(Baonghean) - Từ bản Phà Khảo (xã Phà Đánh – Kỳ Sơn - Nghệ An) đã mấy mùa rẫy lưu truyền câu chuyện “lạ”: Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc người Kh’mú Nghệ An biết ủ phân trâu bò với lá cây để có một loại phân tốt bón cho cây trồng.
Mà cây trồng không phải là thứ lúa rẫy truyền thống; là tự tay dân bản có sự hướng dẫn kỹ thuật của Hợp tác xã Hương Sơn, kể cả tự tay đào hố trồng rừng nguyên liệu… Tổ trưởng tổ kỹ thuật ương giống keo Ven Văn Mạnh – trai bản Phà Khảo cho biết thế.
Dân bản Phà Khảo thu hoạch bầu keo giống.
Mà cái Hợp tác xã Hương Sơn này cũng “lạ” không kém. Nó ra đời giữa mù sương rẻo cao Kỳ Sơn từ lòng đam mê trồng rừng của người đàn ông miền xuôi Nguyễn Văn Luân (ở Khối 3 thị trấn Mường Xén) với việc đưa vào đất rừng Kỳ Sơn ngót hàng trăm thứ giống cây mà thành bại ông không nản. Một thời, ông là “vua trồng gấc” tiếng tăm nổi như đỉnh Xốp Thảng. Ông này đã lấy cái sự “3 cùng” – cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào để thực hiện “giấc mơ xanh” của mình. Không tính được bao trăm triệu ông bỏ ra với bao lần gia đình chao đảo vì cái sự mạo hiểm ấy. Cấp gạo, cấp thực phẩm, cấp bao thứ không nhớ tên ra để chuyển đổi được cách nghĩ, cách làm của dân bản Phà Khảo này thì khó khăn, công lênh dày phải biết! Ban đầu thành công cao như…núi: Hàng vạn bầu keo cứ mởn lên trông sướng cái bụng. Sướng nữa là mấy chương trình trồng rừng ở Kỳ Sơn vài năm trước chủ yếu dùng nguồn giống keo của cái trại ương “lạ” này đấy.
Thu hoạch cỏ voi cho mô hình trại chăn nuôi
Dân bản tích cực mở rộng diện tích trồng sắn
Ven Văn Mạnh thì không biết hết lý do vì sao, nhưng hàng trăm héc-ta keo có háo hức, tâm sức của Mạnh và các tổ viên đều là dân bản Kh’mú Phà Khảo đã “đứng” rì rì xanh ngút lên khắp sườn rừng các xã lân cận bỗng thưa dần rồi biến mất. Ông Luân thì buồn buồn nói: “Bán cho chương trình trồng rừng, họ hứa hẹn đủ kiểu, tiền cây giống chưa trả; mà không quan tâm chế độ cho bà con như đã hứa thì không ai chăm sóc, bảo vệ, trâu bò phá hết….”.
Thế thì nản hết à? Ven Văn Mạnh lắc lắc mái đầu bờm xờm bảo: “Nản là sao! Bây giờ dân bản đang theo ông Luân trồng sắn cao sản. Hồ hởi ít đi nhưng thấy sắn xanh tốt, lại được ông Luân cam kết tiêu thụ cho mấy nhà máy sắn dưới xuôi, nên tin lắm…”. Ừ, khắp núi rừng quanh Phà Khảo đã bát ngát sắn cao sản rồi. Ông Luân cho biết người Mông tận mường Lống cũng ra xin cung ứng giống, hợp tác với ông trồng sắn cao sản. Họ thuê lại đất Phà Đánh, trồng hăng lắm.
Sắn thì tin rồi. Đang còn dự định thành lập thêm mấy mô hình trại chăn nuôi bò, trồng cỏ voi của ông Luân mà ông thì hẳn nhiên quyết tâm. Ven Văn Mạnh và dân bản Kh’mú Phà Khảo thì sao? Mạnh lại gật gật mái đầu bù xù bảo: “Ông Luân chịu khó giúp cho ban đầu, ta làm thôi!”.
Chuyện bản Phà Khảo là thế. Và chắc sẽ còn nhiều “chuyện lạ” ở bản vùng cao này!