí cùng cả nước hướng về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Có thể nói, thú chơi tao nhã xưa được kế thừa ở ngày hôm nay đã tạo ra những tác phẩm độc đáo mang dáng hồn dân tộc Việt. Dáng núi sông ẩn trong những thế cây, thế đá, hồn văn hóa ẩn trong những đường nét tinh hoa, ý tưởng sáng tác cũng như những chất chất liệu được lưu truyền từ mấy trăm năm… Gần 100 tác phẩm cây thế đầy đủ các chủng loại: sanh, si, đa, tùng, lộc vừng… tất cả đã được chăm bón và tạo dáng tự nhiên theo 2 trường phái. Cây thế theo khuynh hướng truyền thống của người Hà Nội xưa thì gói ghém trong các chủ đề: Tam đa, huynh đệ đồng khoa, phụ tử, mẫu tử, siêu phong…
Khuynh hướng đương đại là những dáng cây mảnh mai, tao nhã theo dáng văn nhân. Rất nhiều cây trong số này đã tham gia và giành nhiều huy chương vàng, bạc trong Festival cây cảnh tại TP HCM, triển lãm Sắc xuân Thành cổ và các cuộc triển lãm trên toàn quốc từ năm 2002 đến nay. Tác phẩm "Hồn xưa" của tác giả Nguyễn Trọng Thành có vẻ hấp dẫn người mê cây nhất. Ấy là một cây sanh được tạo dáng kỳ công với tiểu cảnh là giếng nước, mái đình… y như cảnh sắc và cuộc sống dân dã điền viên của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Chưa tính tuổi đời của cây sanh thì chỉ riêng khâu tạo dáng và làm tiểu cảnh cũng đã "lấy" của tác giả tới 6 năm trời. Cũng phải nhắc tới 80 chậu lan góp mặt trong cuộc trưng bày này với các chủng loại khác nhau: lan hài, móng rồng, dạ hương, cẩm báo, đuôi chồn, tai trâu và nhiều loại địa lan, lan rừng quí hiếm. Đặc biệt, các thành viên của Hội sinh vật cảnh Hà Nội đã gắn, cấy ghép một số lan rừng lên cây cổ thụ trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám với niềm tin tưởng chắc chắn cây sẽ phát triển mạnh, ra hoa đều và đẹp. Cách làm này nếu nhân rộng sẽ góp phần không nhỏ làm xanh, đẹp Thủ đô và đặc biệt, sẽ đóng góp tích cực, có hiệu quả vào việc bảo tồn các loài gien quý hiếm của thiên nhiên.
Ngay từ buổi đầu tiên trưng bày (4/10), triển lãm sinh vật cảnh đã cuốn hút đông đảo người xem trong nước cũng như du khách nước ngoài. Những tác phẩm ở đây thể hiện rõ nét và khá đầy đủ về vóc dáng, tư thế, bản chất cũng như bàn tay khối óc của con người Việt, văn hóa Việt. Có thể sau triển lãm này (kết thúc ngày 13/10), một số tác phẩm có giá trị mỹ thuật, văn hóa cao sẽ được lưu giữ lâu dài tại đây. Đó cũng là bước khởi đầu để tới đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ có một nét mới, độc đáo, văn hóa và truyền thống, xứng đáng là một trong những di tích lịch sử văn hóa hàng đầu, tiêu biểu của Việt Nam.