(Baonghean) - Chỉ cách trung tâm huyện chưa đầy 50 km, thế nhưng lâu nay, người dân 3 xã Châu Phong, Châu Hoàn, Diên Lãm (huyện Quỳ Châu) sống hoàn toàn cách biệt với cuộc sống bên ngoài, lưới điện quốc gia chưa thể giăng đến đây. Không có điện kéo theo biết bao khó khăn trong sinh hoạt thường ngày của người dân, nhu cầu thông tin giải trí gần như bị quên lãng. Người dân nơi đây ví von quê hương mình bằng cái danh xưng không lấy gì là tự hào: "Ốc đảo tối...".
Từ thị trấn Tân Lạc men theo con đường độc đạo xuyên rừng Pù Huống, chúng tôi tìm vào 3 xã vùng sâu thuộc diện khó khăn nhất của huyện Quỳ Châu. Đó là Châu Phong, Châu Hoàn và Diên Lãm. Cả 3 xã có trên 1 vạn dân, 100% là đồng bào dân tộc Thái, cư ngụ trên tổng diện tự nhiên hơn 36 nghìn ha, nhưng đất nông nghiệp chỉ chiếm chưa đầy 2%. Cuộc sống chủ yếu là tự cung, tự cấp, cái đói, cái nghèo luôn đeo bám dai dẳng như một nghiệp chướng.
Bóng điện duy nhất phục vụ cho sinh hoạt trong gia đình 7 người
của anh Lộc Văn Thủy
Hệ thống pin mặt trời chưa thể đáp ứng nhu cầu làm việc của UBND xã và Trạm y tế
Ghé thăm gia đình anh Lộc Văn Thủy, dân tộc Thái (xã Châu Hoàn), khi anh đang loay hoay thay bóng đèn huỳnh quang mới mua ngoài chợ huyện. "Nhà tôi cùng 3 nhà khác góp tiền lắp chung một mô-tơ phát điện từ suối Nậm Cam được 6 tháng nay rồi. Công suất yếu nên mỗi nhà chỉ được lắp một cái bóng điện, coi như có ánh sáng đỡ phải dùng đèn dầu, nên phải thay cái bóng này cho tiết kiệm điện". Cả nhà anh Thủy có 7 người, 5 đứa con nhỏ tuổi ăn, tuổi học đều phụ thuộc vào nguồn ánh sáng duy nhất đó. Nhưng chẳng phải lúc nào, dòng suối Nậm Cam cũng hiền hòa cho mô-tơ phát điện. Mỗi khi vào mùa lũ nước suối dâng cao thì các mô-tơ này bị vô hiệu hóa, bà con đành tháo cất, chờ mùa nước xuống lại mang ra suối lắp lại, và không phải ai cũng có tiền để lắp mô - tơ phát điện như gia đình anh Thủy. Nằm ngay sát nhà anh Thủy là gia đình chị Vi Thị Nga, trong ngôi nhà sàn nằm sát bên suối Nậm Cam, cái đèn dầu làm thủ công bằng hộp sữa ông Thọ, bấc cuốn bằng vải thô là vật dụng quan trọng của gia đình. Chị Nga tâm sự: "Sinh hoạt của gia đình hoàn toàn dựa vào ánh sáng chiếc đèn dầu này, cũng muốn mua mô-tơ phát điện lắm nhưng chưa có tiền".
Hoàn cảnh như gia đình chị Nga không phải là hiếm ở Châu Hoàn. Cả xã có 2.263 khẩu/457 hộ thì tỷ lệ hộ nghèo đã chiếm gần 65%. "Bà con làm độc mỗi nghề nông trong khi ruộng đồng ít, chỉ có 62 ha đất sản xuất nên đời sống khó khăn, vất vả lắm. Muốn mua mô-tơ phát điện có ánh sáng cho con cái học hành, sinh hoạt nhưng cái rẻ nhất cũng gần 500 nghìn, cái đắt lên đến 1,2 triệu đồng, lấy tiền đâu ra mà mua. Chỉ mong có điện lưới quốc gia cho bà con đỡ khổ" - ông Lương Đình Diêm - Phó Chủ tịch HĐND xã Châu Hoàn trăn trở.
Không có điện lưới quốc gia còn kéo theo một loạt khó khăn cho các cơ quan đóng trên địa bàn xã. Tại trụ sở UBND - HĐND xã, Trạm Y tế xã... mặc dù đã được Nhà nước đầu tư hệ thống tấm pin mặt trời. Nhưng do công suất yếu nên chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu. Tại Trạm Y tế xã, điện từ pin mặt trời chỉ vừa đủ cho chạy tủ lạnh bảo quản vắc -xin, còn các nhu cầu dùng cho thắp sáng trạm, cấp cứu ban đêm đành phải tự xoay xở. Bác sỹ Lư Ngọc Chuyền, Trưởng Trạm Y tế xã Châu Hoàn, cho biết: "Thiếu điện nên hoạt động của Trạm Y tế gặp khó khăn lắm. Nhiều khi có ca cấp cứu ban đêm, anh em phải dùng đèn pin lấy ánh sáng để làm việc".
Còn tại trụ sở xã Châu Hoàn, mặc dù dãy nhà văn phòng vừa được xây dựng xong khá khang trang với đầy đủ trang thiết bị làm việc như bóng đèn neon, quạt trần nhưng vì điện từ pin mặt trời không đáp ứng đủ nhu cầu nên các vật dụng này chỉ treo lên rồi nằm "án binh bất động".
Người dân Châu Hoàn, Châu Phong, Diên Lãm chỉ mong mỏi là làm sao Nhà nước sớm kéo điện lưới quốc gia về với xã. Khi có điện rồi làm ăn cũng thuận lợi hơn, bà con còn được xem ti vi, xem thời sự, nắm bắt thông tin để thay đổi cách nghĩ, cách làm, cải thiện cuộc sống.
Một ngày lặn lội qua các bản làng người Thái dưới chân dãy Bù Hóc mới thấy được những khó khăn, chật vật trong cuộc sống, sinh hoạt của người dân nơi đây. Một trong những nguyên nhân chính của sự tụt hậu trong đời sống, nghèo nàn về kinh tế cũng là vì chưa có điện lưới quốc gia. Tôi ngược trở ra Tân Lạc, mang theo trăn trở của đồng bào về cái "Ốc đảo tối" chưa biết bao giờ mới "sáng".